Sau hơn 30 năm Đổi mới (1986), từ chỗ đói kém, đóng kín rồi vươn lên trở thành một nền kinh tế thu nhập trung bình và đang ngày càng mở, giấc mơ “con hổ châu Á” đã luôn không ngừng theo đuổi và thôi thúc tâm trí của nhiều người Việt.
Liệu Việt Nam có khả năng tiếp bước các nền kinh tế thần kỳ Đông Á trong nửa sau của thế kỷ 20 như Nhật Bản, nhóm Tứ Hổ (Hàn Quốc, Đài Loan, Hongkong, Singapore) và sau này là Trung Quốc? Một số nhận định lạc quan, như của Goldman Sach và Economist Intelligence Unit (EIU), đều tin điều này là hoàn toàn có thể khi dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng thuộc loại nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2015 – 2050, đồng thời xếp Việt Nam vào nhóm Next 11 hay CIVETS cùng với Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, … Trong khi một phân tích thận trọng hơn trên The Econmist (2016) lại chỉ ra, để tiến bước theo lộ trình mà Hàn Quốc hay Đài Loan đã đi hồi thập niên 1970 – 1980, Việt Nam cần thiết phải duy trì được tốc độ tăng GDP thực, trung bình bằng hoặc trên 7% suốt hơn một thập kỷ tới, nếu không khả năng cao sẽ đi vào vết xe đổ của nhiều nền kinh tế Mỹ Latinh (trong cùng thời điểm) khi tăng trưởng tụt xuống dưới 4%/năm. Xét trên tiêu chí này, trong suốt gần 30 năm (1986 – 2014), chúng ta đã đạt được mức tăng khoảng 5,6%/năm - khá tốt nhưng chưa đủ để tạo ra đột phá.
Trong bài báo “Vietnam: The next Asian Tiger?” đăng trên tạp chí North American Journal of Economics and Finance, hai tác giả Tom Barker và Murat Üngör đã đi sâu vào phân tích các yếu tố thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng (kể từ sau Đổi mới) trong tương quan so sánh với một số quốc gia, nhất là Trung Quốc – nước có mô hình thể chế khá giống với Việt Nam nhưng mở cửa trước gần một thập kỷ (từ năm 1978 theo đường lối của Đặng Tiểu Bình), từ đó phát hiện thêm một số nghịch lý thú vị.
Thứ nhất, sau khi mổ xẻ các thành tố (component) ảnh hưởng đến GDP đầu người (GDP per capita), bao gồm năng suất lao động (labor productivity), tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động và tỷ lệ người lao động có công ăn việc làm, Barker và Üngör nhận thấy: trong lúc GDP đầu người của Việt Nam (giai đoạn 1986 – 2014) đã được cải thiện đáng kể thì tốc độ tăng năng suất lại không thật sự ấn tượng bằng. Cụ thể, nếu như lợi tức bình quân của một lao động Việt Nam năm 1986 chỉ bằng khoảng 3,6% của Mỹ nhưng sang đến năm 2014 đã tăng lên 8,6% thì ngược lại, các tính toán dựa trên TFP (total factor productivity hay năng suất tổng yếu tố), vốn vật lý (physical capital) và vốn con người cũng chỉ ra, tỷ suất vốn/đầu ra (capital – output ratio, càng thấp càng tốt) của Việt Nam trong giai đoạn 1970 – 1985 đã giảm từ 1,7 xuống 1,3 (mặc dù đất nước khi ấy bị chiến tranh tàn phá) trước khi tăng trở lại, từ 1,3 (1985) lên 1,7 (1997), rồi tăng mạnh lên 2,0 (năm 2003) và 2,7 (năm 2014) bất chấp chủ trương hội nhập, khuyến khích thu hút FDI và tăng trưởng xuất khẩu. Chi tiết hơn, như xem trên Biểu đồ thì mức tăng TFP của Việt Nam là rất thấp, thậm chí còn giảm mạnh trong giai đoạn 1997 – 2014, khiến chất lượng tăng trưởng không tránh khỏi bị hoài nghi.
Thứ hai, mặc dù đã chứng kiến một sự chuyển dịch cơ cấu đáng kể trong suốt 30 năm qua, song khu vực nông nghiệp vẫn đang chiếm một tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế Việt Nam, khi đóng góp tới 1/3 GDP và thu hút khoảng gần một nửa lực lượng lao động (cao hơn nhiều so với các nước phát triển, thường thấp hơn 5%). Bằng một mô hình cân bằng tổng thể (general equilibrium model) hai thành phần (two-sector) được xây dựng để đánh giá hiện tượng giải nông nghiệp (de-agriculturalization) tại Việt Nam trong quá trình tăng trưởng năng suất cộng gộp (aggregate labor productivity) ở cả hai khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, bên cạnh những phân tích định lượng dựa trên nền tảng khung lý thuyết (theoretical framework), các tác giả đã chứng minh rằng hiệu quả của quá trình giải nông nghiệp ở Việt Nam là kém ấn tượng hơn nhiều so với Trung Quốc. Cụ thể, nếu tốc độ tăng năng suất cộng gộp trung bình của Trung Quốc trong giai đoạn 1990 – 2013 ở cả hai khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp lần lượt là 6,2% và 5,1%/năm, thì con số của Việt Nam chỉ khiêm tốn ở mức 3,4% và 3,1%; Ngoài ra, các tính toán giả định khác cũng chỉ ra, nếu Việt Nam đã theo kịp tốc độ tăng năng suất của Trung Quốc thì tỷ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp (năm 2013) có thể phải giảm xuống chỉ còn 32% thay vì 46,6%. Phát hiện này cũng là để gợi ý rằng Việt Nam nên điều chỉnh chính sách để thúc đẩy tăng năng suất thành phần (sectoral productivity) một cách hài hòa, thay vì chỉ quá ưu tiên cho một khu vực.
Barker và Üngör nhận định, tăng trưởng của Việt Nam trong hơn hai thập niên qua đã dựa dẫm quá nhiều vào tích lũy nhân tố (chủ yếu là vốn), dẫn tới chất lượng tăng trưởng thấp và không thể phát huy được hết tiềm năng của đất nước. Vì vậy, thách thức đặt ra là liệu Việt Nam có thể chuyển đổi thành công sang một lộ trình phát triển mới dựa trên tăng trưởng năng suất, như phát biểu kinh điển của Paul Krugman: “Năng suất không phải là tất cả, nhưng về lâu dài thì lại gần như là tất cả”. Có thể nói, mô hình phát triển đưa Việt Nam lên vị thế của một nước thu nhập trung bình thấp giờ đây đã không còn phù hợp, nếu muốn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, ở mức trên 7%, bắt buộc chúng ta phải tìm cách cải thiện năng lực sản xuất và công nghệ – điều mà chỉ chính sách cố gắng thu hút thật nhiều FDI và trở thành cứ điểm toàn cầu của một vài tên tuổi như Samsung không thôi là chưa đủ.
Mặc dù vậy, dẫu còn nhiều hạn chế song những thành quả kinh tế của Việt Nam sau hơn ba thập niên là không thể phủ nhận và xứng đáng để được nghiên cứu kỹ lưỡng theo một cách có hệ thống, đặc biệt là khi thế giới còn đang kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm trở thành một công xưởng hay thậm chí là powerhouse (đầu máy tăng trưởng) toàn cầu trong bối cảnh đất nước đang mất dần một số lợi thế liên quan đến lao động giá rẻ và dân số trẻ, bên cạnh phương án China+ mà các nhà đầu tư phương Tây đang tính tới để san sẻ bớt rủi ro.
Trước khi tiến vào lộ trình trở thành một con hổ châu Á mới, có lẽ Việt Nam cần phải vượt qua chướng ngại lớn nhất là nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình (middle income trap) – điều mà hầu hết các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Thái Lan, Philippines hay Indonesia … đều đang gặp phải. Chìa khoá ở đây bắt buộc phải tới từ quyết tâm cải cách thể chế toàn diện và mạnh mẽ. |