Một năm trước khi trở thành giám đốc của trường Đại học Vũ Hán (WU), Dou Xiankang – một nhà vật lý không gian, đã bắt tay vào một cuộc tuyển chọn nhân sự trên quy mô toàn cầu. Tháng 10/2017, ông tới New York, Boston và San Francisco, những thủ phủ khoa học xuất sắc ở Mỹ. Chưa đầy một năm sau, tháng 5/2018, Dou tới Paris, Munich, Berlin và London, tham dự các hội chợ nghề nghiệp để có thể thu hút những nhà khoa học trẻ đầy tham vọng tới Vũ Hán.
Trong 6 năm qua, Vũ Hán – một thành phố nhộn nhịp ở khu vực trung tâm Trung Quốc, đã vươn lên trong bảng xếp hạng của Nature index nhanh hơn bất kỳ thành phố nào trong top 20. Sự đóng góp của các nhà nghiên cứu Vũ Hán (chỉ số FC) vào các công trình nghiên cứu được xuất bản trên 82 tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao theo thống kê của Nature đã tăng lên từ 214,51 vào năm 2012 lên 490.54 vào năm 2017, đưa thành phố này vào vị trí thứ 19 toàn cầu và hạng 4 Trung Quốc.
Thành công của thành phố này có được từ việc tuyển dụng các nhà khoa học trẻ nhiều hoài bão, theo Zhao Rongying, một nhà trắc lượng khoa học và nhà nghiên cứu chính sách tại WU. Vũ Hán là điểm thu hút nhân lực lớn thứ ba trong chính sách tiếp nhận thành viên từ chương trình “Một nghìn tài năng” để đưa các nhà nghiên cứu xuất sắc và các doanh nghiệp khoa học từ nước ngoài trở lại Trung Quốc. Thành phố này cung cấp cho các nhà khoa học cơ sở hạ tầng nghiên cứu vững chắc, các vị trí đầy uy tín và lương cao trong khi chi phí sinh hoạt thấp. Tất cả những điều đó đem lại sức hấp dẫn của Vũ Hán.
Cơ chế chia sẻ thiết bị nghiên cứu giữa các viện nghiên cứu ở Vũ Hán đã tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu quyền sử dụng các cơ sở nghiên cứu. Ảnh: Nature.com
Nhưng hiện nay cuộc cạnh tranh thu hút nhân lực tài năng đã diễn ra khắp đất nước. Do đó, để khỏi ảnh hưởng đến sự phát triển của các trường đại học ở các vùng hẻo lánh và chưa phát triển, gần đây Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành một lệnh cấm về việc không được phép “săn trộm” các nhà nghiên cứu từ các nơi này. Điều đó có thể khiến Vũ Hán cảm thấy bị áp lực bởi họ đang phải chịu sức ép khác: không đủ khả năng tài chính để cạnh tranh với những thành phố duyên hải giàu có như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thẩm Quyến. Đây là lý do khiến các nhà quản lý thành phố và trường đại học đang nỗ lực để cho thành phố của mình giữ nguyên được sự thu hút.
Thu hút nhà khoa học trẻ nhiều hoài bão
Đến năm 2017, Vũ Hán có 84 trường đại học, nhiều hơn bất kỳ thành phố nào trên đất nước này. 5 trường đại học đã nhận được sự hỗ trợ đều đặn của Bộ Giáo dục thông qua Dự án 211, được bắt đầu từ năm 1995 để gia tăng tiêu chuẩn nghiên cứu tại các trường đại học. Hai trường khác được lựa chọn vào dự án 985 – vốn bắt đầu từ năm 1998 để phấn đấu thành trường đại học đẳng cấp thế giới, trong đó có WU và trường Đại học KH&CN Hoa Trung (HUST).
Năm 2016, các viện nghiên cứu và công nghiệp ở Vũ Hán đã đầu tư 37 tỷ NDT (5,4 tỷ USD) vào R&D trong các lĩnh vực trải rộng từ quang điện tử đến khoa học vật liệu, tương đương 3,1% GDP của thành phố và đưa Vũ Hán thành thành phố chi cho hoạt động R&D cao thứ 5 Trung Quốc, sau Bắc Kinh, Thẩm Quyến, Thượng Hải và Hạ Môn. Việc đầu tư cho R&D của Vũ Hán đã tăng lên 3,2% GDP vào năm 2017.
Cùng năm, chính quyền thành phố đã đưa ra một chương trình lớn để tăng cường vị thế của các trường đại học và các ngành nghiên cứu – Dự án Double First-Class. Sáng kiến này hỗ trợ 29 chương trình đào tạo tại các trường đại học ở Vũ Hán, bao gồm địa vật lý, sinh học, khoa học điều tra tại WU, kỹ thuật quang học, khoa học máy tính và vật lý nhiệt tại HUST, khoa học làm vườn và kỹ thuật chăn nuôi ở trường Đại học Nông nghiệp Hoa Trung (HZAU), địa vật lý tại trường Đại học Khoa học địa chất Trung Quốc.
Không thể bắt kịp các trường đại học duyên hải giàu có trong việc thu hút những học giả đã thành danh, Vũ Hán đã chọn cách kêu gọi các tài năng trẻ, theo Fan Jingqun, hiệu phó phụ trách kế hoạch và phát triển khoa học ở HZAU. Từ năm 2011 đến 2017, Vũ Hán đã chào đón 262 nhà nghiên cứu trẻ của Chương trình 1000 tài năng, cao thứ ba Trung Quốc sau Bắc Kinh và Thượng Hải.
Chen Shi là một trong số các nhà khoa học trở về Trung Quốc như vậy. Sau khi dành nhiều năm làm postdoc ở MIT và trường Đại học Harvard ở Boston, Chen quyết định về nhà vào năm 2011 để trở thành giáo sư ngành khoa học dược phẩm tại WU. Kể từ khi về đây, Chen và nhóm nghiên cứu của mình đã xuất bản công trình trên tạp chí hệ số ảnh hưởng cao về một thay đổi bất thường trong DNA của một số vi khuẩn, trong đó oxygen được thay thế bằng sulful. Sự thay đổi đó đã làm đa dạng hóa các chức năng của tế bào, bao gồm sự điều chỉnh khả năng trao đổi chất, và có thể thực hiện kỹ thuật chỉnh sửa hệ gene theo một cách mới.
Một cơ chế chia sẻ thiết bị nghiên cứu giữa các viện nghiên cứu ở thành phố đã trao cho các nhà nghiên cứu quyền sử dụng các cơ sở nghiên cứu. Chen cho biết, anh thường xuyên sử dụng các thiết bị kính hiển vi tiên tiến tại HZAU và Viện nghiên cứu virus Vũ Hán (Viện Hàn lâm KH Trung Quốc CAS) để thực hiện các nghiên cứu hệ gene với chi phí thấp.
Cạnh tranh khốc liệt
Dù vậy, thành phố này đang phải vật lộn với việc giữ vững động lực phát triển của mình. “Trong vài năm trở lại đây, cuộc cạnh tranh trong việc chiêu mộ tài năng đã trở nên khốc liệt hơn nhiều”, Fan tại HZAU cho biết. “Các trường đại học duyên hải cũng đang đưa ra những nền tảng phục vụ nghiên cứu và mức lương cao hơn”.
Trong năm 2013, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành một lệnh cấm các trường đại học duyên hải “săn lùng” tài năng từ phương Tây và những trường đại học vùng đông bắc bằng tiền. Năm 2017, Bộ này đã nhắc lại chính sách này với mục tiêu đảm bảo sự công bằng trong giáo dục, và cam kết trừng phạt kẻ vi phạm. Tuy nhiên điều này lại có thể khiến các trường ở khu vực miền trung bị ảnh hưởng và trở thành mục tiêu của những cuộc săn lùng tài năng.
WU hiện đang lập một quỹ trị giá 400 triệu NDT để thuê và cung cấp kinh phí để tuyển dụng những người mới. Và trong năm 2017, chính quyền thành phố đã loan báo một quỹ đặc biệt hỗ trợ các trường đại học phát triển, miễn giảm thuế và đảm bảo việc học cho con cái những tài năng trở về làm việc tại thành phố.