Mỗi cuộc cách mạng, biến chuyển lớn đều kéo theo một ngôn ngữ mới như là minh chứng cho những thành quả mà nó đem lại cho quần chúng.

Nước Nhật hậu Minh Trị có cả một từ điển mới dành cho các thuật ngữ kỹ thuật.

Châu Âu hậu Cách mạng Công nghiệp lần hai chìm trong ngôn ngữ của truyền thông đại chúng (quảng cáo, phim câm, nhiếp ảnh).

Thế giới hậu Cách mạng Công nghiệp lần ba, theo Thomas Friedman, trong cuốn Thế giới phẳng, cho rằng tất cả các quốc gia bị cuốn vào cuộc chơi toàn cầu hóa (do sự phát triển vượt bậc của điện toán - Internet), buộc phải lựa chọn chung một ngôn ngữ. Hoa Kỳ, kẻ dẫn đầu cuộc chơi, đã chọn tiếng Anh làm biểu tượng của ngôn ngữ toàn cầu.

Thomas Friedman đã lấy hình ảnh người phụ nữ Ấn Độ trả lời tư vấn qua điện thoại bằng tiếng Anh cho người Mỹ (vì giờ khuya ở Mỹ là giờ sáng ở Ấn Độ nên thuê nhân viên Ấn Độ sẽ rẻ hơn) để minh họa cho ngôn ngữ của Cách mạng công nghiệp 3.0. Đó là câu chuyện truyền cảm hứng của những năm đầu 2000. Vậy với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngôn ngữ nào sẽ là toàn cầu?

Ngày 16/12/2019, trong cuộc hội đàm về tăng cường đào tạo miễn phí kỹ năng số cho trẻ em nữ cùng Tim Cook, CEO của Apple, nhà đấu tranh vì giáo dục nữ giới Malala Yousafzai, chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2014 đã phát biểu: “Chúng ta đã từng nghĩ hiển nhiên rằng giáo dục không thể thực hiện được ở một số nơi như trại tị nạn, nhưng công nghệ có thể thay đổi điều đó.”

Năm 2009, Malala Yousafzai đã viết blog ẩn danh cho BBC, miêu tả cuộc sống dưới thời Taliban ở Thung lũng Swat của Pakistan.

Năm 2012, cô bị quân Taliban hành quyết vì tội dám lên tiếng. Viên đạn sượt qua não và cô vẫn có thể tiếp tục cất tiếng nói từ blog của mình.

Năm 2013, Malala đồng sáng lập Quỹ Malala, một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận nhằm ủng hộ giáo dục cho trẻ em gái. Nữ diễn viên Angela Jolie là một trong những người đầu tiên quyên góp cho quỹ với số tiền 200.000 đô la.

Năm 2015, cô mở một trường học ở Lebanon cung cấp giáo dục cấp tiểu học và trung học cho các bé gái tị nạn Syria. Cô tốt nghiệp Đại học Oxford khoa Triết học, Chính trị học và Kinh tế học vào năm 2020.

Năm 2018, quỹ Malala do cô lập ra chính thức nhận tài trợ lớn từ Apple cho dự án dạy kỹ năng công nghệ (trong đó lập trình là hạng mục quan trọng) cho trẻ em gái, đặc biệt là các em chịu thiệt thòi về cơ hội tiếp cận giáo dục tại các vùng nhạy cảm về chính trị.

Cuộc đời cô và lời khẳng định của cô là cảm hứng mới cho công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0.

Công nghệ, và các kỹ năng đặc thù của nó (digital literacy) đã thật sự là ngôn ngữ mới cho toàn nhân loại.

CEO Nguyễn Thanh Tùng và đồng sáng lập Nguyễn Thị Thu Hà tại một cơ sở đào tạo của MindX ở Hà Nội. Nguồn: MindX
CEO Nguyễn Thanh Tùng và đồng sáng lập Nguyễn Thị Thu Hà tại một cơ sở đào tạo của MindX ở Hà Nội. Nguồn: MindX

Apple và CEO Tim Cook cũng coi việc giảng dạy lập trình miễn phí cho trẻ em là một phần của công cuộc bình đẳng hóa giáo dục và đã dành nhiều thời gian cũng như tài chính cho hoạt động xã hội này. Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh MSNBC, ông chỉ ra ba tác dụng có tính vĩ mô (vượt ra khỏi khuôn khổ kiến thức và học tập) của việc giảng dạy các kỹ năng về công nghệ sớm cho trẻ em, như một phần bắt buộc của giáo dục phổ thông:

Công nghệ thúc đẩy việc học tập trong thời đại số hóa: Học tập có tích hợp các yếu tố công nghệ giúp trẻ thực hành dưới dạng dự án học tập theo nhóm hợp tác, các sản phẩm đầu ra có độ hấp dẫn và thực tiễn cao, tương thích với cuộc sống (do học sinh hiện nay đều là digital native – thế hệ sinh ra trong thế giới công nghệ). Các kỹ năng công nghệ đảm bảo tối ưu các lợi ích mà công nghệ đem tới cho học tập.

Công nghệ tạo ra một sự bình đẳng mới: Với chi phí ngày càng rẻ của Internet và thiết bị cá nhân, tài nguyên giáo dục có thể lan tỏa đến tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giới tính, chính trị. Kho tài nguyên là vô tận, nhưng phải có kỹ năng mới khai thác được một cách hiệu quả, phục vụ cho mục tiêu học tập.

Giáo dục công nghệ là sứ mệnh (trong thời đại này): Giống như kỹ năng đọc/viết thành thạo đã mở ra kỷ nguyên mới cho loài người, kỹ năng công nghệ – một ngôn ngữ phổ quát (universal language), thuật ngữ Tim Cook thường trình bày trong các hội thảo giáo dục – trở nên căn bản đến mức nếu không thành thạo, trẻ sẽ trở thành “mù chữ” và không thể mở khóa các kỹ năng khác. Ông cũng nhấn mạnh đến hai kỹ năng thiết yếu của thế kỷ XXI gắn liền với “tiếng Code” là tư duy phản biện và giải quyết vấn đề.

Chính với tầm nhìn này, MindX đã phối hợp với VTV7 triển khai dạy Tin học lớp 3 (theo chương trình giáo dục phổ thông mới) miễn phí trên kênh YouTube. Đưa giáo dục công nghệ căn bản đến tận phòng của mọi trẻ em trên đất nước, một cách miễn phí, thành tiền đề để xây dựng thế hệ công dân số là sứ mệnh giáo dục mà MindX quyết tâm theo đuổi đến cùng.

Đó cũng là triết lý giáo dục căn bản nhất của MindX: lập trình, không phải là một lĩnh vực nghề nghiệp, mà một loại ngôn ngữ. Giống như mọi ngôn ngữ khác, ngôn ngữ lập trình là phương tiện của giao tiếp, đồng thời là công cụ của tư duy. Người học ngôn ngữ này phải phát triển toàn diện về tư duy sao cho giải quyết được các vấn đề của cuộc sống bằng công cụ lập trình, và giao tiếp bằng phương tiện lập trình sao cho hướng đến mục tiêu chung sống ở cấp độ toàn cầu.

Từ niềm cảm hứng của Bình dân học vụ 1945, cho đến chiến lược quốc gia học tập để đuổi kịp của các nước Đông Á, và chính sách và triết lý giáo dục sớm kỹ năng công nghệ của Hoa Kỳ, tôi nghĩ giáo dục công nghệ đặc biệt có ý nghĩa với Việt Nam đương đại.

Khi bỏ học đại học và quyết tâm theo đuổi ngành lập trình, tôi chỉ có một suy nghĩ: nếu làm kỹ sư thì phải phụ thuộc vào hạ tầng kỹ thuật, nếu làm bác sĩ thì phải phụ thuộc vào bệnh viện; nhưng nếu làm lập trình viên thì chỉ cần một máy tính cá nhân đã có thể làm việc cùng cả thế giới.

Tương tự vậy với các quốc gia “đến muộn” trên bản đồ công nghệ, lập trình phần mềm trở thành cơ hội bắt kịp hiếm có khi không cần xây dựng hệ thống cơ sở vật chất khổng lồ (như Nhật Bản thời Minh Trị), không cần bí quyết công nghệ độc quyền (như linh kiện bán dẫn của Đài Loan). Với ngôn ngữ của lập trình (cùng trình độ tiếng Anh ở mức rất cơ bản), người học có thể học các kiến thức cập nhật nhất cùng bạn bè thế giới, gia nhập chuỗi lao động toàn cầu (nếu được huấn luyện tương đối bài bản như Đại học FPT đã dạy cho tôi), trở thành “tài sản chất xám” của công ty (thay vì là công nhân viên công xưởng toàn cầu như ở các ngành hàng cổ điển kiểu dệt may).

Đây là cơ hội chưa từng có trong lịch sử nhân loại, khi lần đầu tiên nền kinh tế toàn cầu lấy tri thức (có liên hệ mật thiết với công nghệ) làm “nhiên liệu” chính, từ đó rút ngắn khoảng cách giữa nhân lực và năng lực cạnh tranh giữa các quốc gia (so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở vật chất và các lợi thế cạnh tranh về tích lũy tư bản).

Bỏ lỡ cơ hội này là bỏ lỡ hàng trăm năm tiếp sau đó.

Điểm quan trọng cuối cùng mà tôi dành tất cả hy vọng của mình trong cuộc tranh đua học tập để đuổi kịp này đó là tố chất của thế hệ trẻ Việt Nam.

CEO Nguyễn Thanh Tùng và đồng sáng lập Nguyễn Thị Thu Hà tại một cơ sở đào tạo của MindX ở Hà Nội. Nguồn: MindX
MindX hiện có 32 cơ sở trên toàn quốc, đào tạo các bộ môn công nghệ từ lập trình, blockchain, phân tích dữ liệu, thiết kế UI-UX cho đến kiểm thử phần mềm. Nguồn: MindX

Theo báo cáo của Vietnam IT Market Report 2022, các chỉ số về trình độ chuyên môn của nhân lực ngành công nghệ Việt Nam liên tục thăng hạng trên các bảng xếp hạng (mặc cho việc nền giáo dục và công tác hướng nghiệp chung còn nhiều bất cập). Điều này thể hiện nội lực của Việt Nam phù hợp với lĩnh vực này.

Có lẽ sự chăm chỉ và thiên hướng học tập các môn khoa học tự nhiên (gần gũi với tư duy lập trình) đã giúp Việt Nam nhanh chóng học tập để đuổi kịp. Nhưng từ những kinh nghiệm làm việc với các bạn trẻ ở Techkids và MindX, tôi nghĩ nhân tố quan trọng nhất chính là khát vọng ở mỗi cá nhân, muốn khẳng định mình, với tư cách thế hệ trẻ Việt Nam, là một mảnh ghép trên bản đồ nhân lực công nghệ toàn cầu. MindX muốn dành toàn bộ nguồn lực để biến khát vọng đó thành hiện thực.

Tuy vậy, số liệu trên chỉ dừng ở nhóm lập trình viên chuyên nghiệp. Nhìn ở phổ rộng hơn – học tập quốc gia, Báo cáo chỉ số cạnh tranh toàn cầu 2019 cho thấy về chỉ số kỹ năng số trong dân số thì Việt Nam xếp ở vị trí 97/141 quốc gia. Riêng trong phạm vi 10 nước ASEAN thì Việt Nam xếp cuối bảng, thấp hơn cả Lào (74/141), chỉ hơn Campuchia (112/141).

Rõ ràng đang tồn tại một khoảng cách giáo dục vô cùng lớn giữa các nhóm được học tập, tiếp xúc với công nghệ và phần đông còn lại. Thực trạng này càng thúc đẩy MindX trong sứ mệnh Khuyến học: hướng tới một quốc gia lập trình, nơi học sinh nào cũng được hoàn thiện năng lực số (digital literacy) trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ toàn cầu 4.0 (và có lẽ là 5.0, 6.0 trong thời rất ngắn sắp tới).


Nguồn:

Trích Ước vọng về quốc gia lập trình