Các nhà khoa học thuộc Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) vừa phát triển thành công một chất phủ giúp vải rách tự lành.

Để làm ra loại vật liệu tự phục hồi này, các nhà khoa học đã áp dụng một quy trình sản xuất đơn giản một cách đáng ngạc nhiên. Họ ngâm quần áo rách trong một chất lỏng đặc biệt.

Vải rách tự liền nhờ sử dụng công nghệ lớp phủ. Ảnh: Yahoo!
Vải rách tự liền nhờ sử dụng công nghệ lớp phủ. Ảnh: Yahoo!

Giáo sư Melik C. Demirel - thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết, các nhà thiết kế thời trang thường sử dụng sợi tự nhiên làm từ lụa hoặc len để tạo ra sản phẩm quần áo. Đây là vật liệu rất đắt tiền và không thể tự vá. Điều đó đã thôi thúc họ phát triển công nghệ phủ để giải quyết bất cập này.

Về mặt cơ chế, vật liệu hoặc quần áo mục được nhúng trong một chuỗi chất lỏng để tạo ra các lớp vật liệu mới, tạo thành các lớp phủ là chất đa điện phân (polyelectrolyte).

Lớp phủ có thể được tạo thành bởi một hỗn hợp nấm men, vi khuẩn. Các polymer được tạo ra tương tự như protein trong móng tay hay tóc của con người. Lớp chất phủ này có tác dụng kết dính, giúp gắn liền các vết rách. Bạn chỉ cần nhỏ vài giọt chất phủ vào vết rách quần áo, cho thêm một vài giọt nước ấm rồi giữ nguyên một lúc là chỗ rách tự lành lại, đảm bảo độ bền như cũ.

Theo các nhà khoa học, trước mắt loại chất phủ giúp quần áo tự liền này có thể được áp dụng với quần áo bảo hộ lao động, nhất là cho các nông dân thường xuyên tiếp xúc với thuốc diệt cỏ, diệt côn trùng… vốn chứa nhiều chất độc thần kinh.

Các nhà nghiên cứu cho biết, công nghệ này cũng có thể được sử dụng trong y tế, giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, tăng tốc độ phục hồi. Họ cũng tin rằng nó có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghệ may mặc trong tương lai.