Nếu không giải tỏa những nút thắt về cơ chế tự chủ, cơ chế tài chính thì có lẽ 5 năm nữa VKIST cũng vẫn chưa thể trở thành một hình mẫu thành công về một “thương hiệu nghiên cứu công nghiệp” như mong muốn của TS. Kum Donghwa, Viện trưởng VKIST nhiệm kỳ đầu tiên.
Chưa được như kỳ vọng
“Trên chặng đường đến phòng họp này, chúng ta có thể nhìn thấy hệ thống cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng của VKIST đã hoàn thành về cơ bản và đang tiếp tục được hoàn thiện”, TS. Kum Donghwa - Viện trưởng đầu tiên của VKIST (Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc) - đã mở đầu như thế trong bài phát biểu của mình tại kỳ họp lần thứ 5 Hội đồng Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc diễn ra vào tuần qua.
PGS. TS Nguyễn Văn Thuận (phải) giới thiệu với TS. Kum một số thông tin về Lab công nghệ sinh học.
Ảnh: crl.bio.hcmiu.edu.vn
Cũng theo ông, trong năm vừa rồi, VKIST đã thành lập được bốn phòng nghiên cứu trong bốn lĩnh vực ưu tiên, tuy nhiên vì vẫn chưa có đầy đủ trang thiết bị nên công việc được thực hiện trong các cơ sở mà Viện hợp tác. Đây là điều mà ông đã dự liệu ngay từ năm đầu thành lập nên đề xuất có thể đưa các nghiên cứu đầu tiên của VKIST tới một số viện đối tác của Việt Nam hoặc Hàn Quốc. Việc này đồng thời cũng sẽ giúp “xây dựng được mạng lưới hợp tác bên trong và bên ngoài [Việt Nam]”. Nhờ đó, trong năm 2020 vừa qua, các nhà khoa học thuộc VKIST vẫn tiến hành được các đề tài cấp Bộ, các đề tài hợp tác nghiên cứu chung với Viện KIST tại Hàn Quốc.
Đặc biệt, một trong những kết quả thông qua hợp tác với KIST là “motor đồng bộ nam châm vĩnh cửu lần đầu tiên được phát triển và sản xuất tại Việt Nam với công suất lên đến 95%”, TS. Kum cho hay. Bên cạnh đó, một sản phẩm hợp tác với KIST khác là sản phẩm dược liệu với phát hiện vô cùng mới từ quả gấc của Việt Nam, loại quả có những thành phần hợp chất quý như carotene và lycopene.
Nhưng có lẽ là những kết quả ban đầu ấy quá nhỏ bé so với tầm vóc của một viện được xây dựng theo mô hình viện KIST. Cách đây gần bốn năm, trong một cuộc phỏng vấn với Khoa học và Phát triển, ông đã chia sẻ rằng mình ước mong VKIST sẽ “tạo ra mối liên hệ gần gũi với khối doanh nghiệp”, “sẽ được biết đến rộng rãi như một tổ chức nghiên cứu công nghiệp và những công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ sinh học nghĩ đến VKIST khi gặp vấn đề trong sản xuất” - đó là “thương hiệu” mà ông mong muốn xây dựng cho VKIST, điều mà KIST đã thành công ở Hàn Quốc.
VKIST đã tích cực triển khai các hoạt động nghiên cứu từ các đề tài của Bộ và đề tài cấp Nhà nước, từ đó tự chủ được 31,3% trong cơ cấu nguồn chi lương. Cùng với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn ODA, trong năm 2020, mức lương chi trả cho nhân viên của Viện cao gấp 5,4 lần mức lương cơ bản theo quy định của nhà nước đối với một viên chức - đây là một con số khá đáng kể nhưng vẫn chưa là gì so với tiềm năng thực tế của Viện trong tương lai cũng như không phải mục tiêu chính cho sự tồn tại của VKIST.
Rõ ràng những gì mà VKIST làm được khá mờ nhạt so với kỳ vọng lúc ban đầu. Bản thân VKIST cũng chưa định hình thành một mô hình quản lý khoa học mới để các viện nghiên cứu khác trong nước có thể học hỏi. Sự mờ nhạt này có thể bắt nguồn một phần từ việc thời gian qua VKIST phải tập trung xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, lắp đặt trang thiết bị, nhưng phần lớn là bởi VKIST không tuyển được người ở những vị trí quan trọng trong khối nghiên cứu, chưa thu hút được những nhà khoa học thực sự giỏi để đảm trách những đề tài hợp tác lớn.
Vì sao lại như vậy? Câu trả lời chỉ gói gọn trong từ “cơ chế” - đó là “thứ đang cản trở chúng ta rất nhiều”, như lời mà GS. Trương Nam Hải (Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) - thành viên của Hội đồng VKIST nhận xét tại kỳ họp. Ngay trong báo cáo tổng kết hoạt động 5 năm của VKIST, họ cũng dè dặt nêu vấn đề “Cơ chế đặc thù về tự chủ về tổ chức và tài chính chưa phát huy nhiều tính tích cực. Các hoạt động nghiên cứu khoa học tuy có tích cực nhưng là thử nghiệm ban đầu cho mô hình nghiên cứu thân thiện và chuyên nghiệp, chưa thể cho hiệu quả ngay lập tức”.
Ở đâu một cơ chế đặc thù?
Ngay từ ban đầu, nhà nước đã xác định xây dựng VKIST như một hình mẫu lý tưởng về viện nghiên cứu ứng dụng liên ngành với những chính sách cho phép nó vận hành theo cơ chế tự chủ, qua đó góp phần tác động đến tiến trình cải cách các viện nghiên cứu khác trong nước như kỳ vọng của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong lễ khai trương VKIST vào năm 2017 “Chúng ta cần phải thay đổi cơ chế quản lý, quản trị trong định hướng nghiên cứu để làm sao đưa khoa học vào đời sống. Do đó chúng ta cần một tổ chức KH&CN mới không chỉ để giải quyết vấn đề trước mắt mà còn để hình thành một nếp nghiên cứu mới, thiết lập một mạng lưới nghiên cứu và vận hành nó theo cách mới”.
Theo những gì diễn ra trên thực tế thì VKIST “lai giữa một Viện nghiên cứu khoa học đơn thuần và một doanh nghiệp đứng đằng sau”, TS. Đỗ Tuấn Đạt (Giám đốc Vabiotech), một thành viên của Hội đồng khoa học, phân tích tại cuộc họp. Thêm vào đó, VKIST còn có mối liên hệ với Hàn Quốc, điều này khiến nó không phải là một Viện nghiên cứu công lập bình thường, và lại càng không thể hoạt động theo cơ chế tài chính thông thường của nhà nước. Như vậy, “để tương xứng, cơ chế hoạt động của nó phải ‘lai’ giữa một cơ chế đặc biệt kết hợp giữa cơ chế của một Viện nghiên cứu và cơ chế của một doanh nghiệp”, anh nói.
Nhưng VKIST chưa có được điều đó, mặc dù đã nỗ lực xoay xở. Những điểm khác biệt trong mô hình quản lý của VKIST với so với những mô hình quản lý của khối nhà nước, tư nhân đang tồn tại ở Việt Nam khiến họ gặp khó khăn trong cơ chế đầu tư, thủ tục hành chính, quy chế vận hành… Ví dụ, những vướng mắc về quy định hành chính trong quản lý đề tài, nhiệm vụ KH&CN của VKIST xảy ra khi TS. Kum DongWha muốn có phí quản lý nghiên cứu giống như các trường đại học ở châu Âu, Mỹ; tuy nhiên trên thực tế thì các đề tài, nhiệm vụ này phải tuân thủ các thông tư hướng dẫn của Bộ KH&CN, Bộ Tài chính.
Giáo sư Trương Nam Hải đã nhắc lại vấn đề này tại cuộc họp: “TS. Kum từng chia sẻ với tôi rằng khi thực hiện các hợp đồng nghiên cứu, VKIST cũng sẽ đề xuất phải trích lại vào quỹ chi phí hoạt động thường xuyên (“overhead cost”) để có thể có nguồn tài chính cho các nhà nghiên cứu VKIST. Khi ấy tôi tự hỏi liệu Bộ Tài chính có chấp nhận kiểu chi đó hay không, khi mà cùng đề tài của nhà nước, nhưng ở chỗ này thì hoạt động theo quy chế nhà nước, chỗ kia thì theo cơ chế nội bộ?” Hiện tại, VKIST vẫn đang loay hoay và chưa thể áp dụng một cơ chế hợp lý nào. Vì vậy, ông nói thêm, “tôi mong VKIST sẽ là nơi giải được bài toán quản lý đề tài nội bộ. Nếu thành công, mô hình sandbox này sẽ mở khóa cho những đề tài khác nữa”.
Các nhà quản lý ở Bộ KH&CN cũng suy nghĩ về vấn đề này. Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho rằng, nếu theo quy định hiện hành là chỉ có 5% chi phí từ đề tài dành cho “overhead” thì “quá vô lý, vừa không đủ để trả cho bộ máy quản lý mà cũng không công bằng”.
Một hai năm trước, một tổ công tác gồm đại diện Bộ KH&CN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ cùng với VKIST đã được thành lập để có thể giúp VKIST “gỡ rối” chính sách nhưng đến giờ cũng chưa thể giải quyết được rốt ráo vấn đề này.
“Cái cần nhất bây giờ với VKIST là một cơ chế tài chính và cơ chế làm việc ổn định”, GS.TS Lê Huy Hàm (Viện Di truyền nông nghiệp, thành viên hội đồng VKIST) chia sẻ. Chính những điều kiện này là cơ sở để VKIST thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao như cách Hội đồng khoa học mong muốn. Tuy nhiên sự chưa rõ ràng về cơ chế khiến VKIST không đủ khả năng để quy tụ người giỏi. Hiện tại VKIST đang thiếu hụt nhân lực: họ chỉ có 63 người - trong đó có 36 nhà nghiên cứu trong khi đặt mục tiêu đến tháng 12 năm nay sẽ tăng lên thành 100 người - trong đó có 52 nhà nghiên cứu.
Đây là vòng luẩn quẩn mà VKIST không thể tự mình gỡ ra: cơ chế quản lý, cơ chế tài chính chưa phù hợp khiến không thể có cơ chế trả lương không phù hợp, không có cơ chế lương bổng phù hợp nên không tuyển được người, không tuyển được người nên không thể triển khai nghiên cứu và khó đề đạt việc hoàn thiện cơ chế chính sách… GS. Trương Nam Hải nhấn mạnh. Việc trả lương để giữ chân các nhà khoa học là điều vô cùng quan trọng, khi mà VKIST phải cạnh tranh với sức hút của cơ chế thông thoáng và rộng rãi về đãi ngộ của các doanh nghiệp như Phenikaa, Vingroup.
Câu hỏi làm thế nào để biến VKIST thực sự trở thành một mô hình mới, một sandbox và một “incubator” (vườn ươm) cho cơ chế mới cũng là điều mà Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt vẫn luôn trăn trở. “Trước đây, tôi đã trao đổi với TS. Kum Dongwha về việc chúng ta cần một cơ chế tài chính linh hoạt để thu hút và giữ chân các nhà khoa học. Trong giai đoạn 5 năm tới, chúng ta sẽ cần hiện thực hóa nó, chỉ như thế VKIST mới thực sự trở thành hình mẫu mở đường cho các Viện nghiên cứu khác”.
Để đạt được kết quả như kỳ vọng, các nhà khoa học mong muốn nhà nước thí điểm một mô hình linh hoạt cho VKIST chứ không nhất thiết phải ‘áp’ theo những quy định tài chính đã có hiện tại. “VKIST là mô hình mới, vì vậy chúng ta phải tạo những điều mới cho nó - cả về mặt cơ chế và những quy định đặc thù”, TS. Đỗ Tuấn Đạt khẳng định. Nếu không, dù việc lắp đặt cơ sở vật chất hoàn thiện với những trang thiết bị hiện đại đến đâu, thì “VKIST vẫn chẳng khác gì một Viện nghiên cứu đơn thuần, và sẽ không bao giờ có thể tự chủ từ việc chuyển giao các sản phẩm công nghệ thiết thực của họ cho doanh nghiệp”.
Vì vậy, trong báo cáo tổng kết, VKIST cũng không quên đề xuất: “Việc đi đến thành công của dự án thành lập VKIST theo mô hình mới thân thiện và chuyên nghiệp với KH&CN phụ thuộc nhiều vào sự đảm bảo về tài chính, hỗ trợ Viện về chính sách, nguồn lực, con người và thủ tục hành chính trong giai đoạn tới”.
Tôi đã từng trao đổi với TS Kum Dongwha về việc chúng ta cần một cơ chế tài chính linh hoạt để thu hút và giữ chân các nhà khoa học. Trong giai đoạn 5 năm tới, chúng ta sẽ cần hiện thực hóa nó, chỉ như thế VKIST mới thực sự trở thành hình mẫu mở đường cho các viện nghiên cứu khác.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt |
Dự án ODA kết thúc vào cuối năm 2021. Giai đoạn 2, dự án vẫn sẽ được triển khai theo hình thức dự án ODA không hoàn lại, thời hạn triển khai dự án là 5 năm (2022-2026), với ngân sách dự kiến cho giai đoạn 2 này là 45 triệu USD. Trong đó, nguồn vốn ODA từ phía Hàn Quốc là 30 triệu USD và 15 triệu USD từ phía VN. Giai đoạn 2, VKIST đặt ra mục đích là tạo cơ sở vững chắc cho sự tăng trưởng, đẩy nhanh quy hoạch tổng thể trở thành một viện nghiên cứu công nghệ dẫn đầu trong khu vực, đồng thời mở rộng quy mô một cách hợp lý để đảm bảo đủ thiết bị nghiên cứu hiện đại, xây dựng hệ thống ký túc xá và trung tâm thể thao cho Viện. Thêm vào đó, xây dựng chương trình đào tạo sau ĐH để nâng cao năng lực cho các nhà khoa học ở việt nam.
Theo báo cáo của TS. Phương Thiện Thương (Trưởng phòng Công nghệ sinh học, Viện VKIST), mục tiêu chung của Viện trong giai đoạn 5 năm tiếp theo là “hoàn thiện tổ chức và tạo dựng được môi trường thân thiện với nghiên cứu khoa học, tiếp tục tiến hành nghiên cứu và bước đầu tạo dựng được uy tín với doanh nghiệp…”. Bên cạnh đó, mục tiêu cụ thể của Viện là thiết lập thêm 4 phòng thí nghiệm ở bốn lĩnh vực ưu tiên, gồm công nghệ thực phẩm, vật liệu tiên tiến, công nghệ môi trường, kỹ thuật y sinh; tạo ra 10 sản phẩm sở hữu trí tuệ (bao gồm sáng chế và giải pháp hữu ích); tạo ra 1 sản phẩm với giá trị gia tăng cao thay thế sản phẩm nhập khẩu hoặc tạo ra một sản phẩm quốc gia; chuyển giao được năm kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp.
PGS. TS Phương Thiện Thương, Trưởng phòng Công nghệ sinh học tại Phòng thí nghiệm ở Hàn Quốc. (Ảnh: VKIST).
|