Du lịch đại quy mô sẽ không thể diễn ra nếu không có sự phát triển thần kỳ của công nghệ vận tải. Với sự xuất hiện công nghệ Internet, ngành “công nghiệp không khói” đã nhận được lực đẩy lớn chưa từng có.
Diện mạo của ngành du lịch thế giới đã hoàn toàn thay đổi với bước nhảy vọt về quy mô, lợi nhuận cũng như cách thức vận hành nhờ đòn bẩy của các cuộc cách mạng công nghệ.
Công nghệ vận tải “chắp cánh” cho du lịch
Từ xa xưa, con người đã có những hoạt động du lịch đa dạng - từ du lịch làm ăn tới du lịch văn hóa, từ du lịch tâm linh tới du lịch sinh thái. Các cuộc hành hương thời cổ đại hay các chuyến thám hiểm ngày trước được thực hiện bằng việc đi bộ, các phương tiện thô sơ hay dựa vào súc vật như ngựa, lạc đà… Sự ra đời của tàu thủy, ôtô giống như những công cụ nối dài sải chân cho du khách, nhưng máy bay mới thực sự tạo ra cuộc cách mạng cho việc đi du lịch, khám phá thế giới của con người.
Internet đã thay đổi toàn bộ ngành du lịch. Ảnh: Pchousing Theo ước tính của Tổ chức Du lịch thế giới, hiện hơn 52% số khách du lịch quốc tế đi lại bằng máy bay. Vận tải hàng không còn đem lại 35 triệu việc làm cho ngành du lịch, đóng góp 807 tỷ USD mỗi năm cho kinh tế toàn cầu.
Các công nghệ máy bay như khả năng định vị, vẽ bản đồ, nhận biết thời tiết… cùng hệ thống bảo vệ hành khách, khả năng di chuyển nhanh đã đem lại sự an toàn lớn hơn cho người đi du lịch.
Theo Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), máy bay là phương tiện đi lại an toàn nhất, tỷ lệ gặp phải nguy cơ thương vong chỉ khoảng 1/45 triệu chuyến. Có thể nói sự phát triển của công nghệ đem lại cho con người những phương tiện đi lại có hiệu suất gấp hàng triệu lần sức lực của cơ bắp. Sự tiến bộ đó thúc đẩy ngành du lịch nở rộ.
“Sự phát triển của công nghệ vận tải tăng tốc độ, khả năng đi lại và giảm giá thành. Nó là trụ cột của ngành du lịch ngày nay. Nếu không có sự phát triển của công nghệ này, du lịch đại quy mô không thể diễn ra. Trong đó, vận tải hàng không là chìa khóa quan trọng đối với du lịch đường dài” - C.Michael Hall thuộc Đại học Otago và Dallen Timothy thuộc Đại học Arizona (Mỹ) nhận xét.
Bội thu nhờ Internet
Cùng với công nghệ vận tải, công nghệ thông tin, đặc biệt là Internet cũng giúp ngành du lịch lột xác nhanh chóng - từ cách thức tìm kiếm thông tin, vận hành hệ thống, thu hút khách hàng đến quảng bá hình ảnh.
Cuộc khảo sát trên 18.000 khách du lịch tại nhiều quốc gia do tổ chức Global Market Insite thực hiện từ năm 2005 cho thấy, số du khách tìm kiếm thông tin du lịch qua các website chiếm 31-69%.
Con số thống kê những năm gần đây càng khẳng định Internet có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho khách du lịch. Theo một khảo sát trên 5.000 người tại Mỹ, 56% số người thường xuyên tìm kiếm các nguồn thông tin trực tuyến để đặt các chuyến đi du lịch và mua sắm (trong đó, 21% dùng mạng xã hội để tìm kiếm thông tin du lịch tham quan và 25% số người dùng mạng xã hội để tìm kiếm thông tin du lịch thương mại). Trong những người thường xuyên tìm thông tin trực tuyến cho du lịch và mua sắm, 96% số người sử dụng Internet để lên kế hoạch đặt phòng.
Qua Internet dễ dàng tìm thấy những bình luận, đánh giá về các địa điểm tham quan, giải trí, khách sạn, nhà hàng cùng nhiều thông tin khác về khu du lịch. Nhiều người đưa ra quyết định đi du lịch dựa trên những đánh giá trực tuyến này. Theo nghiên cứu công bố trên trang Socialsamosa năm 2014, 53% số du khách khẳng định không đặt phòng khách sạn tại các khu du lịch nếu không đọc được các bình luận trước đó.
Không những thế, nhờ Internet, ngành du lịch còn giảm được bộ máy nhân sự. Đăng ký du lịch trực tuyến đang không ngừng gia tăng. Xu hướng này khiến văn phòng với đội ngũ nhân viên đông đảo là không cần thiết.
Đó là chưa kể việc quảng bá sản phẩm, thương hiệu và địa điểm du lịch trên Internet có giá thành thấp hơn so với các chương trình trên truyền hình. Việc chuyển sang các dịch vụ trực tuyến trên môi trường Internet sẽ tạo ra một hiện tượng trong ngành “công nghiệp không khói” - đó là công nghiệp du lịch điện tử, đem về khoản doanh thu ước tính đạt 400-500 tỷ USD mỗi năm.
Đương nhiên, Internet không chỉ là đòn bẩy cho ngành “công nghiệp không khói” mà còn là một sự thử thách. Các hãng du lịch toàn cầu sẽ phải đối diện với những thông tin du lịch giả mạo, lừa đảo. Đó là chưa kể đến hiện tượng làm lộ thông tin cá nhân của khách hàng, gây phiền nhiễu cho không ít người.