- Thưa ông, năm 2017 được xem là khoảng thời gian sôi động của cộng đồng khởi nghiệp. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Tiến sỹ Phạm Hồng Quất: Năm 2017 đánh dấu bước tiến mới trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Có nhiều tiến bộ trong hoạt động của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp cũng như trong phương thức và hiệu quả gọi vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Thước đo hiệu quả của hệ sinh thái thể hiện ở khả năng tạo ra các mô hình kinh tế mới dựa trên đổi mới sáng tạo, các loại hình doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh, dựa trên tài sản trí tuệ và mô hình kinh doanh mới.
Theo nhận xét của một số chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài tham gia sự kiện Techfest Việt Nam 2017 tại Hà Nội, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của nước ta đang trong tiến trình hội nhập với xu hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên phạm vi khu vực và quốc tế.
- Dù có những thành công, song có ý kiến cho rằng khởi nghiệp tại Việt Nam còn “phong trào…?”
Tiến sỹ Phạm Hồng Quất: Hoạt động khởi nghiệp thông thường gắn với các bạn trẻ. Đây là lứa tuổi sôi nổi và có tâm lý làm theo người khác và là điều không tránh khỏi ở bất kỳ quốc gia nào khi bắt đầu phát động tinh thần doanh nhân và khởi nghiệp.
Tuy nhiên, sau quá trình chọn lọc tự nhiên, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những dự án khởi nghiệp dựa trên mô hình kinh doanh truyền thống sẽ nhanh chóng bị loại khỏi cuộc đua và chỉ còn lại những mô hình kinh doanh mới thực sự có tính sáng tạo.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thương mại toàn cầu hóa hiện nay, kỹ năng mềm của nhóm khởi nghiệp phải rất tốt để có thể bán được hàng và thu hút nhà đầu tư. Đây chính là hai điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam đang rất nỗ lực để bù đắp khoảng thiếu của mình.
- Ông có lời khuyên nào cho các start-up?
Tiến sỹ Phạm Hồng Quất: Một doanh nghiệp khởi nghiệp hay nhóm khởi sự kinh doanh muốn trở thành start-up cần chú trọng đến ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, lợi thế của internet, điện thoại di động, phần mềm, trí tuệ nhân tạo. Đây là phương tiện kinh doanh quan trọng giúp các bạn trẻ khởi nghiệp có thể xây dựng mô hình kinh doanh mới, tăng trưởng quy mô thị trường nhanh chóng và từ đó có thể gọi được vốn đầu tư.
Bất kỳ nhà đầu tư nào cũng quan tâm đến mô hình kinh doanh có mới không, phục vụ đối tượng khách hàng nào, khả năng tăng trưởng như thế nào và làm cách nào để thu được tiền từ mô hình kinh doanh đó? Những câu hỏi đó rất phổ biến ở nước ngoài nhưng chưa nhiều bạn trẻ khởi nghiệp ở Việt Nam quan tâm đúng mức.
Thông thường, các bạn trẻ có khả năng tiếp cận và đưa những mô hình kinh doanh đang được phát triển ở nước khác về áp dụng ở nước mình. Tuy nhiên, mới chỉ có một số ít doanh nghiệp thực sự đầu tư nghiên cứu cải tiến, thử nghiệm, thay đổi để phù hợp với thị trường Việt Nam. Quan trọng hơn nữa là cần hướng đến tạo ra mô hình kinh doanh mới để có thể bán ra thị trường quốc tế.
Giới thiệu công nghệ mới cho khách tham quan tại Diễn đàn Cấp cao công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam 2017. (Nguồn: CTV/Vietnam+)
Tôi cho rằng để đi vào thực chất hơn, các start-up cần chú trọng tìm kiếm thông tin công nghệ, khai thác kho dữ liệu về tài sản trí tuệ, sáng chế, nghiên cứu tìm hiểu kỹ các mô hình kinh doanh mới, học tập kinh nghiệm để từ đó đưa ra chiến lược kinh doanh, thiết kế sản phẩm, dịch vụ mới và nhanh chóng đưa ra thị trường để thử nghiệm theo mô hình khởi nghiệp tinh gọn.
Tức là, cần phải bám sát vào nhu cầu, điều kiện cụ thể của thị trường, khách hàng để xây dựng, thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh. Không nên xây dựng dự án khởi nghiệp chỉ mang tính chất lý thuyết, mơ hồ, không dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng, số liệu thị trường cụ thể. Đối với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cần chú ý xây dựng mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ và thực tế thử nghiệm thị trường càng nhiều càng tốt.
- Một trong những yếu tố khiến hoạt động khởi nghiệp sôi nổi thời gian qua là có sự hỗ trợ từ Nhà nước. Năm 2018, hướng hỗ trợ này sẽ thế nào, thưa ông?
Tiến sỹ Phạm Hồng Quất: Năm 2017 cũng là năm đánh dấu những chính sách rất quan trọng của Quốc Hội, Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương như Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua; Thủ tướng cũng ban hành Quyết định 1665/QĐ-TTg hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, trường dạy nghề…
Theo thông tin chúng tôi nhận được, khoảng 30 địa phương đã ban hành các đề án hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp địa phương theo tinh thần của Đề án 844 (Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 ) của Thủ tướng Chính phủ. Cùng lúc, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Sinh viên, Hội liên hiệp thanh niên, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội doanh nghiệp trẻ, các trường đại học… đã có những đề án hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ được triển khai trong năm 2018.
Năm 2018, Techfest - Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 11 tại Đà Nẵng. Sự kiện này được coi như ngày “chung kết” của các sự kiện Techfest tại các khu vực, địa phương, trường đại học. Các nhóm khởi nghiệp trẻ sẽ có cơ hội tiếp cận với khách hàng, đối tác, nhà đầu tư có uy tín trong nước và quốc tế. Với chủ đề khởi nghiệp công nghệ chuyên sâu trong những lĩnh vực tiềm năng, Techfest sẽ là cơ hội cho các nhóm khởi nghiệp trong nước thể hiện tài năng để gọi được nhiều vốn đầu tư.
Với tất cả những nỗ lực của Bộ, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, hy vọng rằng 2018 sẽ là năm có những bước phát triển mới, toàn diện hơn và ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
- Xin cảm ơn ông!