Là vùng được tự nhiên ban cho nhiều lợi thế trời phú, tuy nhiên nông nghiệp Tây Nguyên lại đang tồn tại nhiều vấn đề lớn, thiếu bền vững. Vậy đâu là nguyên nhân, giải pháp nào để đưa nông nghiệp vùng này phát triển bền vững hơn.
Trao đổi với NNVN, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá: Tây Nguyên là vùng có lợi thế trời phú. Một là đất đai rộng, đất bazan màu mỡ. Đất rộng rất thuận cho liên kết SX, đúng với mong muốn về định hướng một nền SX hàng hóa mà chúng ta đang cần. Lợi thế thứ hai là về khí hậu hết sức đa dạng, số giờ chiếu sáng/ngày cao, chênh lệch biên độ nhiệt ngày – đêm lớn… nên rất có lợi cho cây trồng. Thời gian quang hợp nhiều giúp nhiều loại cây trồng có năng suất, chất lượng rất cao…
GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt Tuy nhiên, ngoài cây cà phê (và một phần SX rau quả ở Lâm Đồng) đã gắn với truyền thống lâu đời ở Tây Nguyên, được quy hoạch bài bản, tính tới từng vùng canh tác, bộ giống và trình độ canh tác ở mức phát triển tốt, còn lại nhiều loại cây trồng hiện vẫn còn mới mẻ. Trình độ canh tác, ứng dụng công nghệ cũng như năng lực đầu tư của dân đang trong giai đoạn mới hình thành và còn rất nhiều điều cần phải bàn.
Ông có thể chỉ ra đâu là những vấn đề tồn tại lớn của nông nghiệp Tây Nguyên hiện nay?
Trước tiên là công tác quy hoạch. Tây Nguyên trồng được rất nhiều loại cây trồng, nhưng chưa xác định rõ bộ cây trồng chiến lược, trồng ở đâu, quy mô diện tích ra sao. Một số cây ăn quả mới ở Tây Nguyên như bơ, sầu riêng… hiện tiêu thụ khá tốt, nhưng nếu như phát triển rộng ra quy mô lớn, không có quy hoạch bài bản dễ xảy ra sản xuất tràn lan, không tiêu thụ được, chưa nói là kỹ thuật không tốt sẽ rất dễ bùng phát dịch bệnh.
Thứ hai, Tây Nguyên đang thiếu một bộ giống cây trồng đảm bảo chất lượng. Ngoài cây cà phê đã tương đối tốt thì hầu hết các cây trồng khác đều chưa có bộ giống bài bản. Như cây hồ tiêu thì mới đây chúng ta mới thành lập được một Trung tâm nghiên cứu giống, còn rất non trẻ. Các loại cây ăn quả khác hầu hết mới chỉ đang trong quá trình đánh giá, bởi đa số đều là mới trồng ở Tây Nguyên. Bản thân ngành trồng trọt cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác nghiên cứu, công nhận giống cây công nghiệp, cây ăn quả còn hạn chế, nếu không được cải tiến tốt hơn có thể ảnh hưởng đến chất lượng giống và ảnh hưởng đến sản xuất.
Có đánh giá rằng cây hồ tiêu dễ nhiễm bệnh, khó phát triển bền vững trên đất Tây Nguyên, nhưng thời gian qua, đây lại là vùng bùng nổ diện tích hồ tiêu, vượt 2 – 3 lần quy hoạch?
Quỹ đất Tây Nguyên còn nhiều, người dân thấy trồng hồ tiêu có lãi thì đưa vào trồng thôi. Thực tế vùng trồng hồ tiêu phù hợp nhất phải là Đông Nam bộ, bởi loại cây trồng này chỉ thích hợp ở các vùng đất có hàm lượng canxi cao, khả năng thoát nước tốt nhưng lại phải giữ được độ ẩm.
Cây hồ tiêu leo trên cây muồng che bóng trong vườn cà phê tại Đăk Lăk “Do thành phần cây trồng ở Tây Nguyên chủ yếu là cây trồng cạn, dài ngày nên không có điều kiện luân canh với lúa nước nên mật độ tuyến trùng nốt sung và một số loài tuyến trùng đa thực khác rất cao. Đây là mối đe dọa lớn cho sản xuất tất cả các loại cây trồng vì tuyến trùng không chỉ gây hại bộ rễ, cắt đứt quá trình hấp thụ dinh dưỡng của cây mà còn là tác nhân mở đường cho các loài nấm bệnh phát triển đặc biệt là nấm Fusarium sp. Hay Phytophthora sp., là các loài nấm ký sinh gây hại mạnh ở vùng rễ của nhiều loại cây trồng. Vì vậy hai tác nhân này đã gây hại nhiều đối tượng cây trồng như cà phê, cao su, sầu riêng và điển hình là gây nên bệnh chết nhanh, chết chậm trên hồ tiêu” – GS.TS Nguyễn Hồng Sơn.
Trong khi đó, đất Tây Nguyên có hàm lượng canxi thấp, khả năng thoát nước và giữ ẩm lại rất kém. Đất Tây Nguyên mùa mưa thì nhão, mùa nắng lại khô, rất bất lợi đối với bộ rễ yếu như hồ tiêu. Vì vậy, SX hồ tiêu ở Tây Nguyên có khả năng phát sinh dịch bệnh cao, không có tính bền vững lâu dài, nhanh bị suy thoái…
Tóm lại, hiện nay diện tích hồ tiêu Tây Nguyên đã mở ra rất lớn thì chúng ta buộc phải có các giải pháp để hạn chế tối đa các điều kiện bất thuận, còn về dài hạn cần chuyển dần quy hoạch xuống vùng Đông Nam bộ, ưu tiên Tây Nguyên cho các loại cây trồng khác phù hợp hơn (nếu trồng tiêu cũng chỉ trồng ở vùng thuận lợi nhất và phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật).
Từ thực tế cây hồ tiêu, ông có thể chia sẻ về vấn đề quy hoạch cũng như biện pháp kỹ thuật đi cùng cho nông nghiệp Tây Nguyên?
Quy hoạch hiện nay cần phải theo định hướng thị trường để điều chỉnh, chứ không nên quy hoạch chốt. Nghĩa là cần phải xác định được vùng quy hoạch có lợi thế ưu tiên nhất, cũng như kịch bản, phương án nếu mở rộng ra nữa thì sẽ trồng tiếp ở chỗ nào.
Chẳng hạn trước đây chúng ta chỉ quy hoạch 50 nghìn ha hồ tiêu cho Tây Nguyên, nhưng hồ tiêu làm ra bao nhiêu bán được bấy nhiêu, giá trị lại cao hơn các loại cây trồng khác thì phải mở rộng, nhưng phải có kịch bản là mở rộng tiếp ở những nơi nào mới là vấn đề. Chúng ta chưa tính tới được kịch bản khi thị trường cần phải mở rộng.
Về giống và biện pháp kỹ thuật, còn những mối lo lớn. Như cây hồ tiêu, bên cạnh bộ giống bài bản chưa có, thì quy trình canh tác hồ tiêu Tây Nguyên vẫn chưa được nghiên cứu kỹ càng. Quan điểm căn bản nhất trong canh tác hồ tiêu ở đây phải là trồng nổi, thay vì trồng chìm như cách truyền thống của nông dân, kết hợp với tưới nhỏ giọt, tưới tiết kiệm để tạo độ ẩm. Tiếp đến phải đặt vấn đề về hàm lượng hữu cơ trong canh tác, tối thiểu phải là bao nhiêu thì mới trồng được hồ tiêu đạt yêu cầu vẫn chưa xác định được.
Một mối lo nữa là quản lí sâu bệnh trong đất. Hiện chúng ta vẫn chưa có hướng dẫn cách điều tra phát hiện sớm cho dân để phòng trừ sớm. Bởi bệnh trong đất dân không nhìn thấy được, khi phát hiện được thì cây đã bắt đầu chết và không thể chữa trị được.
Bên cạnh đó, các chế phẩm để xử lí phòng trừ bệnh, cách xử lí thế nào cũng chưa được chuẩn. Ngay cả chuyện lúc nào thì sử dụng sinh học, lúc nào thì sử dụng hóa học vẫn còn lăn tăn, phát sinh nhiều quan điểm phòng trừ khác nhau trong dân.
GS Nguyễn Hồng Sơn (thứ hai từ phải sang) kiểm tra mô hình khắc phục bệnh chết chậm hồ tiêu tại Đăk Lăk Một trong những vấn đề lớn nhất của nông nghiệp Tây Nguyên như ông nói đó là giống, việc công nhận giống cây công nghiệp, cây ăn quả còn rất bất cập. Ông có thể nêu cụ thể bất cập chỗ nào?
Tây Nguyên là thủ phủ của các loại cây công nghiệp, cây ăn quả. Tuy nhiên lâu nay chúng ta mới chỉ chú trọng tới cây lương thực ngắn ngày như lúa, ngô, khoai… Còn lại cây dài ngày như cây ăn quả, cây công nghiệp có thời gian sinh trưởng dài, khó khăn trong khảo nghiệm và công nhận giống nên cơ sở chọn tạo nhân giống có thể tự công bố chất lượng. Bên cạnh đó, việc quản lí thương mại cây giống đang thiếu những chế tài kiểm soát, xử lí chặt chẽ… Đây là vấn đề mà tới đây, ngành trồng trọt phải dồn sức khắc phục, trong đó có việc đưa các loại cây công nghiệp, cây ăn quả vào danh mục cây trồng chính để làm cơ sở đẩy mạnh việc nghiên cứu, khảo nghiệm, công nhận và quản lí giống.
Thực tế nhiều mô hình trồng xen tại Tây Nguyên, chẳng hạn hồ tiêu xen cà phê, rồi sầu riêng, bơ, mắc ca xen cà phê, được đánh giá hiệu quả và bền vững. Tại sao những mô hình này vẫn chưa được nhân rộng, thưa ông?
Tuy các mô hình này đã bước đầu chứng minh có hiệu quả nhưng về lâu dài cần có tính toán kỹ lưỡng về quy trình trồng trọt, chăm sóc để đảm bảo tối ưu hóa cho sinh trưởng, phát triển của cả cây trồng chính và cây trồng xen như mật độ trồng, kỹ thuật tạo tán, kỹ thuật bón phân và quản lý dịch hại. Vì vậy, trong thời gian tới cần có nghiên cứu kỹ để xây dựng quy trình trồng xen trước khi khuyến cáo nhân rộng.
Xin cảm ơn ông!
Vấn đề lớn nữa của Tây Nguyên chính là việc lạm dụng sử dụng phân hóa học khiến thoái hóa đất đang rất nghiêm trọng, nhất là độ pH giảm. Các loại nấm gây bệnh theo đó càng có điều kiện phát triển vì phần lớn các loài nấm gây hại trong đất đều phát triển thuận lợi ở độ pH từ 4,5 đến 5,5. Vì vậy tới đây, chiến lược nâng độ pH của đất ở Tây Nguyên là vấn đề sống còn, nếu không tình hình sẽ rất nghiêm trọng. Hiện Cục Trồng trọt đã đề xuất các viện tập trung nghiên cứu giải pháp cải thiện độ pH cho đất ở Tây Nguyên để phát triển bền vững các loại cây trồng. |