“Đọc chuyên đề công nghệ sinh học trên Khoa học và Phát triển số 9, tôi muốn được GS-TS Lê Huy Hàm cho biết vài ví dụ cho thấy rõ khả năng tạo bước ngoặt về kinh tế của lĩnh vực này” - độc giả Nguyễn Tam, Hà Nội.

GS-TS Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp - trả lời: Trong các công nghệ sinh học mà Việt Nam đã làm chủ, có thể kể đến công nghệ vi nhân giống cây trồng sạch bệnh, tuy không phức tạp nhưng là công nghệ nền và rất hiệu quả nếu được áp dụng bài bản và có hệ thống. Ngoài ra còn có công nghệ đơn bội cho chọn tạo giống cây trồng, lập bản đồ gene, công nghệ chỉ thị phân tử cho chọn tạo giống cây trồng, công nghệ vi sinh sản xuất các chế phẩm sinh học bảo vệ và chăm sóc cây trồng...

Vườn ươm của Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM - nơi nhiều giống cây, hoa được lai tạo bằng công nghệ sinh học. Ảnh: T. Nguyên

Chỉ cần ứng dụng bài bản, đồng bộ các công nghệ không quá cao siêu, chúng ta đã có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong một lĩnh vực sản xuất. Đây chính là lý do chương trình nghị sự của nhiều nước luôn thường trực thuật ngữ “Bioeconomy” - kinh tế dựa trên sinh học. Ví dụ, nếu áp dụng bài bản công nghệ nhân giống mía sạch bệnh kèm theo công nghệ tưới bón, chúng ta hoàn toàn có thể đưa vào sản xuất các giống mía có hàm lượng đường cao hơn, đưa năng suất lên gấp đôi hiện nay, thay đổi hẳn khả năng cạnh tranh của lĩnh vực này trong khu vực.

Vừa qua, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu chuối sang nước ngoài. Điều này làm dấy lên hy vọng chuối có thể là cây trồng mang lại hàng tỷ đôla xuất khẩu mỗi năm. Mơ ước này có thể trở thành hiện thực nếu chúng ta áp dụng bài bản công nghệ nhân giống chuối sạch bệnh kèm theo các công nghệ chăm sóc bảo quản sau thu hoạch.

Hay trong lĩnh vực nuôi tôm, hiện nay 80% số tôm giống vẫn phải nhập từ nước ngoài, nguy cơ dịch bệnh là mối lo thường trực của nông dân. Con đường duy nhất giúp chúng ta đạt mục tiêu đến năm 2025 đạt 10 tỷ đôla kim ngạch xuất khẩu từ con tôm là áp dụng triệt để, đồng bộ các kỹ thuật công nghệ sinh học trong chọn tạo và nhân giống tôm, kể cả nhập khẩu công nghệ, phát triển và áp dụng các chế phẩm sinh học trong việc nuôi trồng và quản lý môi trường nuôi tôm...

Ngoài ra, vấn đề rau, quả, thịt, nông sản nói chung nhiễm dư lượng hóa chất - một trong những trở ngại lớn đối với lĩnh vực xuất khẩu nông sản - có thể được giải quyết bằng các biện pháp sinh học, như chọn giống có khả năng chống chịu sâu bệnh cao, sử dụng các chế phẩm sinh học. Để công nghệ sinh học được ứng dụng rộng rãi, hiệu quả, cần sự tổ chức và vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như của các doanh nghiệp.