Một nhóm sinh viên Huế đã cùng nhau nghiên cứu, sản xuất và tiến hành phân phối bộ điều khiển nông nghiệp công nghệ cao giúp người dân dễ dàng sử dụng, mang lại độ chính xác cao.
Đó là dự án khởi nghiệp “Sản xuất, phân phối bộ điều khiển nông nghiệp công nghệ cao” của nhóm sinh viên trường Đại học Nông lâm Huế gồm Lê Hải Đăng, Hồ Sơn Công, Đặng Trí Dũng, Trương Quang Sinh và Nguyễn Anh Nhiên.
Khởi nghiệp từ máy móc công nghệ cao
Các bạn trong nhóm cho biết: "Nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất nhằm tạo điều kiện cho cây trồng phát triển thuận lợi, cho năng suất, chất lượng cao nhất trên một đơn vị diện tích, đồng thời giảm được chi phí nhân công trên mỗi đơn vị sản phẩm".
Để đáp ứng mục tiêu này, các công nghệ điều khiển được xem là quan trọng nhất nhằm thay đổi và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các yếu tố cây trồng cần (ánh sáng, nước, dinh dưỡng…). Các hệ thống này sẽ tự động hóa toàn bộ khâu chăm sóc cho cây trồng một cách chính xác nhất mà không cần đến sự chăm sóc của con người.
Bộ điều khiển nông nghiệp công nghệ cao của nhóm sinh viên Huế. Ảnh: NVCC.
Cùng với xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hiện nay có nhiều công ty đã nhập các hệ thống điều khiển tự động từ các nước Mỹ, châu Âu… để phân phối trong nước.
“Tuy nhiên, các thiết bị nhập khẩu này có giá tương đối cao (15-20 triệu đồng/bộ) khiếnngười dân khó có khả năng tiếp cận. Trước thực tế đó, các thành viên nhóm mình đã nghiên cứu và thiết kế ra bộ điều khiển nông nghiệp công nghệ cao phù hợp hơn”, Lê Hải Đăng chia sẻ.
Theo đó, bộ điều khiển sử dụng mạch Arduino được lập trình trên nền C++ và các thiết bị cảm biến, điều khiển… Bộ điều khiển có khả năng tự động hóa điều khiển các chức năng như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm đất, độ ẩm không khí, bón phân và điều chỉnh pH cho cây trồng.
Bộ điều khiển sẽ điều khiển tự động các chức năng như tưới nước, bón phân, quạt gió, phun sương, kéo lưới che chắn ánh sáng, điều khiển pH… Bộ điều khiển này có khả năng thay thế cho một công lao động phổ thông.
Ngoài ra, việc sử dụng bộ điều khiển tự động còn giúp các trang trại điều khiển chính xác và kịp thời tất cả các yếu tố so với quá trình điều khiển thủ công bằng con người.
Các bạn mất nhiều thời gian để tìm tòi, nghiên cứu. Ảnh: Nhật Tuấn.
Hồ Sơn Công cho biết: “Sản phẩm được thiết kế bằng tiếng Việt nên rất dễ sử dụng cho người dân, chỉ cần dùng các phím số trên bàn phím để lựa chọn và dùng các nút tăng giảm để điều khiển nhiệt độ, độ ẩm…”.
Theo tìm hiểu, thị trường và khách hàng hướng tới của dự án gồm các trang trại trồng trọt công nghệ cao, các trang trại trồng trọt theo hướng truyền thống, các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và trang trại thủysản.
Bộ điều khiển nông nghiệp công nghệ cao giá rẻ
Qua nghiên cứu và tính toán, các bạn nhận thấy, mỗi bộ điều khiển nông nghiệp công nghệ cao có giá 2,5 triệu đồng với thời gian sử dụng 5 năm. Như vậy, chi phí khấu hao cho một ngày là 1,370 đồng cộng với 1,000 đồng tiền điện là 2,370 đồng tổng chi phí cho một ngày.
Thiết bị được lắp thử nghiệm tại vườn thực hành. Ảnh: Nhật Tuấn.
Với thiết kế nhỏ gọn, giá thành thấp (2,5 triệu đồng/bộ), cơ chế hoạt động đơn giản và ổn định, bộ điều khiển này có nhiều ưu điểm nổi trội hơn so với các thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài.
Thế mạnh của sản phẩm này đó là giá thành thấp do chi phí sản xuất hệ thống thấp; hệ thống gọn nhẹ, dễ vận hành và có độ chính xác, độ bền cao; tiêu thụ điện năng thấp do chỉ sử dụng một mạch arduino; phù hợp với điều kiện ở nước ta do được thiết kế và kiểm chứng tại Việt Nam.
Bộ điều khiển giúp người dân dễ dàng sử dụng và thuận lợi trong chăm sóc cây. Ảnh: Nhật Tuấn.
Hiện tại, các bạn đã hoàn thiện phần mềm, quy trình lắp ráp và vận hành của bộ điều khiển nông nghiệp công nghệ cao, đã có sản phẩm mẫu, mô hình trình diễn và đã mua sắm được một số máy móc phục vụ cho việc sản xuất.
Hồ Sơn Công chia sẻ: “Trong quá trình làm việc, nhóm mình đã gặp khá nhiều khó khăn, cụ thể nhóm đã mất nhiều thời gian để hoàn thiện cách thức hoạt động đơn giản, người dân dễ dàng sử dụng”.
Các bạn cũng đề ra kế hoạch bán hàng cụ thể. Sản phẩm và dịch vụ sẽ được cung cấp thông qua hệ thống đại lý, thành lập website bán hàng để giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc khách hàng và bán hàng online trên phạm vi toàn quốc.
Trong giai đoạn đầu, sản phẩm sẽ được cho mượn dùng thử tại một số trang trại nông nghiệp công nghệ cao để quảng bá sản phẩm và ghi nhận những ý kiến phản hồi để nhóm có thể lập trình và cài đặt cho phù hợp, giúp người dân dễ dàng sử dụng nhất. Sau đó, sẽ được bán hàng thông qua mạng Internet và các đại lý.
Đại diện các bạn trong nhóm nhận giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp từ nông nghiệp năm 2017. Trong ảnh: từ trái sang phải: Lê Hải Đăng, Hồ Sơn Công, Đặng Trí Dũng. Ảnh: NVCC.
Dự định, nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm hơn, thêm những tính năng mới và bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường Huế, sau đó là các tỉnh thành khác. Ngoài ra, nhóm sẽ kêu gọi đầu tư để sản xuất hàng loạt bộ điều khiển này, kết hợp với các hình thức quảng bá, xây dựng kênh phân phối nhằm đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng trong nước.
Được biết, mới đây, dự án của nhóm đã đạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp từ nông nghiệp năm 2017 do trường Đại học Nông lâm Huế tổ chức.