Trong kỳ trước, chúng ta đã điểm qua một số kinh nghiệm quốc tế về đảm bảo tính hiệu quả và thiết thực trong tổ chức và hoạt động các tổ chức nghiên cứu công lập (GRI). Bài viết kỳ này nhìn vào thực trạng trong nước để chỉ ra những mặt hạn chế và đề xuất các kiến nghị cụ thể nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động các GRI của Việt Nam.

Kiểm tra quy trình sản xuất ống khuếch đại ánh sáng thế hệ 2+. Ảnh: VŨ DUNG.
Kiểm tra quy trình sản xuất ống khuếch đại ánh sáng thế hệ 2+. Ảnh: Vũ Dung.

Bất cân đối trong quy hoạch các GRI theo vùng, miền

Hiện nay, mạng lưới các GRI của Việt Nam chủ yếu thuộc hai viện quốc gia là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, bên cạnh đó là mạng lưới các tổ chức chuyên nghiên cứu những chuyên ngành hẹp thuộc các bộ, ngành, mạng lưới các tổ chức thuộc các trường đại học, địa phương… Số lượng các tổ chức KH&CN tăng nhiều trong những năm gần đây, phạm vi hoạt động của các tổ chức KH&CN được mở rộng từ nghiên cứu, đào tạo, đến sản xuất và dịch vụ KH&CN. Đã xuất hiện nhiều tổ chức KH&CN ngoài nhà nước, nhiều cơ sở sản xuất trong viện nghiên cứu, trường đại học, góp phần đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

Tuy nhiên chúng ta chưa có kế hoạch/chiến lược phát triển các tổ chức nghiên cứu công lập, trong đó nêu rõ đâu là lĩnh vực cần ưu tiên, quy mô, lộ trình phát triển và cách thức quản lý các tổ chức như thế nào ở tầm quốc gia. Thực tế, mỗi bộ, ngành, địa phương đều có thể thành lập và quản lý các tổ chức trực thuộc theo cách riêng của mình. Chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thường được quy định chung chung, phạm vi nghiên cứu rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực hoạt động, từ nghiên cứu đến triển khai thực nghiệm, sản xuất thử, kinh doanh dịch vụ, tư vấn, đào tạo mà không làm rõ đâu là chức năng chính và cần ưu tiên. Ngoài ra, các Bộ, ngành và các địa phương không có đủ thông tin để trao đổi và phối hợp với nhau dẫn đến hạn chế việc sử dụng sức mạnh tổng hợp và tạo ra sự trùng lặp không cần thiết trong hoạt động và phân bổ nguồn lực.

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2017 Việt Nam có 687 tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập(1) nhiều gấp 2,5 lần so với CHLB Đức (257 tổ chức) và gấp hơn 10 lần so với Hàn Quốc (50 tổ chức). Trong số 687 tổ chức, các tổ chức nghiên cứu về khoa học kỹ thuật và công nghệ chiếm tỷ lệ lớn nhất với 195 tổ chức (28,38%), tiếp theo là lĩnh vực khoa học xã hội với 165 tổ chức (24,02%), khoa học nông nghiệp đứng thứ ba với 154 tổ chức (22,42%), khoa học tự nhiên 13,97%, khoa học y dược 6,55% và cuối cùng là khoa học nhân văn 4,66%.

Theo Báo cáo Đề án “Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập đến năm 2020, định hướng 2030” của Bộ Khoa học và Công nghệ, miền Bắc là khu vực tập trung nhiều tổ chức KH&CN nhất, chiếm 81%; ở khu vực miền Bắc các tổ chức KH&CN ở Hà Nội chiếm 96,5%; tiếp theo là miền Nam, dù mật độ ngành công nghiệp cao nhất, lớn hơn Hà Nội, nhưng số tổ chức KH&CN chỉ chiếm 16% so với cả nước – 78% số các các tổ chức KH&CN của miền Nam đặt tại thành phố Hồ Chí Minh; số lượng tổ chức KH&CN ở miền Trung càng ít ỏi hơn nữa, chỉ có 10 tổ chức, chiếm 3%. Sự bất cân đối này đặt ra dấu hỏi về việc làm sao các vùng có thể nhận đủ sự hỗ trợ KH&CN mà họ cần, và có lẽ rất khó để các tổ chức KH&CN tạo thành động lực phát triển kinh tế ở các địa phương.

Nguồn lực phân bổ manh mún và thiếu tính cạnh tranh

Năm 2017, Việt Nam phân bổ 0,52% GDP, tương đương khoảng 3,36 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển, tổng số cán bộ nghiên cứu quy đổi toàn thời gian là 66.953 người(2). Nguồn lực này khá hạn chế trong khi số lượng các tổ chức nghiên cứu của Việt Nam lại quá nhiều so với những quốc gia khác, do đó tất yếu các tổ chức KH&CN của chúng ta có quy mô nhỏ và manh mún. Theo số liệu thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2017, trong số 687 tổ chức, số lượng tổ chức có dưới 30 người chiếm tỷ lệ lớn nhất 54% (371 tổ chức), tiếp đến là các tổ chức có từ 30-50 người, chiếm 17,18% (118 tổ chức), thứ ba là các tổ chức có từ 50-100 người, chiếm 14,12% và cuối cùng chỉ có 14,7% là các tổ chức trên 100 người, (101 tổ chức). Hệ quả là rất ít GRI có được năng lực tới hạn cần thiết để đạt được nhiều các kết quả nghiên cứu có đóng góp giá trị kinh tế và xã hội đáng kể.


Phần nhiều các nguồn kinh phí của nhà nước thường cấp cho các GRI thông qua quá trình không cạnh tranh, không dựa trên đánh giá kết quả đầu ra, thậm chí không ít kinh phí được giao trực tiếp cho một số tổ chức thuần túy dựa trên số lượng biên chế và vai trò lịch sử của tổ chức.


Kinh phí hoạt động của các tổ chức được hình thành từ 3 nguồn chính: (1) kinh phí chi thường xuyên và không thường xuyên; (2) kinh phí từ các đề tài, dự án và (3) kinh phí từ các hoạt động dịch vụ KH&CN và hoạt động khác. Tuy nhiên, nguồn thu chính của các tổ chức nghiên cứu công lập là từ ngân sách nhà nước. Thông thường các GRI tiếp cận kinh phí của nhà nước theo hai cách. Cách thứ nhất, họ nhận được kinh phí “chi thường xuyên để chi trả tiền lương cho các cán bộ và vận hành bộ máy và kinh phí không thường xuyên để chi cho cơ sở vật chất, và chi khác như chi hợp tác quốc tế. Cách thứ hai, họ nộp đề xuất lên các cơ quan cấp kinh phí xin kinh phí cho các đề tài, dự án trong một số lĩnh vực dựa trên các ưu tiên của chính phủ và năng lực liên quan của tổ chức. Điều bất cập là phần nhiều các nguồn kinh phí của nhà nước thường cấp cho các GRI thông qua quá trình không cạnh tranh, không dựa trên đánh giá kết quả đầu ra, thậm chí không ít kinh phí được giao trực tiếp cho một số tổ chức thuần túy dựa trên số lượng biên chế và vai trò lịch sử của tổ chức.

Thiếu cơ chế giám sát và đánh giá chuyên nghiệp các GRI

Căn cứ vào thẩm quyền thành lập, có thể phân các GRI theo 5 nhóm sau: (1) các GRI trực thuộc Chính phủ; (2) các GRI trực thuộc các Bộ, ngành; (3) các GRI trực thuộc các địa phương; (4) các GRI trực thuộc các trường đại học; (5) các GRI trực thuộc các công ty nhà nước. Như đã đề cập ở trên, vì chưa có văn bản mang tính chất khung quy định về quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức KH&CN ở tầm quốc gia, do đó mỗi cơ quan, bộ, ngành quản lý các GRI của mình theo cách riêng.

Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 đã quy định việc đánh giá tổ chức KH&CN nhằm mục đích:

a) Tạo cơ sở để xếp hạng tổ chức khoa học và công nghệ;

b) Phục vụ hoạt động hoạch định chính sách phát triển khoa học và công nghệ, quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ;

c) Làm cơ sở xem xét việc tuyển chọn, xét giao trực tiếp cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước, cho vay, tài trợ, bảo lãnh vốn vay của quỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành Thông tư 38/2014/TT-BKHCN quy định về đánh giá tổ chức KH&C nhưng đến nay, việc này chưa được triển khai thường xuyên và rộng rãi, thậm chí nhiều bộ, ngành không biết đến quy định này. Hằng năm, các GRI xây dựng Báo cáo tổng kết để báo cáo về kết quả hoạt động cho các cơ quan quản lý, những báo cáo này chủ yếu mang tính hành chính, chứa đựng rất ít thông tin về thành tựu cũng như tình hình hoạt động của họ vì kết quả hoạt động của các GRI chưa được đánh giá một cách cụ thể và khách quan.

Phần lớn các GRI không đặt ra các mục tiêu về kết quả hoạt động hằng năm và cũng không bị đánh giá về mặt hiệu quả hoạt động. Các GRI nhận thức rõ tầm quan trọng của việc giám sát và nâng cao hiệu quả hoạt động của họ. Tuy nhiên, hiện nay không có quy trình mang tính hệ thống để xác định các mục tiêu hoạt động của tổ chức (ví dụ: mục tiêu hằng năm) cũng như không có chương trình giám sát và đánh giá hoạt động của GRI. Hầu hết các GRI đều lưu hồ sơ thông tin về các hoạt động và kết quả đầu ra hằng năm của họ, tuy nhiên hiện vẫn chưa có quy trình thống nhất để:

• Xác định mục tiêu hằng năm và 5 năm làm cơ sở triển khai thực hiện các hoạt động ở mọi cấp trong tổ chức

• Đánh giá quá trình/kết quả đầu ra vào cuối năm theo các mục tiêu đã đề ra trước đó

• Đánh giá và xác định các hoạt động cần thực hiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức trong tương lai

• Theo dõi để xác định xem các hoạt động cải thiện có được thực hiện không và hiệu quả hoạt động có được cải thiện không.

Các GRI nhìn chung thiếu các hệ thống quản lý chuyên nghiệp

Họ vận hành tổ chức của mình với năng lực quản lý chuyên môn rất hạn chế. Năng lực quản lý tài chính, quản lý hợp đồng, quản lý nguồn nhân lực, quản lý cơ sở vật chất và quản lý chất lượng ngay cả ở các cơ sở tốt nhất cũng còn rất khiêm tốn (3). Các nhà nghiên cứu thường phải thực hiện các công việc quản lý và hành chính, những việc mà họ không được đào tạo cũng như không được trang bị đầy đủ kiến thức. Hậu quả là công tác quản lý nghiên cứu tương đối yếu kém còn các nhà nghiên cứu phải dành thời gian cho những công việc khiến họ rời xa chức năng chính của mình, đó là thực hiện nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ còn khiêm tốn

Theo tiêu chuẩn quốc tế, chỉ số được sử dụng để đo lường kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là số lượng bài báo quốc tế và số lượng bằng sáng chế. Mặc dù số lượng bài báo quốc tế và số bằng sáng chế của Việt Nam đã tăng trong những những năm gần đây, tuy nhiên kết quả vẫn chưa đạt được như mong đợi. Theo số liệu thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2019 tổng số bài báo quốc tế của Việt Nam là 12.431 bài, xếp thứ 5 trong khu vực ASEAN, sau Malaysia, Singapore, Indonesia và Thái Lan. Điều đáng lưu ý, trong tổng số 12.431 bài, có 9.573 bài (chiếm 77%) do 10 tổ chức công bố nhiều nhất (trong 10 tổ chức, có 8 trường đại học và chỉ có 2 GRI là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Khoa học và Công nghệ tính toán. Như vậy số lượng bài báo từ các trường đại học và hàng trăm GRI còn lại chỉ chiếm tỉ lệ hết sức khiêm tốn là 23%.

Mặc dù không có dữ liệu chính xác về số lượng sáng chế của các GRI nhưng có thể khẳng định con số này rất thấp, bởi theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2018 số lượng bằng sáng chế cấp cho người Việt Nam là 205(4) – bằng 1/10 so với số bằng cấp cho người nước ngoài ở Việt Nam – trong đó Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, một trong những Viện hàng đầu của Việt Nam chỉ được cấp 15 bằng(5).

Có một thực tế nữa là phần lớn những gì mà là các GRI gọi là “nghiên cứu ứng dụng” đều tập trung nhiều vào việc tiếp nhận các công nghệ đã có, hoặc vào việc tạo nguyên mẫu và chế tạo. Qua thảo luận với các GRI(6) cho thấy nhiều dự án nghiên cứu ứng dụng có hàm lượng “nghiên cứu” khá hạn chế và tập trung chủ yếu vào việc thích nghi và nâng cao các công nghệ có sẵn để sử dụng ở Việt Nam, bao gồm việc tạo mẫu và chế tạo sản phẩm. Mặc dù những dạng hoạt động này có thể đem lại giá trị cho Việt Nam, tuy nhiên có rất ít bằng chứng cho thấy các GRI có thể tập trung vào việc phát triển các công nghệ mới và các sản phẩm và dịch vụ liên quan, những hoạt động mặc dù tiềm ẩn các rủi ro nhưng lại có tiềm năng đem lại những cơ hội lớn hơn rất nhiều để tạo ra giá trị kinh tế cho Việt Nam, thường là thông qua việc tiếp cận các thị trường xuất khẩu.

Những hạn chế của GRI trong tham gia bảo hộ sở hữu trí tuệ

Chỉ một số GRI có được những cơ hội lớn để phát triển và thương mại hóa các sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao mới. Trong đó đa số đều nhận thức được tầm quan trọng và giá trị của việc tham gia vào các cơ hội này, tuy nhiên, cũng chính họ lại thừa nhận bản thân còn thiếu các kiến thức, kỹ năng và nhân lực cần thiết để thực hiện hoạt động như vậy(7). Thứ nhất, do thiếu kiến thức về thị trường thương mại, các tổ chức nghiên cứu gặp nhiều khó khăn để nắm bắt được công nghệ và sản phẩm nào đem lại giá trị thương mại lớn nhất. Thứ hai, các tổ chức này có rất ít kinh nghiệm trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (ví dụ: đăng ký bản quyền, bằng sáng chế). Thứ ba, chi phí bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với họ có thể khá tốn kém, đặc biệt nếu bảo hộ ở cấp độ quốc tế. Thứ tư, việc chuyển giao công nghệ hoặc sản phẩm mới đến thị trường thương mại thường bao gồm nhiều bước khó khăn trong việc cấp quyền sử dụng bằng sáng chế cho các doanh nghiệp nhà nước hoặc tư nhân hoặc thành lập một doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off). Do những hạn chế như vậy, các tổ chức này thường bỏ qua cơ hội bảo hộ các công nghệ hoặc sản phẩm mới, và kết quả là họ đánh mất cơ hội tạo ra giá trị kinh tế lớn.

Những kiến nghị cụ thể

1. Tái cơ cấu lại hệ thống GRI để đạt được năng lực tới hạn lớn hơn và tập trung nhiều hơn vào việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới có giá trị cao phục vụ cho phát triển khinh tế-xã hội. Chúng ta thà rằng có ít các GRI hoạt động với năng lực tới hạn trong các lĩnh vực với tiềm năng cao, hơn là có nhiều GRI không đạt được năng lực tới hạn (và nguồn lực tài chính) cần thiết để đem lại các giá trị kinh tế và xã hội mong đợi. Việc tái cơ cấu nên được thực hiện theo các bước sau: (1) Xác định những lĩnh vực khoa học công nghệ nào thực sự quan trọng đối với Việt Nam; (2) Khẩn trương cải thiện năng lực các GRI thuộc lĩnh vực đã xác định; (3) Xác định rõ các chỉ báo cho thấy cần điều chỉnh, cải thiện cơ cấu tổ chức KH&CN trong những lĩnh vực (chẳng hạn: quá nhiều GRI quy mô nhỏ có năng lực thấp; một số GRI cùng thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu nhưng lại không biết nhau; làm rõ danh mục các năng lực KH&CN chủ chốt mà các GRI cần đáp ứng…); (4) Trên cơ sở đó, chỉ ra GRI thuộc lĩnh vực nào cần phải được khẩn trương tái cấu trúc, đồng thời làm rõ mục tiêu của hoạt động tái cấu trúc đó là gì.

2. Tăng chi tiêu (đầu tư) cho các GRI nhưng phải nâng cao năng suất, tính cạnh tranh lành mạnh, và hoạt động theo định hướng thị trường (với các GRI có tính chất ứng dụng KH&CN) của hệ thống GRI trước khi tăng kinh phí để có thể mang lại kết quả tăng trưởng kinh tế cao.

3. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các GRI cần phải làm rõ vai trò và trách nhiệm của chính phủ (các cơ quan chủ quản) và bản thân các GRI. Xác định vai trò và trách nhiệm một cách rõ ràng là yếu tố quan trọng để quản trị và quản lý hiệu quả các GRI. Bước đầu tiên của quá trình này là xây dựng một Mô hình Quản lý GRI.

4. Cần phải xây dựng và thực hiện quá trình đánh giá GRI làm cơ sở phân bổ kinh phí cho các GRI. Thực hiện đánh giá hiệu quả hoạt động GRI là quan trọng để chính phủ và GRI có cách hiểu chung về những kết quả dự kiến của GRI, nền tảng để nâng cao hiệu quả hoạt động của GRI, và các thông tin phản hồi cần thiết để GRI học hỏi và không ngừng cải thiện.

Báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động của GRI là tài liệu cung cấp kết quả đánh giá hằng năm về hiệu quả hoạt động của GRI theo các mục tiêu chiến lược và tình hình chung của GRI. Hiệu quả hoạt động được đo lường theo các chỉ số đo lường kết quả chính - KPI trong Chương trình chiến lược cũng như các thước đo khác chỉ rõ hiệu quả của sự quản lý tổng thể. Việc đạt được các KPI và các kết quả đầu ra chính trong ngắn hạn cho thấy tiến độ đạt được các mục tiêu chiến lược trong dài hạn. Các thước đo khác bao gồm hiệu quả tài chính và công tác quản lý GRI.

Báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động chỉ ra những cơ hội để không ngừng cải thiện công tác quản lý GRI tổng thể, đồng thời cũng đưa ra một cơ chế để Chính phủ Việt Nam đánh giá hiệu quả quản lý của các GRI. GRI thực hiện tự đánh giá hàng quý về tiến độ của mình theo bản đánh giá hiệu quả hoạt động đã thống nhất với Chính phủ Việt Nam còn chính phủ sẽ thực hiện đánh giá hiệu quả hoạt động hằng năm.

Báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động của năm sau sẽ tích hợp các kết quả và bài học rút ra từ việc đánh giá hiệu quả hoạt động của năm trước, trong đó có thể bao gồm khả năng xác định lại phạm vi của các chương trình sẵn có để tập trung hơn vào nhu cầu của khu vực doanh nghiệp, một kế hoạch cải thiện liên tục để nâng cao khả năng quản lý hợp đồng của GRI, thuê tuyển nhân sự có chuyên môn về thương mại hóa công nghệ, bổ sung thêm chức năng quản lý sở hữu trí tuệ trong tổ chức, tăng lượng kinh phí nhận được từ khu vực doanh nghiệp, và cải thiện việc trao đổi thông tin giữa GRI và khu vực doanh nghiệp.

5. Cải thiện kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thông qua việc tạo động lực để tăng số lượng bài báo quốc tế và đăng ký sáng chế: Ưu đãi cho các tổ chức KH&CN có thành tích tốt trong việc đăng bài báo quốc tế và đăng ký sáng chế thông qua việc tài trợ kinh phí; Yêu cầu phải đăng bài báo quốc tế/hoặc đăng ký sáng chế khi cấp kinh phí cho các đề tài, dự án; Thực hiện đo lường kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thông qua các bài báo quốc tế và đăng ký sáng chế; Báo cáo về số lượng bài báo quốc tế và đăng ký sáng chế là một phần của báo cáo kết hoạt động hằng năm cho các bộ, cơ quan tài trợ; Hỗ trợ kinh phí và tư vấn cho các nhà nghiên cứu muốn áp dụng các bằng sáng chế; Xây dựng các quy tắc chia sẻ lợi nhuận khi bằng sáng chế được bán hoặc cấp phép;…

6. Việt Nam có quy mô nhỏ nên đòi hỏi GRI phải có sự tương tác và hợp tác với cộng đồng quốc tế. Việt Nam có nguồn nhân lực hạn chế do đó cũng giới hạn nguồn cung R&D và quy mô của các doanh nghiệp định hướng công nghệ. Quy mô nhỏ của nền kinh tế, các doanh nghiệp, và nhiều phương diện khác ở Việt Nam cũng dẫn đến cầu R&D giới hạn. Chính sách ở Việt Nam nên tập trung vào việc tăng cả cung lẫn cầu về R&D. Điều đó có nghĩa là không chỉ gia tăng thị phần trong một chiếc bánh có kích thước cố định mà còn làm tăng cả kích thước của chiếc bánh. Để thực hiện điều này, các GRI sẽ cần phải gia tăng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, công nghệ và không gian đổi mới sáng tạo.

7. Nâng cao sự tương tác với khu vực doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước là rất quan trọng đối với sự phát triển hệ thống GRI ở Việt Nam vì các GRI sẽ hiểu rõ hơn về nhu cầu và chiến lược của khu vực doanh nghiệp, tiếp cận được nguồn kinh phí hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của GRI, và tiếp cận được các cơ chế để xác định và cuối cùng là thương mại hóa kết quả nghiên cứu có giá trị cao.

8. Cần phải thực hiện các hành động nâng cao sự nhận thức về lợi ích của bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong cộng đồng R&D Việt Nam có một suy nghĩ chung là bảo hộ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam thì không có giá trị còn bảo hộ ở nước ngoài thì quá đắt. Chính phủ cần phải làm nhiều hơn để việc bảo hộ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam trở nên phù hợp hơn cũng như giảm gánh nặng về tài chính đối với việc bảo hộ sở hữu trí tuệ quốc tế cho cả các GRI lẫn khu vực doanh nghiệp. Chính phủ có thể thực hiện được điều này thông qua việc chia sẻ chi phí, chia sẻ rủi ro, hoặc tạo động lực cho khu vực doanh nghiệp về các lĩnh vực kinh doanh định hướng sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, nhiều chính phủ trên thế giới đã có được một số thành công trong việc xây dựng và quản lý các “vườn ươm” công nghệ để khuyến khích sự phát triển giai đoạn đầu tài sản trí tuệ và sự hình thành các công ty spin off. Chính phủ cũng có thể khuyến khích sự phát triển của các quỹ đầu tư thiên thần và quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn khởi đầu, những công cụ có thể có ảnh hưởng quan trọng và thúc đẩy quá trình này.

Đề xuất Mô hình Quản lý GRI

Trong mô hình này, Chính phủ Việt Nam chịu trách nhiệm:

• Hình thành và phê duyệt chức năng nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của GRI

• Xem xét và phê duyệt những vấn đề liên quan đến phòng thí nghiệm/Chương trình chiến lược hằng năm của GRI

• Xem xét và phê duyệt ngân sách hằng năm của GRI

• Đánh giá hiệu quả hoạt động của GRI

Các GRI chịu trách nhiệm:

• Xây dựng Chương trình chiến lược và Mô hình hoạt động, bao gồm:

o Mục tiêu chiến lược và kết quả đầu ra chính

o Mô hình hoạt động, mô hình đổi mới sáng tạo và các hệ thống quản lý

o Chương trình R&D

o Trang thiết bị và kế hoạch vận hành

o Nhân viên/Kế hoạch tuyển dụng

• Xây dựng kế hoạch ngân sách hằng năm và 5 năm của GRI

• Mục tiêu chiến lược và kết quả đầu ra chính

• Thiết kế và triển khai các hệ thống và quy trình hoạt động của GRI:

o Mô hình hoạt động (bao gồm các mô hình đổi mới sáng tạo và mô hình kinh doanh)

o Các hệ thống quản lý

o Cấu trúc tổ chức

• Thiết kế và quản lý kế hoạch hoạt động R&D

• Thiết kế và triển khai các chương trình và dự án R&D

• Thiết kế, đưa vào hoạt động và giám sát việc cải tạo phòng thí nghiệm và mua sắm các thiết bị nghiên cứu mới

• Quản lý và vận hành trang thiết bị

• Thường xuyên cải tiến sự vận hành của trang thiết bị và phòng thí nghiệm để cho phù hợp với Chương trình chiến lược của GRI

• Phát triển các nền tảng công nghệ để tạo ra tài sản trí tuệ giá trị cao với tiềm năng thương mại hóa thành công (để hỗ trợ các mục tiêu chiến lược)

• Xây dựng quan hệ đối tác về triển khai R&D và công nghệ

• Quản lý rủi ro công nghệ:

• Tuyển dụng, đào tạo và quản lý nhân viên

• Phát triển các nguồn lực bao gồm nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị

• Cung cấp công nghệ cho các đối tác thương mại hóa

• Thiết kế và thực hiện các chương trình quản lý tài sản trí tuệ và thương mại hóa công nghệ

• Thiết kế và thực hiện các hệ thống tài chính và kế toán

• Thiết kế và thực hiện các hệ thống quản lý thông tin.

Chú thích:

(1) & (2) Khoa học và Công nghệ năm 2019.

(3), (6), (7) Báo cáo khảo sát các tổ chức KH&CN công lập do Dự án FIRST thực hiện năm 2016.

(4) Báo cáo thường niên năm 2018 của Cục Sở hữu trí tuệ.

(5) Báo cáo thường niên năm 2018 của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.