Sản phẩm S-tracking của Viettel có thể là một công cụ quản lý hữu hiệu cho các tỉnh duyên hải để Việt Nam thoát khỏi thẻ vàng của EC nhưng người dân lại không mặn mà với nó.
Cuối tháng 10/2017, Ủy ban Châu Âu áp dụng “thẻ vàng” cho Việt Nam sau nhiều năm cảnh báo việc đánh bắt thủy hải sản trái phép. Chỉ riêng trong năm 2017 đã có gần 500 ngư dân bị bắt giữ vì vi phạm hải phận các nước khác (1). Mỗi thẻ vàng thường kéo dài trong vòng 6 tháng nhưng Việt Nam đã bị gia hạn thêm 6 tháng nữa. Nếu tình hình không có gì cải thiện, Việt Nam có thể phải nhận “thẻ đỏ”, đồng nghĩa với việc không chỉ mất đi châu Âu, thị trường chiếm gần 20% thủy sản xuất khẩu của nước ta mà còn “mang tiếng” với các thị trường khác. (2)
Cách duy nhất để giải quyết vấn đề này hiện nay là toàn bộ hơn 30.000 con tàu (3) đang đánh bắt xa bờ phải cài đặt thiết bị định vị để chứng minh cho cơ quan chức năng về hành trình đi biển của họ. Về cơ chế hoạt động, thiết bị này cũng giống như thiết bị hành trình trên đường bộ nhưng vì đặc tính ở ngoài 100 km bờ biển sẽ không có sóng điện thoại cũng như sóng wifi, 3G, 4G nên thiết bị này sẽ sử dụng sóng vệ tinh hoặc sóng HF (cao tần) để gửi tín hiệu về tọa độ của tàu cho các cơ quan chức năng.
Sản xuất một thiết bị truyền – phát tín hiệu như vậy, gần như nằm trong tầm khả năng của Viettel. Công ty này hiện nay đã làm chủ được thiết kế phần cứng và phần mềm của hầu hết các thiết bị viễn thông trong đó có điện thoại smartphone và bộ đàm dùng trong quân sự, Viettel cũng có nhà máy để hàn – dán mạch điện tử và sản xuất phần vỏ cơ khí của chúng. Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên rằng Công ty này đã rục rịch chuẩn bị cho dự án này từ đầu năm 2017 và cho ra mắt sản phẩm S-tracking vào tháng 10/2018.
Trước S-tracking, Chính phủ Việt Nam cũng đã có động thái hạn chế vấn đề vi phạm hải phận. Từ năm 2010, Bộ NN&PTNT đã có chính sách hỗ trợ hàng chục triệu cho mỗi chuyến biển mỗi tàu với điều kiện phải lắp đặt thiết bị có chức năng định vị VX – 1700 của Nhật. Sau đó, trong ba năm 2011-2013, Chính phủ Việt Nam đã ký kết với Cộng hòa Pháp triển khai dự án Movimar, một dự án ODA nhằm lắp đặt các thiết bị giám sát sử dụng công nghệ vệ tinh của công ty CLS, thuộc cơ quan Hàng không vũ trụ quốc gia Pháp cho 3000 tàu thuyền dài trên 15m trên khắp cả nước hoàn toàn miễn phí.
Nhưng hai dự án này đều không thành công như mong đợi. Ngư dân không muốn sử dụng chúng, họ tắt nguồn, rút ăng ten của thiết bị để có thể tùy nghi đánh bắt, thậm chí vượt hải phận vì hải sản của Việt Nam đã bị khai thác cạn kiệt (Trên thực tế, 90% hải sản trên thế giới đang bị khai thác triệt để và có nguy cơ bị tận diệt) và họ cũng không muốn bị phát hiện ngư trường – nguồn sống của họ. Trong khi đó, hai thiết bị VX-1700 và Movimar đều ít nhiều cần sự hợp tác của người dân, VX-1700 thì cần nhấn nút để gửi tọa độ còn Movimar thì sử dụng nguồn điện ở trên tàu. Ngoài ra VX-1700 sử dụng sóng HF nên chất lượng truyền thông tin rất hạn chế và vì HF là sóng dùng chung nên nếu nhiều thiết bị cùng đồng loạt ấn nút sẽ bị nghẽn đường truyền. Hơn nữa, ở thời điểm đó, cũng không có một cơ chế nào bắt buộc các tàu phải sử dụng các thiết bị này.
S-tracking không phải là bài toán phức tạp về mặt công nghệ, mà là bài toán khách hàng, làm sao để thuyết phục người dân “tiếp nhận sản phẩm một cách vui vẻ” và để họ thấy những lợi ích trực tiếp hơn từ sản phẩm
Chính vì thế, S-tracking được thiết kế để hạn chế sự bất hợp tác của người dân: tất cả mọi linh kiện, kể cả ăng ten, đều được đặt trong một hộp kín chống nước, chống bụi và sử dụng ốc vít rất khó mở, thiết bị sử dụng nguồn năng lượng mặt trời và kể cả khi đặt trong bóng tối cũng có pin dự trữ có thể duy trì thiết bị trong 30 ngày – bằng thời gian một chuyến biển. Cứ 90 phút một lần, S-tracking lại tự động gửi tọa độ của tàu về cho các cơ quan chức năng. Trên màn hình của các cơ quan quản lý, Viettel thiết kế phần mềm để họ có thể thấy bản đồ vị trí của tất cả các tàu và nhấp chuột vào tàu nào trên màn hình thì thông tin của tàu đó lại hiện ra và sẽ có còi báo hiệu khi tàu vượt hải phận hoặc khi thiết bị sắp cạn nguồn. Sản phẩm của Viettel cũng ra đời vào “đúng thời điểm” tỉnh Cà Mau đưa ra một quyết định cứng rắn: tàu nào không lắp thiết bị giám sát hành trình sẽ không cho ra khơi hoặc đăng ký, đăng kiểm. Cũng không có gì ngạc nhiên khi S-tracking ra đời từ lời đặt hàng của Viettel Cà Mau đồng thời thử nghiệm ở tỉnh này đầu tiên, với 300 thiết bị đã được bán ra.
Mặc dù là một công cụ quản lý hữu hiệu dành cho cơ quan quản lý nhưng S-tracking là do người dân trực tiếp bỏ tiền ra để mua thiết bị với cái giá khoảng 20 triệu đồng (mặc dù đó là cái giá rẻ nhất trên thị trường nhưng vẫn là khoản tiền lớn đối với ngư dân). Chị Nguyễn Minh Khánh Ngọc, trưởng nhóm dự án này của Viettel chia sẻ rằng, khi nhóm tác giả đi khảo sát, ban đầu, người dân tỏ ra rất khó chịu khi phải lắp đặt thiết bị, họ chỉ mua một cách miễn cưỡng, đối phó với chế tài của tỉnh Cà Mau để được tiếp tục ra khơi.
Ở một khía cạnh nào đó, thiết bị này có thể giúp Việt Nam thoát khỏi thẻ vàng và vì thế gián tiếp giúp ngư dân bán và xuất khẩu thủy sản nhưng điều đó không dễ nhận ra. Với đội ngũ kĩ sư của Viettel, S-tracking không phải là bài toán phức tạp về mặt công nghệ, mà là bài toán khách hàng, làm sao để thuyết phục người dân “tiếp nhận sản phẩm một cách vui vẻ” và để họ thấy những lợi ích trực tiếp hơn từ sản phẩm. Hơn nữa, mặc dù Luật Thủy sản năm 2017 (mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2019) yêu cầu tất cả các tàu cá trên 15m phải có thiết bị giám sát hành trình nhưng chưa tỉnh nào có chế tài cho việc này, để Viettel mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh Cà Mau, sản phẩm của họ cần phải có những tính năng đặc biệt thì mới khuyến khích được họ sử dụng. Chưa kể, Viettel cũng sẽ phải cạnh tranh với những đối thủ mới xuất hiện với các sản phẩm tương tự từ VNPT và Zunibal (một hãng chuyên về các thiết bị hàng hải ở Tây Ban Nha) ra mắt vào năm 2018.
Ngay từ những phiên bản ban đầu bán ra thị trường, đội ngũ kỹ sư của Viettel đã tích hợp những chức năng đơn giản nhưng gần gũi với nhu cầu của ngư dân vào S-tracking. Ví dụ như, sản phẩm có tích hợp loa để cơ quan quản lý, có thể thông báo và cảnh báo nguy hiểm cho ngư dân. Thiết bị này cũng đi kèm với một ứng dụng trên điện thoại để người dân có thể kết nối Bluetooth với S-tracking và dùng sóng vệ tinh để nhắn tin về bờ. Ứng dụng này cũng tích hợp cả mẫu điền nhật kí khai thác, có sẵn vị trí và tọa độ của tàu, người dân chỉ cần điền loại thủy sản và khối lượng đánh bắt, tiện hơn ghi trên giấy như trước đây. Những kĩ sư của Viettel ban đầu cũng tới tận nơi hướng dẫn các chủ tàu (những người này không trực tiếp ra khơi, mà thuê thuyền viên và thuyền trưởng để đánh bắt thủy hải sản rồi về chia lợi nhuận) cách sử dụng thiết bị để theo dõi và nhắn tin trao đổi với tàu của mình bởi nếu có chuyện gì xảy ra, chính họ phải là người chịu phạt và trả tiền để chuộc nhân viên của mình từ cảnh sát biển nước ngoài.
“Bây giờ sản phẩm vẫn còn nhiều ấp ủ từ S-tracking lắm” – Chị Khánh Ngọc chia sẻ. Chị kì vọng sản phẩm có thể dung hòa được mong muốn giữa người dân và chính quyền trong thiết bị này “mình sẽ tạo thêm nhiều cái lợi cho người dân nữa, thay vì chỉ là cái hộp đen để người dân họ lắp cho chính quyền xem”.
Mặc dù được tung ra thị trường đầu tiên, nhưng S-tracking không phải là sản phẩm hàng hải đầu tiên mà nhóm dự án của chị Khánh Ngọc triển khai. Ý tưởng ban đầu của họ là tạo ra sản phẩm thông tin liên lạc MF/HF để người dân có thể trò chuyện với đất liền qua điện thoại và nếu cần giám sát hành trình sẽ tích hợp thêm chức năng thu sóng vệ tinh. Máy thông tin liên lạc MF/HF là sản phẩm thiết yếu với người dân nhưng sẽ là một thách thức lớn đối với Viettel, khi họ phải vượt qua “người khổng lồ” ICOM của Nhật đã được người dân mua và sử dụng hàng chục năm nay, tới mức “Người ta không nói máy thông tin MF/HF mà nói là ICOM như xe máy mình gọi là Honda vậy” – chị Ngọc nói.
Đội ngũ kĩ sư đang thử nghiệm chức năng mã hóa cuộc gọi. Sóng MF/HF là sóng miễn phí và dùng chung, nên nếu người này có thể nghe được cuộc nói chuyện của người khác, nếu dò đúng tần số của họ. Bởi vậy, nếu một gia đình mua hai thiết bị này của Viettel (một thiết bị ở trên bờ, một thiết bị ở trên tàu), thì có thể bảo mật được cuộc gọi của mình. Nhưng những trường hợp gia đình có điều kiện như vậy không nhiều (cả về kinh tế và không gian lắp đặt ăng ten). Thông thường, mỗi khi muốn trò chuyện với người trên tàu, người ở nhà phải trực sẵn ở đài duyên hải, giống như gọi điện thoại bàn. Ý tưởng của Viettel là chỉ cần lưu số điện thoại di động người nhà vào máy trên bờ và khi người ngoài biển gọi về, thiết bị sẽ tự động chuyển tới di động của người ở nhà, cho phép họ có thể trò chuyện khi ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, chức năng này mới ở giai đoạn thử nghiệm. Dự kiến là trong năm nay, thiết bị này sẽ bắt đầu được thương mại hóa. |
Chú thích:
1. https://baomoi.com/gan-600-ngu-dan-viet-nam-bi-bat-giu-vi-vi-pham-lanh-hai-danh-bat/c/27130900.epi
2. http://seafood.vasep.com.vn/sach-trang-en.pdf
3. https://www.globalpolicyjournal.com/blog/09/05/2018/eu-carding-forcing-vietnam-address-illegal-fishing