Một app duy nhất cho tất cả
10.000 lượt tải ứng dụng và hơn 600.000 lượt người đặt xe thành công là kết quả Công ty TNHH Đồng Thúy (Lado Taxi) tại Lâm Đồng có được sau hơn nửa năm sử dụng phần mềm gọi xe EMDDI. Đang có hơn 800 xe, bao gồm 287 xe hợp đồng và 550 xe taxi, nhưng hiện Lado không đủ xe để cung cấp khi sử dụng phần mềm EMDDI, theo lời ông Nguyễn Ngọc Đồng - Giám đốc công ty.
Lado Taxi chỉ là một trong số các hãng taxi đang sử dụng EMDDI, phần mềm đã được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép tham gia thí điểm triển khai ở nhiều nơi và cho kết quả khả quan. Đây có thể coi là công cụ đầy tiềm năng để các hãng kinh doanh vận tải taxi truyền thống nâng cao sức cạnh tranh trước ông lớn Grab. Lâu nay, một số hãng taxi đã tự tạo ra phần mềm gọi xe (app) của riêng mình, nhưng hiệu quả thu được không đáng kể, hầu như không giúp các công ty cải thiện thị phần của họ.
Lý giải điều này, ông Đào Kiến Quốc, nguyên Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin,giảng viên trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, đại diện nhóm tác giả của EMDDI, cho rằng người dân ít biết đến app riêng của các hãng taxi, và giả dụ có biết, có ưu tiên cho dịch vụ của người Việt thì cũng không mấy người cài đặt cả chục app trên điện thoại, và càng cài nhiều app thì lại càng khó lựa chọn.
EMDDI được sử dụng rộng rãi tại Khánh Hòa. Ảnh: NV
“EMDDI xây dựng một hệ thống duy nhất có tính chất nền tảng, dùng một app duy nhất cho mọi người dân. Phần mềm EMDDI có thể nhận diện chính xác các khu vực địa lý và khi người dân ở địa phương nào, EMDDI sẽ kết nối với các đơn vị vận tải ở đấy, người dân không cần quan tâm đến ai phục vụ mình. Khi chỉ dùng một app duy nhất như thế mà đi ở đâu cũng dùng được, nhà cung cấp dịch vụ vận tải nào cũng dùng được thì người ta sẽ dùng” - Ông Đào Kiến Quốc nói.
Đó là ý tưởng quan trọng nhất: Một app duy nhất cho tất cả.
Công nghệ lõi, có thể hoạt động khi mất 3G
Ông Nguyễn Ngọc Đồng tỏ ra khá hài lòng vì những ưu điểm của EMDDI này bởi trong thời gian triển khai, hệ thống tỏ ra có khả năng chịu tải rất cao, hoạt động ổn định, chưa bao giờ hệ thống có lỗi, chưa bao giờ phải tạm ngừng mặc dù số lượng đầu xe là khá lớn. Nhóm tác giả cho biết EMDDI sử dụng công nghệ lõi tương tự như Uber, có sức chịu tải rất cao, khả năng kháng lỗi tốt, có thể hoạt động ngay cả khi mất kết nối 3G tạm thời, hoặc ứng dụng bị ngắt đột ngột.
“Việc xây dựng một phần mềm có giao diện tương tự như Uber/Grab thì dễ nhưng để phần mềm có thể phục vụ hàng trăm nghìn giao dịch đồng thời thì hoàn toàn không đơn giản. Người ta có thể dễ dàng tìm mua trên mạng những phần mềm được gọi là Uber Clones giá chỉ vài nghìn đôla nhưng không thể sử dụng trên quy mô lớn” - Ông Quốc nói.
Ngoài ra, ưu điểm vượt trội khác của EMDDI là các đơn vị sử dụng phần mềm này không bị sự phụ thuộc như với Grab hay Uber, mà hoàn toàn là chủ thể của hệ thống điều vận, theo đánh giá của ông Trần Quang Hà - Phó vụ trưởng vụ KH&CN, Bộ Giao thông Vận tải. Tuy cùng dùng chung một phần mềm nhưng các đơn vị sử dụng có thể tự cấu hình hệ thống của mình một cách độc lập với các đơn vị khác như tự thiết lập các loại dịch vụ (xe máy, xe 4 chỗ, xe 7 chỗ, xe đường dài, taxi, giao hàng), chế độ tính cước, phương thức chọn đường đi, chính sách khuyến mại…, qua đó cũng tạo điều kiện cho các hãng cạnh tranh một cách sòng phẳng và công khai, minh bạch.
Tuy nhiên, để phần mềm hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới, ông Hà cho rằng phần mềm cần bổ sung các mức đánh giá khác nhau kèm theo chất lượng dịch vụ khác nhau giữa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải; và để khắc phục những hạn chế như của Grab thì phần mềm cũng phải giúp cho các doanh nghiệp vận tải thể hiện được tên của doanh nghiệp trên các hợp đồng với những nội dung cần thiết của hợp đồng dân sự.
EMDDI kết hợp với VnPay tích hợp các chức năng thanh toán điện tử trong hệ thống. Điều này cho phép khách hàng có thể thanh toán rất đơn giản mà không cần dùng tiền mặt.
Ngoài ví EMDDI Pay, khách hàng còn có thể dùng app mobile banking của các ngân hàng để thanh toán thông qua hình thức QR Pay - quét mã QR trên app của lái xe. |