Làn sóng thứ tư ập đến “đã cho thấy sự lúng túng và làm lộ ra hết những nhược điểm trong việc quản trị hệ thống y tế và quản lý nhà nước".

Nếu như trong ba đợt bùng phát đầu tiên của dịch COVID-19, Việt Nam đã vượt qua thành công với chiến lược “zero COVID” và thậm chí còn được coi là “hình mẫu chống dịch” trên thế giới, thì làn sóng thứ tư ập đến “đã cho thấy sự lúng túng và làm lộ ra hết những nhược điểm trong việc quản trị hệ thống y tế và quản lý nhà nước”, theo nhận định của TS. Đàm Viết Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế tại tọa đàm “Quản trị hệ thống y tế qua hai năm ứng phó với đại dịch COVID-19”, do Viện Lãnh đạo ABG và Thương hiệu Xuất bản Sách và Tri thức Y học MedInsights phối hợp tổ chức.

Nhân viên y tế hướng dẫn cách ly tại nhà. Ảnh: suckhoedoisong.vn

Khi “xương sống” của hệ thống y tế bị “gãy”

Cuối tháng tư, khi các ca mắc COVID-19 bắt đầu gia tăng không ngừng tại TP.HCM và lây lan đến mức không thể truy vết, việc tiếp tục điều trị và cách ly tập trung tất cả F0, F1 như trước đây đã làm quá tải hệ thống y tế. Do đó, chiến lược ứng phó với COVID đã phải chuyển sang chú trọng kiểm soát các ca bệnh chuyển nặng và tử vong, còn các ca nhẹ sẽ chỉ điều trị tại nhà và ở tuyến cơ sở.

Tuy nhiên, lúc này vấn đề bắt đầu xuất hiện. Dù đã làm việc hết công suất, song số lượng nhân lực ít ỏi chỉ đếm trên đầu ngón tay ở các trạm y tế phường không thể đáp ứng kịp nhu cầu của hàng nghìn ca mắc mới. Trong những tháng cao điểm, báo chí đã liên tục phản ánh tình trạng người bệnh gọi đến trạm y tế phường song… không ai bắt máy hoặc không được hướng dẫn, hỗ trợ điều trị. Cuối tháng 11, trên nhóm facebook “Cộng đồng kết nối Y khoa phòng chống Covid-19”, bài đăng phản ánh tình trạng “F0 ‘tự bơi’, báo y tế phường không được trợ giúp kịp thời, F0 tự ra đường mua thuốc, mua đồ ăn, tự điều trị vài ngày đã đi làm” đã nhận được hơn một trăm bình luận của người dân chia sẻ về tình trạng tương tự mà họ gặp phải.

Đến lúc này, “chúng ta mới thấy rõ vai trò của hệ thống y tế dự phòng, hệ thống y tế cơ sở”, TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nhận xét. Mặc dù 90% trường hợp F0 thuộc thể nhẹ nhưng nếu không được phát hiện, hướng dẫn theo dõi và can thiệp kịp thời các dấu hiệu nguy hiểm như khó thở, độ bão hòa oxy trong máu xuống thấp, người bệnh vẫn sẽ có nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Như vậy, “chính việc tuyến y tế cơ sở không kiểm soát được các ca bệnh cũng sẽ dẫn tới việc các tầng điều trị cấp 2, cấp 3, các cơ sở cấp cứu, hồi sức tích cực trở tay không kịp”, TS. Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh.

Vấn đề này không chỉ do số ca mắc COVID tăng đột biến. Dù đóng vai trò quan trọng như đã nêu ở trên, song điều đáng bàn là, từ trước đến nay, “hệ thống y tế cơ sở chưa được quan tâm đúng mức và được đầu tư ở mức rất thấp”, TS. Đàm Viết Cương nói. “Ai đã công tác ở tuyến y tế cơ sở thì sẽ thấy được nỗi ‘đau khổ’ của cán bộ nhân viên ở đây. Mức lương thì rất thấp, các cơ hội được đào tạo, huấn luyện thêm về chuyên môn cũng không có”, ông chia sẻ. Trong khi đó ở những đợt cao điểm tại TP.HCM, mỗi phường có từ vài trăm đến cả nghìn bệnh nhân cần nhân viên y tế chăm sóc và tình hình tương tự cũng đang có nguy cơ diễn ra ở các tỉnh thành khác. “Với một khối lượng công việc rất lớn, áp lực cao cùng thu nhập và chế độ đãi ngộ thấp như vậy, số lượng nhân viên y tế xin nghỉ việc rất nhiều. Nếu như chúng ta không sớm có biện pháp khắc phục thì chắc chắn hệ thống y tế cơ sở sẽ càng ‘tan vỡ’ hơn”, TS. Nguyễn Huy Quang nhận định.
Nâng cao khả năng đáp ứng của y tế cơ sở?

Với quy mô của đại dịch cùng số lượng bệnh nhân ngày càng lớn, có thể thấy vai trò của y tế cơ sở trong dịch bệnh càng trở nên quan trọng hơn. “Chắc chắn việc chỉ dựa vào hệ thống bệnh viện để ứng phó với tình hình dịch sẽ không thể đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu của người bệnh được nữa”, GS. TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nói.

Thời gian vừa qua, Việt Nam đã thành lập nhiều trạm y tế lưu động ở tuyến cơ sở cũng như kêu gọi chi viện nhân lực để ứng phó với dịch, “nhưng đó mới chỉ là biện pháp tạm thời trong một giai đoạn chứ về lâu dài thì hệ thống y tế phải thay đổi rất nhiều. Và chi viện thì cũng chỉ được một lực lượng nào đó thôi chứ không thể đáp ứng hết được [nhu cầu]”, GS. TS Nguyễn Văn Kính nói. Từ thực tế đó, ông cho rằng, “rõ ràng phải nhìn nhận lại hệ thống y tế và việc đào tạo nguồn nhân lực phải hướng đến một nền y tế công cộng, đó chính là y tế cơ sở” - đơn vị y tế gần dân nhất.

Theo GS. TS. Nguyễn Văn Kính, nhân lực cho tuyến y tế cơ sở phải được đào tạo để có khả năng phòng chống các bệnh truyền nhiễm “Cách đây khoảng 10-20 năm, chúng ta coi việc phòng chống bệnh truyền nhiễm là những lĩnh vực liên quan đến y tế công cộng, do đó tất cả sinh viên trường y đều có 10 tuần để học về bệnh truyền nhiễm, cách phòng chống dịch bệnh. Nhưng bây giờ thời lượng để dạy về nội dung này chỉ còn rút lại có hai tuần và học lý thuyết là chính. Như vậy, thời gian thực hành không có nên đến khi có dịch thì nhiều người cũng rất lúng túng không biết đi từ đâu. Vì vậy, lực lượng nhân viên y tế ngay lập tức bị quá tải”, GS. TS Nguyễn Văn Kính nêu thực trạng.

Để giảm thiểu được sự quá tải của y tế cơ sở trong đại dịch như vậy, cần sự vào cuộc của nhiều đơn vị y tế khác nhau ngoài y tế công. Theo GS. TS. Nguyễn Văn Kính, y tế cơ sở hiện nay không chỉ còn là trạm y tế xã/phường, bệnh viện và trung tâm y tế quận/huyện nữa mà còn có thể bao gồm cả cơ sở y tế tư nhân, bác sĩ gia đình và các đơn vị khác có tham gia vào việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Lấy ví dụ về hệ thống bác sĩ gia đình ở nước ngoài giúp theo dõi sát sao người bệnh, GS. TS Nguyễn Văn Kính cho rằng, Việt Nam cũng “cần gắn kết y tế tư nhân vào với hệ thống y tế chung để mở rộng nguồn dịch vụ hỗ trợ”. “Vấn đề quan trọng là cơ chế điều phối như thế nào, phân cấp, phân quyền ra sao và trách nhiệm, quyền lợi gắn với việc phân quyền đấy”, ông nhận xét.

Đề cập về một khía cạnh khác của vấn đề phân quyền, TS. Nguyễn Huy Quang đưa ra một đề xuất là cần phải tăng tính độc lập của các trạm y tế. “Bây giờ trung tâm y tế huyện đang điều hành trạm y tế nên đâm ra tổ chức này lại hoàn toàn bị động và phụ thuộc. Do đó, nếu chúng ta củng cố y tế cơ sở bao gồm cả trung tâm y tế cấp huyện và tuyến xã thì rõ ràng ta phải tăng tính độc lập tương đối của trạm y tế xã so với trung tâm y tế quận huyện. Và muốn như vậy thì phải có cơ chế nào đó để tăng được thu nhập cho nhân viên ở đó”, ông nói.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh hệ thống y tế cơ sở cũng phải cân nhắc đến sự chênh lệch nhu cầu giữa lúc có dịch và không có dịch bệnh. PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý, “nếu chúng ta tổ chức lại [hệ thống y tế] thì cần phải tính trong ‘thời bình’ thì chúng ta ‘nuôi’ hệ thống đó như thế nào, hoạt động ra sao. Nếu không sẽ rơi vào tình trạng: do bây giờ đại dịch quá cần nhân lực nên chúng ta xây dựng lên một hệ thống, nhưng đến lúc hết dịch rồi thì hệ thống đó lại trở nên lãng phí”.