|
FPT Telecom tiếp tục xin thử nghiệm 4G.
|
Trước đó, năm 2010 VNPT, Viettel, MobiFone, FPT Telecom, CMC, VTC đã xin thử nghiệm công nghệ.
Cụ thể ngày 10/10/2010, VNPT đã tuyên bố hoàn thành trạm BTS theo công nghệ LTE đầu tiên đặt tại tòa nhà Internet, lô 2A, làng Quốc tế Thăng Long, Cầu Giấy, Hà Nội với tốc độ truy cập Internet có thể lên đến 60 Mbps. Giai đoạn 1 dự án thử nghiệm cung cấp dịch vụ vô tuyến băng rộng công nghệ LTE của VNPT sẽ được VDC triển khai với 15 trạm BTS tại Hà Nội, bán kính phủ sóng mỗi trạm khoảng 1km. Cùng với VNPT, Viettel đã bắt đầu thử nghiệm mạng 4G từ tháng 12/2010 với 40 trạm phát tại 2 quận Đống Đa và Ba Đình.
Tại thời điểm năm 2010, VTC cho biết, công ty này sẽ thử nghiệm LTE ở khu vực Hà Nội nhưng với quy mô “vừa đủ mức độ đánh giá”. Đồng thời, CMC nhận định việc ứng dụng 4G vào dịch vụ viễn thông sẽ góp phần cho người dùng Việt Nam thụ hưởng những dịch vụ viễn thông tiên tiến của thế giới, mang lại cơ hội kinh doanh cho các nhà khai thác mới.
Với việc FPT xin cấp phép thử nghiệm 4G, tính đến thời điểm này chỉ còn CMC, VTC không xin thử nghiệm 4G.
Một chuyên gia viễn thông từng nhận định rằng khả năng để FPT, CMC, VTC nhảy vào sân chơi 4G gần như là "nhiệm vụ bất khả thi". Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương cho rằng, 4G là đi lên từ nền tảng 2G và 3G. Như vậy, khó có khả năng FPT, CMC, VTC nhảy vào sân chơi 4G để cạnh tranh được với Viettel, VNPT và MobiFone.
Theo Luật Viễn thông, các doanh nghiệp sẽ phải đấu giá tần số để lấy giấy phép 4G. Sau khi đấu giá tần số, các doanh nghiệp có thể chuyển nhượng tần số nếu muốn. Việc đấu giá tần số là nhằm tránh tình trạng xin giấy phép để “giữ chỗ”. Việc cấp phép 4G được Bộ TT&TT thực hiện trong năm 2016.
Trước đó, ngày 12/12/2015, Viettel đã tổ chức lễ ra mắt thử nghiệm dịch vụ 4G diễn ra tại thành phố Vũng Tàu. Viettel cho biết nhà mạng này đã lắp đặt gần 200 trạm phát sóng 4G phủ toàn bộ khu vực dân cư của TP Vũng Tàu, TP Bà Rịa và huyện Long Điền. Về chất lượng dịch vụ, tốc độ tải dữ liệu thực tế tại Vũng Tàu hiện đạt mức trung bình từ 40-80Mb/s, có những vị trí đạt tới 230Mb/s gần bằng với tốc độ lý thuyết của công nghệ 4G LTE-A cao cấp hiện nay (tốc độ download 300 Mb/s, upload 150 Mb/s, cao hơn 10 lần so với 3G (tốc độ 3G đạt khoảng 21 Mb/s)). Với tốc độ đó, khách hàng có thể được trải nghiệm dịch vụ Internet tốc độ cao, giảm thiểu độ trễ về mặt thời gian trong việc sử dụng Internet không dây trên thiết bị di động.
Người dùng sẽ được Viettel miễn phí đổi SIM để trải nghiệm các dịch vụ tiện ích trên nền 4G như xem phim HD, nghe nhạc trên nền 4G, xem tin tức với tốc độ cao, trải nghiệm xem phim và các kênh trên nhiều màn hình (điện thoại, máy tính bảng). Chi nhánh Viettel Vũng Tàu đã chuẩn bị khoảng 10.000 SIM trắng để phục vụ chuyển đổi cho khách hàng chuyển sang dịch vụ 4G.
VNPT cũng tiết lộ đang chuẩn bị để thử nghiệm 4G tại Phú Quốc. Tuy nhiên, VNPT chưa đưa ra thời điểm chính xác để thử nghiệm 4G.
Trong Toạ đàm “Việt Nam tiến lên 4G như thế nào” do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam tổ chức vào ngày 21/10, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT (nay là Bộ TT&TT) Mai Liêm Trực nhấn mạnh: “Cơ quan quản lý Nhà nước trung lập về công nghệ, không nên can thiệp về công nghệ. Theo Hiệp định TPP Việt Nam vừa ký thì cơ quan quản lý Nhà nước không nên can thiệp về công nghệ. Nhưng đây đó chúng ta chưa trung lập về công nghệ. Không phải giải thích để 3G hoàn vốn rồi mới cấp phép 4G vì đó là không trung lập về công nghệ. Đó là việc của doanh nghiệp viễn thông. Tất nhiên ở ta phần lớn là doanh nghiệp Nhà nước nên có lo lắng đấy”.
“Đến giờ mới cấp phép 4G là chậm. Đáng lý các nước cấp phép 2-3 năm sau đó doanh nghiệp chuẩn bị trước mọi yếu tố để triển khai 4G. Các doanh nghiệp viễn thông giờ không biết có cấp phép hay không, nhất là công ty tư nhân nên không dám đầu tư. Nếu có băng tần thì sớm cấp phép 4G để doanh nghiệp viễn thông chuẩn bị chứ không nên đợi đến 2016. Việc này ta đã chuẩn bị nhiều năm rồi. Không khéo chờ rồi 5G đến, chúng ta lại ngồi chờ tiếp”, ông Mai Liêm Trực nói.