Thời điểm thị trường xuống thấp điểm quá nhanh!
Một khách hàng xem máy cũ đã qua sử dụng ở cửa hàng quận 1, TPHCM
Dạo quanh một số cửa hàng kinh doanh iPhone, Android ngày cuối tuần, lượng khách đến các cửa hàng giảm đi rõ rệt, đa phần người đến chủ yếu mua thêm phụ kiện như ốp lưng, sạc cáp hay thẻ cào. Trong khi, lượng quan tâm đến thiết bị không nhiều.
Bà Nguyễn Trinh, quản lý cửa hàng Minh Tuấn Mobile trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết: "Năm nay thị trường di động có sự biến chuyển lớn, thời điểm thấp điểm đến rất nhanh, sức mua giảm sâu kỉ lục. Nếu như những năm trước, tháng 3, 4 vẫn còn bán tốt và đến tháng 5 mới vào mùa thấp điểm thì năm nay điều này đến sớm hơn đáng kể. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 3 đến nay, sức mua giảm sâu, thậm chí có ngày không bán được một sản phẩm".
Một cửa hàng khác trên đường Trần Quang Khải (quận 1, TPHCM) cũng chung cảnh ngộ khi sức mua giảm đáng kể. Vị chủ cửa hàng này cho biết: "Thật không hiểu nỗi tại sao năm nay sức mua lại giảm rõ rệt chưa từng thấy, trong khi giá bán thì đang giảm sâu nhưng chẳng có người mua. Do đó, tôi cũng cân nhắc trong việc giảm bớt nhân sự bán hàng để cân bằng chi phí trong thời điểm này".
Giá "siêu phẩm" giảm mạnh nhưng vẫn không hút khách hàng
Thị trường giảm, hàng tồn nhiều
Tương tự, ông Nguyễn Huy Cảnh, điều hành chuỗi Huca Mobile cũng thừa nhận, những năm trước sức mua trong tháng này vẫn còn cao cho đến hết tháng 4 nhưng năm nay, thị trường rơi vào mùa thấp điểm quá sớm. Trong khi đó, giá bán của các siêu phẩm đã giảm đi rõ rệt, nhiều siêu phẩm năm 2016 hiện chỉ còn chưa đến 7 triệu đồng vẫn không hút khách.
Theo anh Cảnh, chẳng hạn một mẫu HTC 10 máy xách tay đã qua sử dụng mới 99% hiện chào bán ở mức 6,7 triệu đồng, LG V20 (ngoại hình 99%) chỉ ở mức 7,7 triệu đồng hay Galaxy S7 và S7 edge (99%) giá từ 6,5 triệu đồng... những mức giá giảm sâu đáng kể nhưng vẫn kén khách.
Lý giải cho thị trường giảm mạnh như vậy, ông Cảnh cho rằng, một phần đến từ phản ứng của thị trường khi năm nay mùa thấp điểm đến quá sớm. Một khía cạnh khác nữa đó là thị trường di động Việt đang chứng kiến cảnh nhiều cửa hàng mọc lên quá nhanh và nhiều. Do sức mua kém, lượng hàng ôm quá nhiều, nhiều cửa hàng nôn nóng thu hồi vốn nên thay nhau "đạp giá, tạo ra giá ảo khiến cho khách hàng hoang mang. Chưa kể, trong nhiều cửa hàng đạp giá, có nhiều cửa hàng làm ăn không đàng hoàng, nhập về số hàng kém chất lượng (thay vỏ, thay màn hình, ép kính...) để bán với mức giá rẻ hơn thị trường, càng làm cho người dùng e dè mua sắm hơn. Chính những lý do đó đã kéo thị trường đi xuống nhanh chưa từng thấy trong 3 năm trở lại đây.
Hiện theo một số chuỗi bán lẻ, thị trường di động sẽ tiếp tục "ảm đạm" ít nhất 2 tháng nữa trước khi được hồi phục. Nhiều chuỗi bán lẻ cũng đang tìm phương án mới để thu hút khách hàng. Đồng thời, cắt giảm bớt chi phí từ khâu bán hàng, chi phí tiếp thị đảm bảo đỡ lỗ trong thời điểm này.