Ứng dụng Threads đã chính thức ra mắt ngày 5/7 và ghi nhận tới 5 triệu lượt đăng ký trong 4 giờ đầu tiên. Nó tận dụng nhiều ưu thế sẵn có của Meta, công ty mẹ đang nắm giữ Instagram và Facebook.

Meta kỳ vọng sẽ tận dụng tốt Threads để thúc đẩy hoạt động kinh doanh quảng cáo. Ảnh: The New York Times
Meta kỳ vọng sẽ tận dụng tốt Threads để thúc đẩy hoạt động kinh doanh quảng cáo. Ảnh: The New York Times

Theo mô tả, Threads là ứng dụng hội thoại dạng văn bản của Instagram, giúp người dùng cập nhật theo thời gian thực và trò chuyện công khai. Mặc dù là ứng dụng độc lập nhưng người dùng có thể đăng nhập bằng tài khoản đăng nhập Instagram và có danh sách bạn bè như trên Instagram. Lợi thế này sẽ giúp hơn 2 tỷ người dùng Instagram thấy dễ dàng hơn khi sử dụng Threads.

Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg cho biết trong một bài đăng trên Threads sau khi ra mắt: “Tầm nhìn của Threads là tạo ra một không gian công cộng thân thiện để trò chuyện”

Với giao diện và nhiều tính năng tương tự Twitter, nhiều người cho rằng Threads có khả năng trở thành ứng dụng thay thế cho mạng xã hội "chim xanh". Tuy nhiên, khi nhìn rộng hơn vào hoạt động của Threads, các nhà phân tích nhận thấy còn nhiều điều phải cân nhắc.

Dưới đây là chia sẻ quan điểm của một số chuyên gia tại Đại học RMIT Việt Nam xung quanh việc Meta ra mắt nền tảng này.

Tiến sĩ Joshua Dwight – Giảng viên ngành Công nghệ thông tin, Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học RMIT Việt Nam

“Bình mới, rượu cũ” – Threads là “bản sao” Twitter của Meta và có hình thức cực kỳ giống với Twitter. Meta dường như đang tận dụng sự hỗn loạn của Twitter một cách có chiến lược, đồng thời nỗ lực thu hút thêm nhiều nhân tài kỹ thuật, người dùng và đơn vị quảng cáo.

Quyền riêng tư và bảo mật sẽ vẫn là những vấn đề gây phiền hà cho người dùng Meta và Threads. Meta chưa giải quyết thấu đáo các nguy cơ tấn công phi xã hội (social engineering) trên các mạng xã hội của họ (Facebook, Instagram, Threads).

Kiểm duyệt nền tảng và quản lý danh tính không phải là điểm mạnh hay tính năng ưu tiên của Meta, vì Meta dựa vào Điều 230 trong Luật về chuẩn mực truyền thông của Mỹ và Tu chính án 1 Hiến pháp Mỹ để trốn tránh trách nhiệm giải trình. Vì vậy, tôi dự đoán rằng đang ngày càng có nhiều kẻ lừa đảo đăng ký sử dụng nền tảng Threads để đánh lừa người dùng thông qua quảng cáo độc hại và danh tính giả mạo.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thành – Giảng viên Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học RMIT Việt Nam

"Long story short" là cụm từ thường được dùng nhằm chỉ việc đưa ra một phiên bản tóm tắt hoặc súc tích hơn của một câu chuyện hay lời giải thích dài. Nguyên tắc này được áp dụng rộng rãi bởi các doanh nghiệp khi tìm cách đổi mới sản phẩm, dịch vụ của họ, và nhiều doanh nghiệp đã thành công.

Chẳng hạn như TikTok cung cấp các video theo dạng quảng cáo ngắn, còn Twitter thì đem đến nền tảng cho blog dạng ngắn và truyền thông xã hội. Trong quá khứ, các nhà lãnh đạo của Nokia từng có một tuyên bố nổi tiếng rằng mọi đổi mới tại Nokia đều tập trung vào việc làm cho điện thoại nhỏ hơn và cải thiện thời lượng pin. Do đó, tôi thấy ngạc nhiên khi Facebook/Meta không cho ra mắt Threads sớm hơn.

Một yếu tố đáng lưu ý là tập hợp người dùng rất quan trọng đối với bất kỳ hệ thống nào. Với Threads, Meta có thể tận dụng tập hợp người dùng khổng lồ từ Instagram. Điều này sẽ cho họ cơ sở cần thiết để tăng trưởng về doanh thu, quảng cáo và dịch vụ hỗ trợ.

Tiến sĩ Abdul Rohman, Giảng viên cấp cao ngành Truyền thông chuyên nghiệp, Khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam

Về cơ bản, Threads giống hệt Twitter. Twitter không được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Do đó xét về mặt cạnh tranh trên thị trường thì Threads ra đời không có tác động đáng kể tại Việt Nam so với các nước láng giềng như Indonesia, nơi Twitter vô cùng phổ biến.

Threads hứa hẹn sẽ là không gian mang lại 'cảm xúc tích cực' cho người dùng nhưng nhiều khả năng sẽ vấp phải những vấn đề tiêu cực mà Meta vẫn đối mặt bấy lâu nay. Thông tin sai lệch sẽ trở nên phong phú hơn vì những người có ảnh hưởng trực tuyến có thể dễ dàng chia sẻ thông tin. Song song với đó, những thông tin được cung cấp bởi thuật toán Threads có thể làm trầm trọng thêm tình trạng phân cực của dư luận trực tuyến.

Khả năng hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận Threads cũng kém hơn so với Twitter. Các tính năng văn bản thay thế (alt text) không tự động giống như trên Twitter. Meta đang điều chỉnh để làm cho nền tảng này dễ tiếp cận hơn, nhưng lẽ ra điều đó phải được thực hiện ngay từ trước khi ra mắt để đón đầu nhu cầu đa dạng của những người dùng khác nhau.