Năm Covid-19, một cách nào đó, như một phép thử to lớn nhất dành cho khởi nghiệp toàn cầu nói chung và khởi nghiệp Việt Nam nói riêng.

Những ai không trụ vững thì đã… ra đi, một số startup lớn cũng khá lao đao, điều hấp dẫn là thời điểm này lại giúp nhiều startup “lì đòn” vốn đi ngang nhiều năm gần đây đã tận dụng được “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” để tỏa sáng. Liệu chúng ta có thể chờ đợi gì cho cộng đồng khởi nghiệp Việt trong năm 2021 này?

Go Studio là đội ngũ mạnh từ lâu, nhưng khi mà hầu hết các hoạt động thương mại chuyển sang online thì Go Studio mới vụt sáng trở thành người anh hùng của cuộc chơi. Ảnh: Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt trao cúp vô địch TechFest 2020 cho Go Studio.
Go Studio là đội ngũ mạnh từ lâu, nhưng khi mà hầu hết các hoạt động thương mại chuyển sang online thì Go Studio mới vụt sáng trở thành người anh hùng của cuộc chơi. Ảnh: Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt trao cúp vô địch TechFest 2020 cho Go Studio.

Chuyện của Bung

Tôi là Bung, trước đây làm Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng, rồi về làm Phó chủ tịch Saigon Innovation Hub, làm tùm lum đại diện của các giải thưởng khởi nghiệp, hay nói linh tinh trong các hội thảo. Cho tới ngày chính thức bắt tay vô khởi nghiệp, ngồi yên một chỗ, cắt đứt hết các công việc sắc màu, thì mới thực sự thấy đây là một cuộc… khổ nạn.

Hồi ở Israel, thấy mọi người hay treo câu nói trong phim Chiến tranh giữa các vì sao rất hay: “Làm hay không làm, không được thử làm!”. Do đó, yếu tố đầu tiên của việc làm khởi nghiệp là tập trung 200% công sức và trí não của mình. Đúng là tỷ lệ thất bại của khởi nghiệp là 90%, nên làm 100% còn chưa ăn ai, huống hồ làm chân trong chân ngoài hay làm khởi nghiệp như hình thức bán thời gian. Nhưng mà, nói thì dễ, làm thật sự là khó.

Cái khó đầu tiên là… không có lương. Xưa giờ đi làm là có lương, ít nhiều gì cũng đủ trang trải mọi thứ, và tính toán được mức độ chi tiêu của mình. Giờ phải bắt đầu một hành trình vừa lấy tiền nhà ra đầu tư, vừa không có lương. Thiệt ra, công thức là phải đi tìm một nhà đầu tư thiên thần để trả lương cho những người đầu tiên. Là lý thuyết cho vui thôi, thiên thần này, chỉ có… cha mẹ anh chị em bạn bè chớ đâu có ai đâu. Kệ, dù sao cũng đi làm gần 20 chục năm, vốn liếng quan hệ, trải nghiệm và tiền bạc chắc cũng đủ.

Bung ngồi ké ở một văn phòng nhỏ của Zone Startups Vietnam. Giờ mới hiểu vì sao thiên hạ hay kể chuyện khởi nghiệp ở gara xe dưới tầng hầm. Vì tiền mặt bằng tốn ghê luôn. May mà đi xin ở nhờ được. Xong tới đoạn đi tìm những người đồng sáng lập, công thức là phải khác mình một chút về năng lực, nhưng giống mình ở tầm nhìn và sứ mệnh và đặc biệt là hệ giá trị. Tìm đâu có dễ, vì người có nghề đúng yêu cầu thì bận dữ lắm, và đang lãnh lương siêu cao hoặc đang nuôi con nhỏ nên chỉ thích những giải pháp an toàn. Bởi vậy, ngày đầu năm, Bung viết một cái thư cho vợ con các bạn, biết ơn mọi người vì đã chấp nhận cho người nhà mình cùng Bung làm cái chuyện hơi lãng mạn là khởi nghiệp.

Khách hàng hay đối tác cũng khó gần chết. Hồi xưa mình ra đường, mang theo toàn bộ uy tín, thương hiệu và quyền lực của cái tổ chức to đùng sau lưng nên được đối xử khác. Giờ công ty mình có ai biết là gì, đi xe ôm tới gặp đối tác người ta còn mắc cười, tưởng mình bị khùng hay sao đó. Thuyết phục một người, một tổ chức, quả là… siêu khó. Xưa giờ nghĩ là mình quen chủ tịch hay CEO của các nơi là xong. Đâu có dè triển khai xuống tới các bộ phận bên dưới bị ăn hiếp dã man luôn. Những lúc này, dễ hoang mang và chán nản lắm.

Thiên hạ gọi vốn ầm ầm triệu đô này chục triệu đô la kia. Bung cũng quen quá chừng quỹ đầu tư mạo hiểm mà. Nhưng với chỗ này thì số tiền gọi hơi to, chỗ kia thì lại hơi nhỏ, chỗ khác thì muốn chờ xem một đoạn nữa. Í chà, giờ mới hiểu gọi vốn dễ dàng chỉ có trên…truyền hình cho vui thôi.

Cả đội cày ngày cày đêm, cuối cùng cũng có chút thành tựu cho năm mới ngẩng mặt lên với đời. Và hiểu rằng, kiên trì và chịu đựng áp lực để liên tục thay đổi và tiến tới từng bước một mới là thứ làm nên sức mạnh của khởi nghiệp.

Chuyện của đại ca khởi nghiệp

Bung dự định sẽ làm một bài phỏng vấn thiệt hoành tráng với đại ca hàng đầu về khởi nghiệp, là startup Việt Nam gọi được vốn to nhất trong lịch sử: 55 triệu USD. Đó là anh Phạm Minh Tuấn, nhà sáng lập tổ hợp giáo dục Topica. Bung soạn một bộ câu hỏi thiệt dài, gửi cho ảnh để hẹn gặp. Câu chuyện về những lời đồn đại trên "giang hồ" xoay quanh việc những ngày đầu thành lập Topica phải bán đi mấy căn nhà của gia đình, đến việc chiêu hiền đãi sĩ, đến chuyện không gian làm việc đông tới mấy ngàn người mà ngày nào cũng vui như mở hội trống đánh tùng tùng thưởng nóng liên tục cho mỗi cột mốc đạt được… Rồi câu chuyện hào hứng về mấy chục lần đi gọi quỹ đầu tư, chuyện mang chuông đi đánh xứ người ở Thái Lan, Philippines với gần năm trăm nhân viên của Topica… Cho tới những xì xầm này nọ liên quan đến việc thoái vị của anh Tuấn và quá nhiều nhân viên ra đi.

Bung nghĩ, nếu có ai đó đủ uy tín để nói chuyện giấc mơ khởi nghiệp, hay là giấc mơ làm thay đổi môi trường đào tạo Việt Nam thông qua các sản phẩm công nghệ của mình, thì đó phải là đại ca Tuấn. Bung còn muốn hỏi cho hết chuyện ảnh thành lập Topica Founders Institute, trường đào tạo các nhà sáng lập khởi nghiệp xịn xò nhất Việt Nam với những bài tập về nhà vô cùng khắc nghiệt kiểu như gửi tin nhắn lúc nửa đêm mà hai giờ sau không triệu tập được nguyên team để hoàn thành bài tập thì sẽ bị cho nghỉ học. Còn có chuyện lập ra “nhóm giang hồ Topica mafia” quy tụ hết những anh tài lẫn nhà đầu tư trong mạng lưới để hỗ trợ khởi nghiệp…

Quá chừng chuyện hay để kể, vậy mà anh Tuấn trả lời rất gọn: “Cho anh nợ lại ba năm nữa sẽ trả lời đầy đủ, ruột gan toàn bộ những câu chuyện này”.

Bung hiểu, trong khởi nghiệp có một quy tắc rất quan trọng: đúng thời điểm. Sớm quá hay muộn quá đều làm cho tỷ lệ thất bại tăng cao, chỉ có một lựa chọn quan trọng là đúng lúc, đúng người, đúng nơi. Mà ở đời, có mấy ai đủ sẵn sàng để chờ cho tới lúc hội tụ thiên thời địa lợi nhân hòa?

Nhiều người khác

A, có. Là nhóm vừa giành giải quán quân của giải thưởng khởi nghiệp dành cho người Việt trên khắp thế giới Viet Challenge, nhóm giành giải vô địch Techfest Việt Nam 2020 hay nhóm về nhất ở hạng mục khởi nghiệp nông nghiệp.

Startup Cricket One ứng dụng công nghệ cao trong nuôi và cung cấp các sản phẩm từ dế đã chứng minh được sự trưởng thành bền bỉ của mình trong thời gian qua. Nguồn ảnh: www.theventure.com.
Startup Cricket One ứng dụng công nghệ cao trong nuôi và cung cấp các sản phẩm từ dế đã chứng minh được sự trưởng thành bền bỉ của mình trong thời gian qua. Nguồn ảnh: www.theventure.com.

Hôm theo dõi cuộc thi chung kết diễn ra trực tuyến của Viet Challenge, tôi rất bất ngờ về Cricket One – giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong nuôi và cung cấp các sản phẩm từ dế. Khi tham gia làm giám khảo vòng sơ tuyển của cuộc thi này, tôi khá phân vân khi nhìn thấy hồ sơ của Cricket One. Phân vân, vì cũng chính đội thi này, cách đây hai năm, từng giành giải quán quân của cuộc khi khởi nghiệp nông nghiệp vùng Mekong của ngân hàng phát triển châu Á - ADB tổ chức – MATCh. Tôi hay suy nghĩ về những startup… thích đi thi, và luôn có khả năng chiến thắng xong rồi lại tìm kiếm chiến thắng ở những cuộc thi khác. Mấy năm trời, thường là startup sẽ rơi vào một trong ba trạng thái: tích luỹ đủ năng lực để phát triển mạnh mẽ, chìm trong vòng xoáy thị trường để trở thành một doanh nghiệp SMEs không có khả năng tăng trưởng cấp số nhân hoặc là… biến mất khỏi "giang hồ".

Nhưng Cricket One thì khác. Họ chứng minh được sự trưởng thành của mình một cách bền bỉ và liên tục trong mấy năm qua, và xứng đáng trở thành chủ nhân của Viet Challenge để tham gia vào các vòng gọi vốn mới để chinh phục thị trường thế giới.

Tương tự như vậy, là Go Studio, nhà vô địch TechFest 2020. Tôi hay gặp chàng trai sáng lập của Go Studio ở Zone Startups Vietnam, và hay thắc mắc rằng một đội ngũ mạnh như vậy, đã chinh phục nhiều khách hàng lớn như vậy trong mô hình hỗ trợ livestreaming, sao vẫn chưa thực sự lớn như tầm vóc của họ. Thì cuối cùng câu trả lời được thảy ra: vẫn phải chờ đúng thời điểm, khi mà hầu hết các hoạt động thương mại chuyển sang online, Go Studio mới vụt sáng trở thành người anh hùng của cuộc chơi. Điều quan trọng, là họ đã đủ kiên trì và niềm tin để theo đuổi sứ mệnh này suốt nhiều năm nay chứ không phải thành công đến trong một ngày một bữa.

Mô hình thương mại điện tử thuần sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Foodmap.asia
Mô hình thương mại điện tử thuần sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Foodmap.asia

Nhân vật cuối cùng, là Foodmap.asia. Bung cũng biết các bạn này từ lâu ơi là lâu. Và lúc nào họ cũng đầy tràn năng lượng lẫn… những lo lắng về dòng tiền, sản phẩm, mô hình vận hành. Có nhiều hơn một lần Bung nghĩ, không biết mô hình thương mại điện tử thuần sản phẩm nông nghiệp Việt Nam mà Foodmap theo đuổi có phải là một mô hình kinh doanh hợp lý không. Và họ thực sự vừa làm vừa thử vừa sửa rất nhanh. Nhanh đến mức, khi họp báo công bố hợp tác với Trà Quế Studio và Phiên chợ Xanh tử tế để làm giải pháp Giỏ quà Tết với các sản phẩm đặc sản làng nghề Việt Nam, tôi đã không còn nhận ra những chàng trai ngày trước còn là kẻ ngoại đạo dạo chơi trong lĩnh vực thương mại điện tử vốn là cuộc chơi đốt tiền của các đại gia nữa.

Và những kỳ vọng

Một ngày cận Tết, uống cà phê sáng với anh Tommy, một Việt kiều Mỹ thuộc thế hệ về nước đầu tiên cách đây gần 20 năm để sáng lập những doanh nghiệp khởi nghiệp như Muachung, Diadiem.com… Anh vừa gọi vốn thành công của một quỹ ngoại cho startup mới nhất của mình về fintech. Nhưng câu chuyện không xoay quanh chuyện khởi nghiệp, mà nói về những trông chờ của anh, và của cộng đồng đối với cái sandbox – cơ chế thử nghiệm mà Ngân hàng nhà nước đã công bố dự thảo nghị định, lấy ý kiến chuyên gia, mà đã hết năm 2020 vẫn chưa… ra đời. Rõ ràng, sự thận trọng của cơ quan quản lý với những ứng dụng công nghệ trong tài chính vẫn còn rất cao, nên cơ hội vẫn cứ vẫn phải chờ đợi.


Có một tin quá vui với cộng đồng khởi nghiệp là có tới hai startup Việt Nam được chọn vào Y Combinator - vườn ươm khởi nghiệp lớn và khó nhất thế giới. Có tên trong danh sách của Y Combinator, đồng nghĩa với việc họ đã thiết lập một vị thế mới của khởi nghiệp Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Buổi trưa, gặp một đại diện quỹ đầu tư mạo hiểm của vùng Đông Nam Á. Cô gái nói mà như reo: Hôm nay có một tin quá vui với cộng đồng khởi nghiệp là có tới hai startup Việt Nam được chọn vào Y Combinator – vườn ươm khởi nghiệp lớn và khó nhất thế giới. Có tên trong danh sách của Y Combinator, đồng nghĩa với việc họ đã thiết lập một vị thế mới của khởi nghiệp Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Cô bạn này, kể ríu rít những trải nghiệm của mình trong đầu tư khởi nghiệp của một năm đầy biến động. Và tôi thấy rất rõ một thứ niềm tin và kỳ vọng vào sự trưởng thành của thế hệ khởi nghiệp mới Việt Nam: giàu trải nghiệm hơn, đội ngũ mạnh hơn và tham vọng lớn hơn trên con đường tuy chông gai mà lại đầy ắp niềm hứng khởi này./.