Các bộ phận chăm sóc khách hàng luôn phải đau đầu với việc bố trí nhân viên tư vấn vào ban đêm. Vấn đề này hoàn toàn có thể được giải quyết với Hana - tư vấn viên ảo do nhóm startup Mideas tạo ra.

Với chi phí từ 500.000 đồng/tháng, công ty của bạn đã có thể “thuê” nhân viên tư vấn ảo này.

Nhân viên ảo hoạt động 24/7

Khởi điểm, ý tưởng về Hana có mục tiêu giải quyết vấn đề “trưa nay ăn gì” của dân văn phòng. “Ban đầu chúng tôi xây dựng Hana tích hợp Facebook Messenger để phục vụ nhu cầu bản thân. Mỗi buổi trưa, thay vì đau đầu chọn món, chọn quán, Hana sẽ tư vấn địa điểm, món ăn. Mỗi lần ăn ở đâu, nếu mình nhận xét cho Hana, “cô ấy” sẽ nhớ để gợi ý cho những lần tiếp theo” - ông Nguyễn Minh Kiên - Giám đốc điều hành của Mideas - cho biết.

Hana ra đời, nhóm Mideas nhận ra “cô nhân viên” này rất có tiềm năng trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng trực tuyến. Bởi lẽ, nhiều khách hàng phát sinh câu hỏi vào đêm khuya và không ít công ty phải thuê thêm ít nhất 2 nhân viên tư vấn trực tuyến ban đêm.

Từ thực tế đó, nhóm Mideas quyết định phát triển thêm nhiều tính năng mới và giải quyết vấn đề bảo mật. “Hana ra đời để trả lời những thắc mắc, yêu cầu đơn giản của khách vào bất kỳ lúc nào. Với những yêu cầu khó hơn, Hana sẽ tự động chuyển cho nhân viên bán hàng trả lời tiếp” - ông Kiên nói thêm.

Các kỹ sư và người điều hành của nhân viên tư vấn ảo Hana, Công ty Mideasvn.
Ảnh: Công Hải

Để kiểm tra kỹ năng của Hana, phóng viên đã truy cập trang web docsachonline.vn. Ở ô cửa sổ chat, Hana lập tức xuất hiện với câu hỏi: “Xin chào, tôi có thể giúp gì cho bạn?”. Với đề nghị: “Tôi muốn tìm sách về kinh doanh”, lập tức Hana đáp lại: “Bên mình có nhiều sách kinh doanh hay lắm, bạn quan tâm đến chủ đề nào? Sale, marketing, tư duy, tài chính kế toán, khởi nghiệp...”.

Khi biết người dùng cần sách về tư duy, Hana gợi ý một số đầu sách và không quên nhắn nhủ: “Để đọc miễn phí, bạn vui lòng đăng ký tài khoản nhé” và gửi kèm link đăng ký. Nếu không biết trước đây là cô Hana ảo, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ mình đang trao đổi với nhân viên tư vấn bình thường.

Điều đặc biệt ở Hana là nếu càng bỏ công đào tạo, “cô nhân viên” này càng biết nhiều và chất lượng trả lời càng cao. Về cơ chế hoạt động, khách hàng có nhu cầu sử dụng Hana phải cung cấp cho Mideas một cơ sở dữ liệu về lĩnh vực họ cần. Mideas sẽ tiến hành “dạy” Hana; càng nhiều dữ liệu được nhập vào thì “cô ấy” trả lời càng tốt hơn.

Giảm 40% lượng công việc của tư vấn viên

Ra mắt cuối năm 2016, nay Hana đã được 30 doanh nghiệp “tuyển dụng” riêng tại TPHCM. Một số trường đại học cũng đang sử dụng Hana để tư vấn tuyển sinh. Theo ông Kiên, Mideas đang tập trung vào mảng website và Facebook Messenger, chú trọng xử lý ngôn ngữ tự nhiên để Hana có khả năng hiểu tốt nhất, có câu trả lời chính xác nhất với từng lĩnh vực bán hàng.

Mô hình và cơ chế hoạt động của “nhân viên tư vấn” Hana.

Ông Huỳnh Quốc Thắng - Giám đốc Công ty sách Tinh Hoa, nơi đang dùng Hana cho dịch vụ tư vấn - nói: “Chúng tôi thường sử dụng 2 nhân viên tư vấn online, trực website, điện thoại và Facebook. Từ khi có Hana, nhân viên tư vấn giảm được 40% khối lượng công việc. Đặc biệt vào ban đêm, Hana có thể thay thế con người, giúp duy trì kết nối liên tục với khách hàng”.

Đặc biệt yêu thích Hana ở khả năng làm việc xuyên đêm, bà Lê Thị Thanh Thúy - Giám đốc Công ty du lịch 168, TPHCM - cho biết: “Trước khi có Hana, chúng tôi luôn bị mất khách đặt lịch ban đêm vì khó có nhân viên trực được tới 2-3 giờ sáng, trong khi khách thường đặt bất chợt, không định kỳ. Hana đã giải quyết được vấn đề này do có thể trả lời mọi thông tin về tour, tư vấn các địa điểm du lịch theo yêu cầu của khách”.

Hai khách hàng kể trên đều khẳng định rằng, nếu Hana được cải tiến và nâng cấp tốt hơn nữa, họ sẵn sàng chi tiền để tiếp tục sử dụng. Còn ông Nguyễn Minh Kiên hứa hẹn: “Chúng tôi sẽ nâng cao hơn nữa cấp độ hiểu tự nhiên của Hana. Khi đã giải quyết trọn vẹn việc xử lý ngôn ngữ text, chúng tôi mới hướng tới xây dựng các nền tảng cho thoại”.