Apple đã cán mốc giá trị doanh nghiệp ngàn tỉ USD đầu tiên của Mỹ và thế giới. Nhưng đúng vào thời khắc người người làm việc cho Apple và cả những tín đồ của "táo khuyết" nữa cảm thấy tự hào về điều này thì Tim Cook lại cho rằng, đây là "cột mốc quan trọng", "nhưng nó không nên là trọng tâm của Apple".
Như một câu châm ngôn nổi tiếng: Đi sẽ đến, tìm sẽ thấy…
Apple đã đi một quãng đường 11 năm, ít nhất là tính từ thời điểm iPhone đầu tiên được ra đời vào năm 2007, để xây dựng một sự nghiệp lừng lẫy cả về thương hiệu, sức mạnh công nghệ và sức mạnh tài chính.
Tim Cook trong thư viết cho hơn 120.000 nhân viên Apple còn cho rằng: "Số liệu tài chính đơn giản chỉ là kết quả của những sáng tạo, ưu tiên sản phẩm và khách hàng, luôn giữ vững giá trị của Apple".
Vậy, theo bạn, thứ giá trị mà Apple "luôn giữ vững" đó là gì từ thời iPhone được hình thành?
Giá trị cốt lõi và bền vững ấy đối với Apple, tất nhiên rồi, do chính Steve Jobs vẽ ra và bắt buộc những lãnh đạo cao cấp và nhân viên Apple phải tuân thủ vô điều kiện, phải chấp hành đến độ khắc nghiệt. Jobs là người không bao giờ chịu thỏa hiệp trong việc thực hiện và giữ gìn giá trị ấy: Sự sáng tạo và chuẩn mực.
Sáng tạo của các sản phẩm Apple nói chung đã quá rõ. Bằng chứng là, cho đến tận bây giờ, khi người khổng lồ đầu tiên chế tạo ra máy tính là IBM đã bán hoàn toàn mảng máy tính cá nhân và máy chủ đi rồi thì Apple vẫn còn đó hầu như nguyên vẹn các dòng máy tính của mình và thậm chí còn nâng tầm các sản phẩm máy tính, máy tính bảng dành cho người dùng cuối như MacBook, iPad với hai hệ điều hành đầy khác biệt là MacOS và iOS. Và chỉ có iOS mới đứng vững một cách kiêu hùng để đưa Apple trở thành công ty đầu tiên trên thế giới cán mốc giá trị doanh nghiệp 1.000 tỉ đô chứ không bị Android nuốt chửng như Windows Phone của Microsoft hay phải qui hàng Android về sau như mảng thiết bị đầu cuối của Nokia thời kì HMD Global.
Về chuẩn mực, Apple vẫn luôn là số 1 thế giới trong suốt hàng chục năm qua. Chuẩn mực từ sự sáng tạo tươi mới ở thời kì đầu của iPhone và chuẩn mực về chất lượng luôn song hành suốt triều đại iPhone hiện nay. Xét về độ hoàn thiện của sản phẩm, không ai qua được Apple. Và cũng ở góc độ này, không hãng sản xuất smartphone nào qua được iPhone: Chất lượng, cứng cáp, sắc sảo, tinh tế… đến từng chi tiết. Đó là tinh thần của Steve Jobs và từ thời Steve Jobs vẫn được duy trì và giữ gìn cho tới nay.
Steve Jobs vĩ đại, tài năng có một không hai với tầm nhìn sáng tạo khác biệt, luôn kiên định với giá trị sáng tạo và chất lượng. Nhưng Steve Jobs càng khắc nghiệt giữ gìn các giá trị ấy thì cũng càng bảo thủ.
Chúng ta còn nhớ, khi iPhone 5 rò rỉ các thông tin về thiết kế, dư luận háo hức trông chờ một sự thay đổi về kích cỡ màn hình sẽ lớn hơn khi trào lưu phablet đang bắt đầu thịnh hành. Nhưng Steve Jobs, chính Jobs chứ không phải ai khác nói không với kích cỡ iPhone không thể cầm gọn trong lòng bàn tay. Hệ lụy là iPhone 5 ra đời gây nhiều thất vọng vì được xem là "iPhone 4 kéo dài", doanh số không đạt như kì vọng. Chỉ cho đến phiên bản iPhone 5S Apple mới thoát hiểm về nguy cơ tụt giảm doanh số của mảng điện thoại.
Nhớ lại một Steve Jobs vĩ đại để nhìn nhận một cách công tâm vai trò của Tim Cook từ năm 2011 với vai trò CEO. Triều đại Apple thời Tim Cook vẫn tiếp tục không thỏa hiệp trong việc duy trì và giữ gìn các giá trị có từ thời Steve Jobs, nhưng ông bớt đi sự khắc nghiệt và bảo thủ. Tim Cook không thể thay đổi ở thế hệ iPhone 5 và 5S vì nó đã được Jobs định hình. Nhưng từ thế hệ iPhone 6, ông đã định hướng thay đổi dần cho thấy một sự cởi mở hơn, thức thời hơn trong làn sóng thay đổi quá nhanh của công nghệ và xu hướng tiêu dùng smartphone màn hình lớn với áp lực khủng khiếp của smartphone Android dội đến.
Tim Cook kế thừa những giá trị cốt lõi được Steve Jobs gầy dựng là tính sáng tạo và chất lượng nhưng không ôm quàng cả tính bảo thủ đáng ghét của "thánh Jobs". Cho dù Apple ngày nay không hẳn là không còn sự bảo thủ ngay cả trong tư duy của Tim Cook, cũng như tính sáng tạo của iPhone không hẳn còn đậm đặc như trong các thế hệ ban đầu vì bị vòng xoáy thay đổi và đòi hỏi cái mới vắt kiệt nhanh chóng, nhưng nhìn chung ở cả hai tiêu chí này Apple thời Tim Cook vẫn duy trì được một cách ổn định. Chính nhờ sự duy trì và giữ gìn được trọn vẹn giá trị cốt lõi ấy mà lượng máy iPhone bán ra tăng đều, iFans không có xu hướng rời bỏ mà chỉ tăng thêm, giúp cho Apple trở thành công ty ngàn tỉ đô đầu tiên trên thế giới.
Apple đã đạt mốc giá trị ngàn tỉ đô cũng sẽ tạo cảm hứng cho những "ông lớn" khác thúc đẩy làn sóng này, như Google, Amazon… , tạo ra cộng đồng công ty trị giá ngàn tỉ đô chứ không chỉ có Apple.