Để ngăn chặn các vụ cá mập tấn công người - vốn khá phổ biến ở Nam Phi, các nhà khoa học nước này đã chế tạo một loại cáp đặc biệt.

Cáp này làm rối loạn giác quan của cá mập, buộc chúng đổi hướng mà không gây bất cứ nguy hiểm nào cho bản thân chúng, con người và các loài khác.

Nhờ phát minh mới của các nhà khoa học Nam Phi, cá mập sẽ không còn là nỗi ám ảnh với con người. Ảnh: Tropicalsunfl
Nhờ phát minh mới của các nhà khoa học Nam Phi, cá mập sẽ không còn là nỗi ám ảnh với con người. Ảnh: Tropicalsunfl

Hệ thống cáp trị giá hàng triệu USD này tuy đang thử nghiệm, nhưng đã cho thấy hiệu quả không ngờ. Tỷ lệ thành công trong việc ngăn cá mập vào bãi biển là 100% ở các cuộc thử nghiệm trong 4 tuần gần đây.

Hơn 50 con cá mập trắng lớn đã đổi hướng bơi khi tiến đến gần hệ thống cáp. Với công nghệ này, các nhà nghiên cứu đang có kế hoạch loại bỏ việc sử dụng bẫy và lưới cá mập - vốn gây hại cho một số loài khác.

Các nhà khoa học Nam Phi đang tìm cách giảm chi phí sản xuất loại cáp đặc biệt này xuống khoảng 200.000USD (tương đương 4,4 tỷ đồng). Chi phí trang bị hệ thống cáp phụ thuộc chủ yếu vào chiều dài của chúng, do cáp chạy song song với bờ biển dài hàng trăm kilômét.

Chi phí lớn, nhưng do hiệu quả ấn tượng nên dù đang ở giai đoạn thử nghiệm, sản phẩm này đã nhận được đơn đặt hàng từ Australia. Chính quyền nước này vừa quyết định chi 300.000USD (tương đương 6,6 tỷ đồng) để xây dựng một hệ thống cáp ngăn cá mập.

“Chúng tôi muốn hoàn thành dự án này ở Perth (thành phố biển lớn nhất bang Tây Australia) trong vòng vài năm” - ông Paul von Blerk - người quản lý dự án nói.

Người dân Australia thường xuyên bị ám ảnh bởi tình trạng cá mập tấn công. Các nhà chức trách nước này cho biết, năm 2015 Australia có 18 vụ cá mập tấn công con người, một nạn nhân tử vong. Đầu năm nay, một con cá mập trắng lớn xuất hiện cách bờ biển Adelaide (thành phố lớn thứ năm ở Australia) khoảng 182m, khiến một lễ hội tại đây bị hủy bỏ và người dân phải sơ tán khẩn cấp.