Con người thải khoảng 14 triệu tấn nhựa vào đại dương mỗi năm, và 40% trong số đó là nhựa dùng một lần.
Hầu hết các sản phẩm nhựa không phân hủy hoàn toàn, chúng chỉ vỡ ra thành các mảnh nhỏ hơn gọi là hạt vi nhựa (microplastic) với đường kính dưới 5 mm.
Trong một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Matter, Xiaoguang Duan – nhà nghiên cứu tại Đại học Adelaide (Australia) – và các đồng nghiệp đã phát triển thành công những cuộn dây nano từ tính có khả năng tạo ra phản ứng hóa học để phá vỡ các hạt vi nhựa trong đại dương.
Cuộn dây nano siêu nhỏ có hình dạng giống như lò xo được làm từ carbon, bên ngoài phủ nitơ và kim loại từ tính mangan. Hai hợp chất hóa học này tương tác với cuộn dây nano để tạo ra phân tử oxy hoạt động hóa học mạnh, tấn công hạt vi nhựa. Quá trình trên biến đổi nhựa thành hỗn hợp muối vô hại, carbon dioxide (CO2) và nước.
Sau khi thêm các cuộn dây nano vào một số mẫu nước bị ô nhiễm hạt vi nhựa, nhóm nghiên cứu nhận thấy lượng vi nhựa giảm từ 30 – 50% trong 8 giờ. Họ cũng dễ dàng lấy lò xo ra khỏi nước bằng nam châm để sử dụng cho lần sau.
Quốc Hùng (Theo Sciencealert)