Hàn Quốc sẽ tái cơ cấu việc tài trợ cho nghiên cứu với mục tiêu cắt giảm chi tiêu nghiên cứu cơ bản đồng thời thúc đẩy đổi mới nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực y sinh, không gian và các lĩnh vực khác.

Nghiên cứu viên ở Viện KAIST. Nguồn: Viện KAIST
Nghiên cứu viên ở Viện KAIST. Nguồn: Viện KAIST

Vừa qua Chính phủ Hàn Quốc đã khiến nhiều nhà khoa học nước này ngạc nhiên khi đột ngột đề xuất cắt giảm 10,9% chi tiêu nghiên cứu vào năm 2024 và chuyển nguồn lực sang một số sáng kiến mới, bao gồm nỗ lực chế tạo tên lửa, theo đuổi nghiên cứu y sinh có rủi ro cao và xây dựng hệ sinh thái đổi mới công nghệ sinh học giống như mô hình của Hoa Kỳ.

Các nhà quản lý cho biết lần tái cơ cấu mạnh mẽ này có thể sẽ làm ngừng đà tăng chi tiêu liên tục cho khoa học kéo dài hàng thập niên qua, giúp đưa Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia có tiềm lực khoa học mạnh trên thế giới - là cần thiết để giúp giảm thâm hụt ngân sách ngày càng tăng và tập trung nguồn lực vào việc tạo ra các nhóm nghiên cứu hàng đầu toàn cầu về đổi mới sáng tạo để có thể tạo ra kết quả đột phá.

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu lo lắng về kế hoạch, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 12 tới đây. Vẫn còn những chi tiết quan trọng về ngân sách khoa học mà chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol đã ít tham khảo ý kiến các nhà nghiên cứu.

Ji-Joon Song, nhà sinh học cấu trúc tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), cho rằng: “Đó là điều khiến các nhà khoa học thực sự khó chịu chứ không chỉ là vấn đề cắt giảm ngân sách”.

Trong những năm gần đây, với các khoản chi khổng lồ của chính phủ và đầu tư tư nhân mạnh mẽ đã thúc đẩy tổng chi cho R&D của Hàn Quốc từ khoảng 3,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào thời điểm một thập niên trước lên đến mức chi hơn 4,9% vào năm 2022. Ngoài Hàn Quốc, chỉ có Israel chi cao hơn - ở mức 5,9% GDP cho R&D (mức chi của Hoa Kỳ là 2,6%). Tuy nhiên, vào cuối tháng sáu vừa qua, chính phủ đã có tín hiệu cho thấy chi ngân sách từ chính phủ sẽ thắt chặt hơn.

Sau khi các bộ yêu cầu tăng chi tiêu khoa học một cách vừa phải, Tổng thống Yoon đã chỉ đạo rằng ngân sách nghiên cứu phải được “đại tu lại từ con số 0”. Và ông kêu gọi các bộ trưởng “mạnh dạn đối đầu” với cái mà ông gọi là “các tập đoàn lợi ích săn mồi” trong cộng đồng nghiên cứu.

Tổng thống Yoon đề cập đến các chương trình tài trợ cho các viện nghiên cứu, doanh nghiệp nhỏ và một số học giả nhưng thiếu đi quy trình đánh giá cạnh tranh hoặc sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ. Tuy nhiên, liệu những nhóm này có phải là vì lợi ích nhóm hay không “còn khá nhiều tranh cãi”.

Vào ngày 28/8, Hội đồng Nhà nước Hàn Quốc đã thông qua một kế hoạch ngân sách được sửa đổi vội vàng. Theo Bộ Khoa học, kế hoạch này bao gồm 25,9 nghìn tỷ won (19,5 tỷ USD) dành cho khoa học và kỹ thuật, đồng thời tăng chi tiêu cho các lĩnh vực bao gồm trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và công nghệ vũ trụ. Nhưng tài trợ cho nghiên cứu cơ bản giảm 6,2% và tài trợ cho các viện nghiên cứu quốc gia, bao gồm cả Viện KAIST và Viện Khoa học cơ bản (IBS), giảm 9,4%.

Một câu hỏi lớn là liệu các viện - nơi thực hiện hầu hết các hoạt động khoa học cơ bản của quốc gia - có tiếng nói trong việc phân bổ tài trợ, cắt giảm tài trợ hay không.

Song, điều hành Basic Research United, đại diện cho 30 nhóm khoa học, lo ngại một số nhà nghiên cứu trẻ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc cải cách này. Chẳng hạn, một chương trình đang cấp khoảng 70 triệu won mỗi năm cho hầu hết các nhà nghiên cứu cơ bản, sắp bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng tới hầu hết các nhà nghiên cứu. Nhà sinh học phân tử Jung-Shin Lee, Đại học Quốc gia Kangwon cho biết, các khoản tài trợ này cho phép các nhà nghiên cứu mới bắt đầu sự nghiệp và các nhà nghiên cứu ở các trường đại học địa phương xây dựng năng lực chuyên môn để cuối cùng họ có thể đủ điều kiện nhận các tài trợ có tính cạnh tranh hơn. Lee cho biết, việc kết thúc chương trình tài trợ như vậy “cuối cùng sẽ có tác động tiêu cực” đến toàn bộ lĩnh vực nghiên cứu.

Dongheon Lee, một ứng viên tiến sĩ về kỹ thuật tại Viện KAIST, cũng là người đứng đầu hội sinh viên đã tốt nghiệp: “Có một nhận thức ngày càng tăng rằng sự nghiệp [khoa học và kỹ thuật] kém ổn định và ít sinh lợi hơn so với những nghề [trong] các lĩnh vực khác”. Nhóm của Lee và năm người khác đã đề nghị chính phủ xem xét lại việc cắt giảm ngân sách.

Trong khi đó, Bộ Y tế Hàn Quốc đã công bố hai sáng kiến đầy tham vọng. Một là “phiên bản Hàn Quốc” phỏng theo mô hình Dự án Nghiên cứu tiên tiến về Y tế Hoa Kỳ, cơ quan tìm cách tài trợ cho các nghiên cứu y sinh có rủi ro cao nhưng mang lại lợi nhuận cao. Kế hoạch này yêu cầu nguồn vốn lên tới 1,8 nghìn tỷ won trong vòng 10 năm, tùy thuộc vào khoản phân bổ trong tương lai. Cơ quan mới này được nhận trọng trách đảo ngược tình trạng các kết quả “không mấy ấn tượng” của nghiên cứu y sinh của Hàn Quốc và nắm lấy “khả năng chấp nhận thất bại và khả năng phục hồi sau thất bại”, theo Kyung Sun, cựu bác sĩ phẫu thuật và cố vấn tại Đại học Kyung Hee và là người đã thúc đẩy ý tưởng này. Các nghiên cứu được ưu tiên bao gồm đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine và giảm tỷ lệ ung thư.

Sáng kiến thứ hai, được gọi là dự án Boston-Hàn Quốc, sẽ nhận được 60,5 tỷ won vào năm 2024 để tạo mối liên kết giữa các tổ chức nghiên cứu của Hàn Quốc và khu vực Boston. Trong chuyến thăm Viện Công nghệ Massachusetts vào tháng tư, Tổng thống Yoon cho biết các cụm công nghệ sinh học của Boston có thể đóng vai trò là hình mẫu cho Hàn Quốc.

Song, một nhà nghiên cứu tại Trường Y Harvard, tán thành mục tiêu này. Tuy nhiên, “Chúng ta không thể bất ngờ tạo ra một cụm công nghệ sinh học khổng lồ trong một khoảng thời gian ngắn,” ông cảnh báo. “Chúng ta cần một kế hoạch dài hạn.”