Một khảo sát mới đây cho thấy nhiều nhà khoa học môi trường ở Úc bị cấm nói công khai về nghiên cứu của họ hoặc phải giảm nhẹ các kết quả nghiên cứu.
Nhiều nhà khoa học đã bị cấm thảo luận công khai về tác động môi trường của các hoạt động như khai thác mỏ.
Từ tháng 10/2018 đến tháng 2/2019, Hiệp hội Sinh thái Úc đã tiến hành khảo sát với các nhà khoa học môi trường làm việc trong chính phủ, trường đại học hoặc ngành môi trường như các tổ chức tư vấn, tổ chức phi chính phủ về môi trường.
Kết quả cho thấy, trong số các nhà khoa học của chính phủ, khoảng một nửa bị cấm nói công khai về nghiên cứu của họ; tỉ lệ này là 38% với người làm việc trong ngành môi trường và 9% với nhà khoa học ở đại học. Ba phần tư trong số 220 người trả lời cũng cho biết họ tự kiểm duyệt nghiên cứu về môi trường của mình.
Một phần ba số nhà khoa học thuộc chính phủ, và 30% nhà khoa học trong ngành môi trường, cũng báo cáo rằng người sử dụng lao động hoặc quản lý của họ đã sửa đổi kết quả nghiên cứu để giảm nhẹ hoặc đánh lừa công chúng về tác động môi trường của các hoạt động như khai thác và khai thác gỗ.
Báo cáo gửi cho giới truyền thông hoặc báo cáo lưu hành nội bộ là các sản phẩm thường xuyên bị các nhà quản lý trong chính phủ sửa đổi nhất. Nhưng các bài thuyết trình hội nghị và bài báo trên tạp chí cũng bị sửa đổi để nói giảm nhẹ tác động môi trường.
Các nhà quản lý điều chỉnh thông tin lưu hành nội bộ trong các cơ quan chính phủ là vấn đề đặc biệt đáng lo ngại, nhà sinh thái học Don Driscoll ở Đại học Deakin, người dẫn đầu khảo sát, cho biết. Tình trạng này cho thấy, đối với các vấn đề gây tranh cãi, chẳng hạn như thông tin về tác động môi trường của việc khai thác mỏ hoặc khai thác đất không được chuyển thẳng trực tiếp đến những người ra quyết định.
Kết quả khảo sát được công bố trong tháng này
trên tạp chí Conservation Letters, phản ánh các cuộc tranh luận về
chính sách môi trường ở Australia đã bị chính trị hóa như thế nào, Saul
Cunningham, nhà khoa học môi trường ở Đại học Quốc gia Australia,
Canberra, nói. “Chúng tôi cần các tổ chức nhận tài trợ công có
tiếng nói hơn trong việc bảo vệ các ý kiến độc lập dựa trên nghiên cứu,"
Cunningham nói.
Mặc dù các nhà khoa học ở đại học cho biết họ ít bị hạn chế hơn trong việc truyền đạt kết quả nghiên cứu, nhưng Cunningham cho biết, họ vẫn chịu áp lực. “Nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng trong trường của tôi nhận những lời đe dọa vì kết quả của nghiên cứu của họ." Theo Cunningham, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến mức độ nhà nghiên cứu sẵn sàng chia sẻ với công chúng về các vấn đề gây tranh cãi.
Hiệp hội Sinh thái Úc hiện đã thiết lập một cổng thông tin trực tuyến thường trực để nhà khoa học báo cáo ẩn danh các trường hợp đàn áp khoa học.
Nguồn: