Trong một bài bình luận mới đây, tạp chí Nature nhận định rằng, nước Mỹ không thể tiếp tục duy trì các chính sách chống đại dịch bất thường, không hiệu quả và không mạch lạc mà họ đã phải chịu đựng dưới thời Trump; đồng thời khuyến nghị các hoạt động mà chính quyền Biden nên thực hiện để tăng cường vai trò của khoa học trong chính sách của Mỹ.

Trong một phòng thí nghiệm sinh học ở Mỹ.
Trong một phòng thí nghiệm sinh học ở Mỹ.

Cơ quan điều phối chính sách chống đại dịch Covid-19

Lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của tổng thống Trump, bề ngoài là hướng dẫn phản ứng của chính quyền đối với đại dịch, nhưng thực tế có rất ít quyền hạn và không có trách nhiệm giải trình. Thay vào đó, tờ Nature gợi ý Biden có thể lựa chọn Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ Nhà Trắng (OSTP), được thành lập vào năm 1976 để cố vấn cho tổng thống và điều phối các cơ quan khoa học liên bang. Mặc dù OSTP chủ yếu tập trung vào việc quyết định kinh phí nghiên cứu, nhưng lịch sử và nhiệm vụ của tổ chức này phù hợp với việc điều phối hoạt động trên phạm vi quốc gia nhằm ứng phó với Covid-19.

OSTP có khả năng điều phối các cơ quan và đã từng đưa ra các chính sách phối hợp trước đây. Ngoài ra, OSTP cũng sẽ là một khởi đầu mới cho ứng phó với đại dịch, vì dưới thời Trump cơ quan này ít vai trò rõ ràng và do đó, không giống như các cơ quan y tế công cộng liên bang, ít bị chính trị hóa hơn.

Cuối cùng, OSTP nằm trong Nhà Trắng nhưng cũng phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, với một giám đốc được Thượng viện chấp thuận. Có nghĩa là cơ quan này gần gũi với tổng thống, nhưng vẫn chịu sự giám sát của quốc hội, không giống như lực lượng đặc nhiệm Covid-19 của Tổng thống Trump nằm hoàn toàn dưới quyền tổng thống.


Dưới thời của tổng thống Trump, các khuyến nghị khoa học thường bị lờ đi hoặc tệ hơn là bị thao túng để đạt được mục đích chính trị.

Quy trình cố vấn độc lập hơn

Mỹ có sẵn nhiều ủy ban cố vấn, Chính phủ Mỹ liệt kê hơn 1.000 cơ quan đang hoạt động theo Đạo luật Ủy ban Cố vấn Liên bang. Tuy nhiên Tổng thống Biden và OSTP cần phải đảm bảo rằng các ủy ban tư vấn bao gồm các chuyên gia độc lập được lựa chọn dựa trên năng lực, có vai trò rõ ràng và lời khuyên của các ủy ban đến được với những cơ quan ra quyết định trong lĩnh vực tương ứng - từ sức khỏe cộng đồng đến bảo vệ môi trường.

Chuyên gia trong các ủy ban cố vấn nên được lựa chọn bởi các hội đồng lưỡng đảng, chứ không được bổ nhiệm về chức vụ chính trị. Và những người nắm giữ các vị trí được bổ nhiệm không bao giờ được thay đổi hoặc chỉnh sửa các báo cáo hoặc khuyến nghị của các ủy ban cố vấn khoa học.

Những cải cách như vậy sẽ trao quyền cho các chuyên gia độc lập nhiều hơn so với các quan chức hành chính. Và theo Nature, đây sẽ là một điểm tích cực. Mặc dù, việc có khuyến nghị độc lập không có nghĩa là những người làm chính sách sẽ luôn chú ý đến nó; chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã nhiều lần ra quyết định trái với khuyến nghị của các chuyên gia cố vấn, chẳng hạn như từ chối lời khuyên của chuyên gia vào năm 2016 về việc tăng cường các quy định về tầng ozone. Tuy nhiên, như Biden đã nói, những người ra quyết định có nghĩa vụ “lắng nghe các nhà khoa học”.

Hỗ trợ các trường đại học công lập

Hệ thống đại học công lập của Mỹ đã bị cắt giảm ngân sách mạnh trong thời kỳ đại dịch, và có vẻ như sẽ không có các gói cứu trợ. Hơn nữa, khủng hoảng này kéo đến sau khi các bang đã cắt giảm hỗ trợ cho các trường đại học nhiều thập kỷ. Trung bình, theo Học viện Khoa học và Nghệ thuật Mỹ, trong giai đoạn năm 2000 đến năm 2014, các tiểu bang cắt giảm 30% ngân sách tính bình quân trên mỗi sinh viên - dẫn đến học phí và lệ phí tăng cao, các trường phụ thuộc nhiều hơn vào học phí ngoài tiểu bang để thay thế ngân sách từ tiểu bang, và các khoản sinh viên vay nợ tăng mạnh. Một số sinh viên rơi vào hoàn cảnh bất lợi, một báo cáo gần đây của tổ chức Education Trust cho thấy sinh viên da đen khó tiếp cận 75% trong số 101 trường đại học hàng đầu của Mỹ.

Nature khuyến nghị Chính phủ liên bang nên hỗ trợ về năng lực tài chính cho các trường đại học công lập, và thậm chí có thể cung cấp các gói tài trợ phục hồi tạm thời. Đổi lại, Chính phủ có thể yêu cầu các trường đưa ra các kế hoạch tăng cường sự đa dạng trong cộng đồng sinh viên, giảng viên và nhà nghiên cứu.

Có ý kiến phản biện cho rằng những vấn đề như vậy không phải là mối quan tâm của chính phủ liên bang. Tuy nhiên, dữ liệu chỉ ra rằng những vấn đề này có ý nghĩa hệ thống và mang tính quốc gia. Có rất nhiều tiền lệ về vai trò liên bang trong chính sách giáo dục đại học, kể từ Đạo luật Giáo dục Đại học năm 1965.

Tái cấu trúc tài trợ khoa học

Bất chấp nỗ lực cắt giảm đầu tư khoa học của chính quyền Trump, trong vài năm qua Quốc hội Mỹ vẫn đảm bảo rằng nguồn tài trợ liên bang cho nghiên cứu và phát triển tăng hơn 20% từ năm 2017 đến năm 2020. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chỉ đứng thứ mười về đầu tư nghiên cứu và phát triển trong số các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) (tính theo phần trăm tổng sản phẩm quốc nội), và tỷ trọng của chính phủ liên bang (trong phân chia đầu tư công - tư) đã giảm đều đặn trong những thập kỷ gần đây.

Các đề xuất chính sách từ nhóm của Biden và một số dự luật lưỡng đảng trong Quốc hội cho thấy rằng kinh phí nghiên cứu và phát triển của liên bang sẽ tăng lên đáng kể. Tuy nhiên cần lưu ý gia tăng đầu tư phải đi kèm với thay đổi các ưu tiên trọng tâm nghiên cứu. Không nên tăng đầu tư đều đặn giữa các lĩnh vực dựa theo mức ngân sách trước đó, như các tổng thống thường đưa ra. Thay vào đó, cần phải dành ưu tiên cho các mục tiêu chính sách quốc gia, ngoài kiến thức khoa học cơ bản.

Ví dụ, để đạt được mức phát thải carbon dioxide ròng từ điện than bằng 0 sẽ đòi hỏi một kỷ nguyên mới của hợp tác liên bang, liên ngành nhằm đổi mới công nghệ năng lượng bền vững. Các ưu tiên khác nên bao gồm nghiên cứu và phát triển để giúp người Mỹ phục hồi sau đại dịch, thảm họa kinh tế, và giảm sự bất bình đẳng có hệ thống.

Cộng đồng nghiên cứu hàn lâm thường nhấn mạnh đến nghiên cứu cơ bản hơn là khoa học hướng vào việc giải quyết các thách thức xã hội. Để có được sự ủng hộ của các nhà nghiên cứu đối với các “sứ mệnh khoa học”, chính quyền Biden cũng sẽ cần đảm bảo nguồn tài trợ đều đặn cho nghiên cứu cơ bản.

Những thách thức mà chính quyền Biden phải đối mặt là rất khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để hiện thực hóa khẩu hiện ‘xây dựng lại tốt hơn’ như Biden đã phát biểu.

Theo Nature: doi.org/10.1038/d41586-020-03148-w