Ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnamplus - nói về thách thức của báo chí thời cách mạng công nghiệp 4.0. Trong hoàn cảnh đó, các tòa soạn phải thấu hiểu hành vi của độc giả để thường xuyên có công cụ mới đáp ứng nhu cầu của họ.
Độc giả đã thay đổi và thiếu trung thành
Giới thiệu dạng bài viết với cách đưa thông tin mới đang được nghiên cứu triển khai cho Báo điện tử Tri thức Trẻ, ông Lê Anh Tùng - Giám đốc thiết kế của kênh tin tức giải trí, xã hội Kênh 14 - nói: “Đó là dạng bài viết mà độc giả có thể tương tác. Tôi mới đọc một bài tương tự trên New York Times giải thích vì sao thành tích các vận động viên điền kinh thường chỉ chênh nhau vài phần trăm giây. Hình ảnh trình diễn cho phép người đọc dùng chuột kéo tới từng nhóm cơ và phần diễn giải hiện lên tương ứng. Trong một bài khác, người đọc có thể nhìn thấy quả tim 3D, dùng chuột xoay theo mọi hướng, đi sâu vào bên trong để phân tích hoạt động của quả tim. Chúng tôi sẽ xây dựng những bài như vậy, nhưng yêu cầu về thiết kế, đưa hình 3D lên web đòi hỏi nền tảng công nghệ khủng. Có lẽ phải làm dần dần từ cái dễ nhất”.
Ông Tùng cho rằng, sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội khiến nhiều thứ đã thay đổi, trong đó có hành vi đọc. “Dần dần, độc giả không còn thích những tin tức đơn thuần nữa. Họ thích những bài có chiều sâu, có quan điểm với lối viết gần gũi, hình ảnh đẹp, trình bày long lanh. Các bài viết chuyên sâu nếu để dạng bình thường thì người đọc chưa chắc quan tâm. Vì thế, chúng tôi đưa thiết kế vào bài báo với mục đích làm độc giả “sướng” - Lê Anh Tùng nói và cho biết, dạng bài long-form với tên gọi magazine mà ông đang triển khai là một cách thay đổi theo nhu cầu độc giả.
Với nền tảng công nghệ của Facebook, các nhà báo hiện nay có thể "truyền hình trực tiếp" sự kiện chỉ với một chiếc điện thoại. Ảnh: Trịnh Điệp
Thực tế, sự thay đổi nhu cầu này diễn ra không chỉ ở Việt Nam. Theo ông Lê Quốc Minh, báo chí thế giới cũng đang trăn trở tìm những cách làm mới nhằm thu hút độc giả, nhưng không có cách làm nào là duy nhất đúng khi các công nghệ truyền thông mới liên tục ra đời và hành vi tiêu dùng thông tin của độc giả thay đổi rất nhanh.
Sự thay đổi này, theo ông Nguyễn Hùng Lâm - Giám đốc điều hành Tạp chí điện tử Saostar - là yếu tố cốt lõi khiến các báo phải đổi mới thường xuyên: “Cách đây 10 năm, chỉ cần có nội dung hay là có độc giả. Giờ có nội dung rồi, nhà báo còn cần công nghệ để phân phối bài viết. Sự thay đổi khủng khiếp nhất của độc giả là họ không còn trung thành với tờ báo họ đọc nữa, nhất là các tờ báo mới. Để giữ chân họ, trang báo cần có nội dung đủ hay, công nghệ đủ tốt và cách phân phối tin đúng cách để tiếp cận họ, thay vì để họ đến các trang khác”.
Hiểu độc giả bằng công nghệ
Theo ông Lê Quốc Minh, trong báo chí, nếu biết rõ độc giả là ai thì khả năng thành công đã được 50%. Theo tư duy kinh doanh báo chí hiện đại, chỉ những tờ báo rất lớn mới có thể đáp ứng mọi nhu cầu của độc giả. Vì thế, mỗi tờ báo nên tập trung vào phân khúc riêng của mình hơn là mở rộng phục vụ mọi đối tượng.
“Thời gian đầu, Vietnamplus lấy trọng tâm là thông tin quốc tế dựa vào thế mạnh của hệ thống cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam. Ba năm gần đây, chúng tôi tập trung vào các loạt bài phóng sự và phóng sự điều tra. Về cách thể hiện, chúng tôi kết hợp đa phương tiện, hình ảnh không chỉ mang tính báo chí mà còn mang tính nghệ thuật cao, kết hợp các công nghệ truyền thông mới khi có thể” - ông Minh nói.
Tác nghiệp nhanh tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khoá XIV. Ảnh: Ngọc Thắng
Ở góc độ thông tin giải trí, ông Lê Anh Tùng xác định độc giả có nhu cầu đọc những thứ đơn giản, thú vị: “Chúng tôi có công cụ tích hợp với CMS (công cụ biên tập tin bài trên website) để biên tập viên theo dõi, biết cái gì đang được quan tâm trên mạng xã hội hay đang được tìm kiếm trên Google”.
Theo ông, công nghệ cho định dạng tin bài như magazine không quá phức tạp mà cái khó nhất là biết độc giả thích gì để “phục vụ”. Vì thế, trên thế giới, sau mỗi trang báo là một hệ thống và thuật toán phân tích dữ liệu người dùng khổng lồ. Mỗi hành vi đọc hay bình luận đều là dữ liệu để phân tích và gợi ý những thông tin phù hợp với người đọc.
Ông Nguyễn Hùng Lâm cho rằng, muốn giữ chân độc giả, phải hiểu họ đến mức: “Như khi bạn vào nhà hàng quen, không cần nói, bạn được phục vụ đúng loại đồ uống, món ăn mình thích. Cảm giác đó sung sướng, vui vẻ như luôn có một người ở bên ân cần chăm sóc mà không cần mình nói ra”.
Tham vọng hơn, Lê Anh Tùng cho biết, ông đang hướng tới xây dựng định dạng personal (tính cá nhân) cho trang báo. Nghĩa là, mỗi người đọc khi vào trang sẽ có một giao diện riêng thích hợp với sở thích của họ. Ai thích đọc nội dung gì, mặt trang sẽ đưa ra tin tức đúng sở thích. “Đó là tương lai, khi trí tuệ nhân tạo được ứng dụng; nhưng sắp tới, chúng tôi sẽ theo dõi dữ liệu để sắp xếp nội dung theo miền, chẳng hạn tin hot của miền Nam thì đẩy cho độc giả miền Nam. Đây là bài toán phức tạp nên cần phải kiểm tra theo vùng để đo phản ứng rồi mới triển khai rộng” - ông Tùng tiết lộ.
Nội dung vẫn là yếu tố giữ chân
Nhấn mạnh ý nghĩa của công nghệ nhưng ông Nguyễn Hùng Lâm khẳng định, giá trị của một bài viết vẫn nằm ở nội dung: “Dù công nghệ hay và hiện đại đến đâu mà nội dung không tốt thì người ta cũng chỉ choáng ngợp ở 1-2 bài đầu. Tới bài thứ ba, nếu bạn không thay đổi thì sẽ bị lãng quên ngay. Hãy nhớ rằng, độc giả vốn không trung thành, lại đòi hỏi cao. Một bài viết hay nếu không có công nghệ hỗ trợ có thể tiếp cận đến 6.000 -7.000 người, nếu có công nghệ hỗ trợ thì có thể đến với 10.000 người hoặc hơn. Độc giả sẽ thích thú nếu bạn có cả công nghệ và nội dung”.
Các nhà báo phỏng vấn đại biểu quốc hội Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Ngọc Thắng
Còn ông Lê Quốc Minh tin tưởng, khi báo chí không thể chạy đua với mạng xã hội về tốc độ thì yếu tố làm nên sự khác biệt chính là sự chính xác của thông tin và sự chuyên nghiệp trong quá trình thực hiện. Sự chuyên nghiệp luôn là lợi thế của các cơ quan báo chí, bởi cá nhân khó đầu tư cả về vật chất lẫn thời gian để thực hiện những nội dung chuyên sâu, phức tạp. “Cạnh tranh thì phải đạt tốc độ, nhưng chúng tôi không bao giờ thỏa hiệp về sự chính xác bởi cùng với sự công bằng và cân bằng, tính chính xác là đòi hỏi bất di bất dịch của báo chí” - ông Minh nói.