Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) để nâng giá trị sản phẩm đang được xem là giải pháp căn cơ.
Đó là chia sẻ của ông Trương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông - tại hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên diễn ra mới đây.
Chỉ tăng năng suất là chưa đủ
Theo ông Tùng, trong nhiều lĩnh vực sản xuất, sau khi áp dụng KH&CN, năng suất tăng cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, một khó khăn lớn mà tỉnh Đăk Nông đang phải đối mặt là chưa liên kết được người nông dân với thị trường. Đây cũng là thực trạng diễn ra ở nhiều địa phương khi người dân đổ xô đi nuôi trồng một loại cây, con khiến quy hoạch bị phá vỡ, nên tình trạng được mùa - mất giá thường xuyên xảy ra.
Vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2016-2017 ở Đăk Nông là một minh chứng. Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, diện tích hồ tiêu của tỉnh từ chỗ chỉ có 16.500ha vào năm 2015 đã lên đến hơn 27.500ha trong năm nay; sản lượng cũng tăng 12.200 tấn so với năm 2015. Trong khi đó, giá hồ tiêu giảm từ 200.000 đồng/kg xuống còn 110.000 đồng/kg.
Trồng hoa trong nhà kính, nhà lưới tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Ảnh: H. Phương
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Lâm Đồng khi người dân tự đầu tư phát triển các vườn trồng rau, ớt nhưng lại thiếu sự liên kết với doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ.
Ông Nguyễn Duy Liêm - sống ở phường 8, thành phố Đà Lạt, chủ 4 sào trồng ớt chuông bằng công nghệ VietGap - cho biết, do gia đình áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nên năng suất ớt ổn định ở mức 60.000kg/ha. Ở các thời điểm được giá, mỗi sào đem lại lợi nhuận 20 triệu đồng/tháng. “Thế nhưng nhiều khi hàng không bán được do đầu ra không ổn định, giá bị ép rất thấp, do chúng tôi không có kết nối, hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ” - ông Nguyễn Duy Liêm chia sẻ.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Thường - Phó Viện trưởng Viên Kỹ thuật nông - lâm Tây Nguyên - cho rằng, bên cạnh việc nâng cao năng suất các sản phẩm chủ lực trong vùng, cần chú trọng sản xuất theo chuỗi, tăng cường sự liên kết 4 nhà: “Muốn phát triển giá trị, cần xem chuỗi sản xuất và người nông dân là tác nhân chính, sau đó là các doanh nghiệp hỗ trợ cung cấp đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. Các nhà khoa học đưa kết quả nghiên cứu mới nhất, hiệu quả nhất vào sản xuất; Nhà nước quản lý chung về chất lượng đầu vào cho các sản phẩm”.
Cần chọn sản phẩm chủ lực để sản xuất theo chuỗi giá trị
Vụ Phát triển KH&CN địa phương - Bộ KH&CN - cho biết thời gian qua, các sở KH&CN trong vùng đã tích cực hỗ trợ ứng dụng tiến bộ KH&CN, đổi mới công nghệ cho các đơn vị, doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, chủ yếu để nâng cao giá trị hàng hóa, chú trọng việc chế biến các sản phẩm sau thu hoạch. Đây cũng được xem là giải pháp hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp.
Theo ông Trương Thanh Tùng, để nông nghiệp vùng Tây Nguyên phát huy được lợi thế, ngoài việc tăng cường áp dụng KH&CN để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, để nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, cần chú trọng, cân nhắc trong công tác truyền thông. Việc quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô đủ lớn, có khả năng cơ giới hóa ở nhiều khâu để giảm áp lực lao động sống, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế cũng là một giải pháp được lưu tâm.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh thì cho rằng, trong thời gian tới, Tây Nguyên cần chọn sản phẩm chủ lực để sản xuất theo chuỗi giá trị từ đầu vào tới đầu ra, tăng cường ứng dụng công nghệ cao. Khi triển khai chuỗi sản xuất này, cần phải có sự liên kết của cơ quan quản lý, các nhà khoa học, trường đại học, các doanh nghiệp và nông dân.
“Để giải quyết bài toán này, vùng cần xây dựng một nhiệm vụ KH&CN giải quyết vấn đề một cách tổng thể. Tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp tham gia ngay từ đầu đến khi thương mại hóa sản phẩm. Thêm nữa, các địa phương cần chú ý đến việc đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ. Nếu không quan tâm đến vấn đề này thì rất khó phát triển tốt các sản phẩm chủ lực” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định.