Với sự phát triển như vũ bão của lĩnh vực công nghệ cao, nhu cầu về nhân lực có kỹ năng kỹ thuật số sẽ tăng đột biến. Điều đó khiến lĩnh vực đào tạo khoa học máy tính (KHMT) được dự báo sẽ bùng nổ trong thời gian tới.
Khoa học máy tính là gì?
KHMT là một ngành tương đối mới ngay cả đối với các nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới, nó chưa được giảng dạy rộng rãi trong nhà trường như nhiều môn học khác.
Năm 2014, mới chỉ có 10% các trường trung học tại Mỹ giảng dạy KHMT. Báo cáo năm 2010 của Hiệp hội Máy tính thế giới và Hiệp hội Giáo viên KHMT cho thấy, chỉ có 14/50 bang của Mỹ áp dụng các tiêu chuẩn giáo dục đối với KHMT ở trường trung học tương tự như những môn học khác.
Tuy nhiên, giáo dục KHMT đang gia tăng nhanh chóng khắp thế giới. Một số quốc gia như Israel, New Zealand và Hàn Quốc đã đưa môn này vào chương trình giáo dục quốc gia cho các trường trung học. Hiện nhiều nước khác cũng đang nghiên cứu để đưa KHMT vào hệ thống giáo dục.
Tại Việt Nam, KHMT mới chỉ được tiếp cận ở cấp độ đại học. Do là ngành mới nên hiện nhiều phụ huynh và các bạn sinh viên vẫn nhầm tưởng hai ngành KHMT và công nghệ thông tin là một. Thực ra hai lĩnh vực này mặc dù có liên hệ chặt chẽ nhưng hoàn toàn khác biệt.
KHMT là ngành học trang bị kiến thức nền tảng và chuyên sâu về máy tính như cấu trúc máy tính, nhập liệu điện toán, hệ điều hành, kỹ thuật lập trình phần mềm và phần cứng, trí tuệ nhân tạo, bảo mật và an toàn máy tính, xử lý dữ liệu khối lượng lớn từ mạng Internet và các mạng xã hội, thiết kế và phát triển các ứng dụng cho các thiết bị di động và môi trường web… Ngành này giúp người học nắm vững kiến thức thuật toán, hiểu biết đầy đủ về các lĩnh vực đa dạng của máy tính.
Công nghệ thông tin - hiểu một cách đơn giản là ngành sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền, thu thập thông tin...
Nói cách khác, KHMT là lĩnh vực chuyên về nghiên cứu và phát triển hệ thống máy tính, còn công nghệ thông tin là ngành học chuyên sử dụng và ứng dụng những công nghệ đó vào thực tế cuộc sống. Cần phải có kiến thức căn bản về KHMT trước rồi mới có thể tập trung chuyên môn của mình trong phạm vi hẹp hơn là công nghệ phần mềm.
Theo nhiều chuyên gia, KHMT là một chuyên ngành khó vì nó thiên về lý thuyết, học thuật. Ngành này đòi hỏi cao về khả năng tư duy logic, óc trừu tượng tốt, rất thích hợp với những người giỏi toán. Người có nền tảng KHMT tốt thường có khả năng giải quyết thấu đáo các vấn đề, sở hữu khả năng phân tích, thiết kế bài bản, khoa học.
Sắp bùng nổ trên toàn thế giới
Cơ quan Thống kê lao động Mỹ ước tính, năm 2020 nước này cần khoảng 1,4 triệu việc làm trong lĩnh vực KHMT. Tuy nhiên, hiện tại số lao động đủ trình độ đáp ứng yêu cầu chỉ mới đạt 400.000.
Không riêng gì nước Mỹ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt trầm trọng lao động trong lĩnh vực này, Liên minh châu Âu cho biết, đến năm 2020 họ sẽ thiếu khoảng 900.000 lao động có các kỹ năng liên quan đến kỹ thuật số.
Có cầu ắt có cung. Số sinh viên đăng ký theo học các ngành liên quan đến lĩnh vực KHMT tại Mỹ thời gian qua liên tục tăng. Năm 2014, số sinh viên theo học ngành này đã tăng đến 120% so với năm 2007. Riêng trong hai năm 2014-2015, số lượng sinh viên đăng ký theo học ngành này tăng đến 25%.
“Lĩnh vực đào tạo KHMT sẽ bùng nổ trên toàn thế giới. Nhu cầu về nhân lực trong ngành này là rất lớn. Hiện cả khu vực tư nhân lẫn khu vực công đều tập trung chú ý đặc biệt đến lĩnh vực này. Họ ngày càng ý thức được tầm quan trọng, nhu cầu về lao động kỹ thuật số trong thời gian tới” - ông Jon Steinberg - người phụ trách quan hệ đối ngoại của tập đoàn Google - cho biết.
Các nước phát triển có ý thức và thay đổi sớm nhất để bắt kịp với xu hướng của thời đại. Năm 2012, Hội Khoa học hoàng gia Anh (Royal Society) - một hội khoa học lâu đời và uy tín hàng đầu thế giới - đã lên tiếng khuyến cáo việc nước này đang “sai lầm trong việc giảng dạy KHMT”. Điều đó có tác động lớn khiến Bộ Giáo dục nước này phải nhanh chóng thực hiện cải cách. “Chúng tôi đã đưa những chương trình KHMT mới từ thuật toán đến bảo mật thông tin... vào giảng dạy. Trước đó, chúng tôi đã tham vấn các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Microsoft và Hiệp hội Kỹ thuật hoàng gia. Đây là nỗ lực để đảm bảo những thanh niên nước Anh sẽ có được các kỹ năng cần thiết để có thể đáp ứng được những công việc phức tạp trong tương lai” - phát ngôn viên của Bộ Giáo dục Anh cho biết.
Tại Mỹ, ngoài việc thực hiện những cải cách tương tự, họ còn mở nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân về triển vọng, tầm quan trọng của KHMT.
Nổi bật nhất là việc tổ chức phi lợi nhuận Code.org được thành lập vào tháng 12/2013. Tổ chức này sau đó liên tục nhận được hàng triệu USD tiền tài trợ từ các nhân vật nổi tiếng trong giới công nghệ như Sean Parker - nhà sáng lập Napster, cựu CEO Microsoft Bill Gates và Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg...
Sứ mệnh của tổ chức này cũng được hàng loạt những người nổi tiếng trong giới điện ảnh, ca nhạc và đặc biệt là Tổng thống Mỹ Barack Obama hưởng ứng qua những thông điệp gửi tới người dân nước này.
“Không ai sinh ra đã là một nhà KHMT. Trở thành một nhà KHMT không phải là điều gì đó quá ghê gớm. Chỉ cần chăm chỉ, cố gắng với một chút kiến thức về toán và khoa học, ai cũng có thể trở thành một nhà KHMT. Hãy dành 1 giờ để tìm hiểu thêm về các công nghệ chạm đến mọi mặt của cuộc sống chúng ta. Đó là cách để bạn chuẩn bị cho mình những kỹ năng cần thiết cho tương lai của mình cũng như của đất nước” - ông Obama nói.
Theo Code.org, hơn 136 triệu người đã tham gia vào các sự kiện của tổ chức này trong 2 năm qua.
Điều đáng nói là các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới như Facebook, Google, Apple, Intel... cũng đang rất tích cực trong việc hỗ trợ các quốc gia, các trường học, các doanh nghiệp nhỏ trong việc hoạch định chính sách giáo dục, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho các giáo viên, sinh viên, học sinh, công nhân... những kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực KHMT.
“Những năm qua, chúng tôi đã mở hàng loạt khóa học miễn phí về phát triển web, tiếp thị kỹ thuật số và thương mại điện tử... cho hàng chục ngàn thanh niên thất nghiệp cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Âu. Dự kiến, đến cuối năm 2016 tập đoàn Google sẽ đào tạo cho khoảng 1 triệu người châu Âu những kỹ năng kỹ thuật số quan trọng. Chúng tôi cũng đang xây dựng một trung tâm đào tạo để hỗ trợ các doanh nghiệp bất cứ nơi nào ở châu Âu để có được đào tạo trực tuyến” - ông Jon Steinberg tiết lộ.
Các tập đoàn công nghệ thế giới cũng liên tục tung ra những chiến dịch tuyên truyền, khuyến khích người dân khắp thế giới khám phá và thử sức trong lĩnh vực KHMT.
Tất cả chỉ nhằm thu hút và đào tạo thêm nhiều nhân lực, đáp ứng cho nhu cầu bùng nổ ở lĩnh vực này trong tương lai.
Theo ấn bản uy tín US News & World Report, phát triển phần mềm đứng thứ ba trong top 100 nghề tốt nhất năm 2015 tại Mỹ - bảng xếp hạng dựa trên các tiêu chí về lương, độ căng thẳng, cơ hội thăng tiến và triển vọng việc làm. Được biết, hiện mức lương trung bình của ngành này tại Mỹ là khoảng 92.000USD và sẽ tăng khoảng 22,8% vào năm 2022. “Ngành này đang có nhu cầu cao. Triển vọng công việc tuyệt vời, tỷ lệ thất nghiệp thấp và mức lương trung bình ấn tượng đã giúp nó chiếm vị trí thứ ba” - báo cáo của US News & World Report cho hay. |