Có một thực tế ở Mỹ là số sinh viên da màu theo các ngành khoa học ít hơn rất nhiều so với sinh viên da trắng. Để lý giải vấn đề này, Đại học bang Pennsylvania và Đại học California đã tiến hành một nghiên cứu đặc biệt.
Cho rằng sự khác biệt về số sinh viên da màu và da trắng theo học các ngành khoa học xuất phát từ nền tảng gia đình, các nhà khoa học đã nghiên cứu dữ liệu của 7.750 sinh viên từ khi học mẫu giáo đến năm lớp 8.
Kết quả cho thấy, khoảng cách giữa hai nhóm xuất hiện từ thời… mẫu giáo. Trẻ ở các gia đình thu nhập cao (phần lớn là da trắng) có kiến thức chung về khoa học nhiều hơn trẻ ở gia đình thu nhập thấp. Vào mẫu giáo, 58% số trẻ da màu không có kiến thức về khoa học, so với 15% ở trẻ da trắng.
“Nếu bạn vào mẫu giáo với rất ít kiến thức về thế giới tự nhiên và xã hội, bạn có thể sẽ gặp khó khăn trong các môn khoa học từ lớp ba và nhiều khả năng vẫn phải chật vật xoay xở cho đến lớp 8” - GS Paul Morgan - thành viên nhóm nghiên cứu nói.
Vậy giải pháp là gì? Theo ông Morgan, các bậc cha mẹ (bất kể có thu nhập cao hay thấp) cần dành thời gian trò chuyện với con về thế giới tự nhiên xung quanh mình.
Hiệp hội các Giáo viên khoa học quốc gia (Mỹ) thì khuyên nên khuyến khích sự tò mò của trẻ bằng những câu hỏi về thế giới, thảo luận về chủ đề khoa học, trao đổi về những câu chuyện khoa học gần đây trên báo chí như sứ mệnh tàu con thoi, những đột phá về y tế, củng cố các bài học về khoa học bằng sách, tạp chí và phần mềm, quan tâm hơn đến chương trình học của con.
Lê Mai (Theo Newsone)