Đồng tác giả là những người cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ một sản phẩm. Tuy nhiên đưa định nghĩa này vào một “hệ quy chiếu” mới là văn học – văn học sử… với đầy đủ tính phức tạp của nó thì thật khó để đưa ra câu trả lời “ai là tác giả”.
Bộ sách gây tranh cãi về quyền tác giả.
Nguồn: baomoi
Đại tướng và nhà văn Hữu Mai (ảnh chụp năm 2005). Ảnh: nhandan
Những tranh cãi gần đây xoay quanh việc xác định Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay nhà văn Hữu Mai là đồng tác giả của bộ hồi ký nổi tiếng gồm 6 cuốn: “Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ”, “Từ nhân dân mà ra”, “Những năm tháng không thể nào quên”, “Chiến đấu trong vòng vây”, “Đường tới Điện Biên Phủ”, “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử” đang thu hút nhiều sự chú ý. Theo chia sẻ của con trai nhà văn Hữu Mai - người đứng tên thực hiện trên các tác phẩm này thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà văn Hữu Mai là đồng tác giả. “Những năm cha tôi còn sống, nhuận bút vẫn được chia giữa ông và Đại tướng theo tỷ lệ 50/50”, Bình Ca - con trai nhà văn Hữu Mai viết trên facebook cá nhân. “Tuy nhiên, từ khi ông mất, đại diện gia đình Đại tướng không chấp nhận nhà văn Hữu Mai là đồng tác giả, không đồng ý ký vào hợp đồng xuất bản nếu trong đó có đại diện gia đình nhà văn Hữu Mai”.
Do hai bên không thống nhất được vấn đề quyền tác giả, một số nhà xuất bản phải tạm dừng ý định tái bản bộ sách đồ sộ này. Thậm chí ngay trước đợt kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào tháng tám tới, nhiều nhà sản xuất muốn in lại bộ hồi ký này cũng đành bó tay.
Tìm dấu ấn sáng tạo của tác giả
Việc xác định quyền tác giả (quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu), bao gồm cả việc xác định ai là tác giả, đồng tác giả vốn không đơn giản, đặc biệt trong những trường hợp tác giả đã qua đời. Với bộ sách này thì hiện tại cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà văn Hữu Mai đều đã không còn, không ai còn có thể hỏi lại cả hai người về việc liệu ai đóng vai trò chính hay giữa hai người có thỏa thuận gì về quyền tác giả không? Với tình huống này, nhiều người cho rằng nhà văn Hữu Mai và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đồng tác giả. Tuy nhiên, cũng có ý kiến khẳng định nhà văn Hữu Mai chỉ là người thể hiện lại ý tưởng nên không thể được coi là đồng tác giả.
Chúng ta phải nhìn nhận sự việc hi hữu này như thế nào? Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng như Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật - công ước về quyền tác giả đầu tiên trên thế giới, quyền tác giả chỉ phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định. Có nghĩa là, pháp luật quyền tác giả không thể bảo hộ cho ý tưởng, trừ phi ý tưởng đó được thể hiện dưới một hình thức nào đó như viết ra giấy, khắc trên đá,...
Một tác phẩm trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học,... có thể có một tác giả duy nhất hoặc nhiều tác giả. Trong trường hợp có từ hai tác giả trở lên, đồng tác giả sẽ là những tác giả cùng trực tiếp sáng tạo một phần hoặc toàn bộ tác phẩm (theo Nghị định 22/2018/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ). Những người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả hoặc đồng tác giả. Chẳng hạn một công ty cung cấp tài chính, phương tiện kỹ thuật để đặt hàng một người sáng tác một tác phẩm, công ty có thể là chủ sở hữu, nắm quyền tài sản (chẳng hạn như sao chép, xuất bản cuốn sách,...) song sẽ không được coi là tác giả (không có quyền nhân thân như đặt tên, đứng tên, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm,...).
Như vậy, điều quan trọng nhất - cũng là điều phức tạp nhất khi xác định đồng tác giả là phải xác định được dấu ấn sáng tạo riêng, trực tiếp tác động vào tính nguyên gốc của tác phẩm của mỗi người. Thông thường, điều này sẽ được xác định thông qua việc suy luận các hồ sơ, tài liệu chứng minh. Chẳng hạn trong trường hợp tác giả viết lại dựa trên lời kể của nhân vật, có thể so sánh bản ghi âm lời kể với bài viết của tác giả, từ đó sẽ thấy được tác giả đã sáng tạo những gì.
Ngoài việc phân tích tài liệu, kỹ năng của mỗi người cũng là một trong những yếu tố quan trọng để xác định đồng tác giả. Chẳng hạn, trong vụ tranh chấp quyền tác giả bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt” giữa họa sỹ Lê Linh và công ty Phan Thị, đại diện công ty là bà Phan Thị Mỹ Hạnh cho rằng mình là người đưa ra cấu trúc các nhân vật trong truyện, còn họa sỹ Lê Linh chỉ là người được thuê vẽ, do vậy, bà cũng phải được công nhận là đồng tác giả. Nếu không có kỹ năng vẽ, bà Hạnh sẽ không thể thể hiện các “cấu trúc nhân vật” này dưới dạng vật chất, tức là không được công nhận đồng tác giả. Do vậy, vụ kiện đã khép lại sau 12 năm với kết luận tác giả duy nhất là họa sỹ Lê Linh.
Nên có thỏa thuận ngay từ ban đầu
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng đủ tài liệu hoặc căn cứ để xác định đồng tác giả, đặc biệt là những tác phẩm được sáng tác từ nhiều năm trước đây. Bởi lẽ, kể từ khi Việt Nam tham gia Công ước Berne vào năm 2004 và ban hành Luật Sở hữu trí tuệ lần đầu vào năm 2005, những quy định về quyền tác giả, đồng tác giả,... mới dần được định hình rõ ràng. Có lẽ, khi viết những tác phẩm vài chục năm trước đây, chẳng mấy tác giả nghĩ đến việc sẽ phân định quyền tác giả, đồng tác giả,... như thế nào.
Do vậy, theo ý kiến của các luật sư, điều quan trọng nhất là cần phải có thỏa thuận rõ ràng trước khi sáng tác, đặc biệt với những tác phẩm có nhiều bên tham gia. Trong bản thỏa thuận/hợp đồng cũng nên xác định rõ quyền lợi của các bên như thế nào. Bởi vì trong quyền tác giả gồm hai phần, thứ nhất là quyền nhân thân vĩnh viễn thuộc về tác giả, chẳng hạn như đứng tên, đặt tên, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm… thứ hai là quyền tài sản, bao gồm quyền sao chép tác phẩm và làm tác phẩm phái sinh. Quyền tài sản sẽ liên quan đến việc tái bản và chuyển thể tác phẩm, chẳng hạn làm phim,... Đây là điều quan trọng để tác phẩm có thể “sống mãi với thời gian”. Nếu không phân định rõ ràng ngay từ ban đầu, dẫn đến tranh chấp thì không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả mà còn khiến độc giả mất đi cơ hội được tiếp cận với những tác phẩm hay.
Không ít trường hợp do “quen biết”, chỉ “thỏa thuận miệng” nên dẫn đến tranh chấp sau này. Tiêu biểu là trường hợp cuốn sách “Trò chuyện với cõi tâm linh” gần đây do nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà chắp bút dựa trên tư liệu và lời kể của nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm. Công ty sách First New - Trí Việt là người đã đặt hàng dự án này. Tuy nhiên, sau khi cuốn sách phát hành và bán khá chạy, khi Trí Việt muốn tái bản, phía nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm đã yêu cầu loại bỏ người chấp bút vì cho rằng cuốn sách này là do bên mình tự viết. Sau đó, công ty sách Thái Hà và bà Hoàng Thị Thiêm đã tự ý xuất bản cuốn sách này. Do vậy, đầu năm 2021, Trí Việt đã kiện cả công ty sách Thái Hà và bà Hoàng Thị Thiêm. Dù vụ việc chưa có kết quả song đây cũng là bài học kinh nghiệm dành cho những trường hợp khác.