Coi liên kết trường đại học - doanh nghiệp là “cái bắt tay chiến lược” cho sự phát triển, Đại học Bách khoa (ĐHBK) Hà Nội đã không chỉ trở thành một đơn vị năng động trong việc biến kiến thức hàn lâm thành tiền mà còn đi đầu trong xu thế tự chủ đại học.

Cú đẩy cho hai phía

Ông Nguyễn Đoàn Thăng - Tổng Giám đốc Công ty bóng đèn, phích nước Rạng Đông - kể, từng khó khăn đến mức có nguy cơ đóng cửa, công ty đã đề nghị ĐHBK Hà Nội hỗ trợ và nhóm nhà khoa học của trường đã đưa ra nhiều sáng kiến, giúp công ty tận dụng nguồn sản phẩm thải bỏ, tiết kiệm hàng triệu USD.

“Năm 2009, hai bên ký hợp tác phát triển toàn diện để ứng dụng các nghiên cứu vào sản xuất, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu tự thân tại công ty. Thành quả của việc hợp tác này là sự ra đời phòng thí nghiệm chung Hust-Radaco với hiệu quả rất tích cực cho cả hai bên” - ông Thăng nói.

Các sinh viên Viện Điện (ĐH Bách Khoa) đang trao đổi về module lọc tích cực 3 pha do viện Điện nghiên cứu. Ảnh: Loan Lê

Kết nối với doanh nghiệp là chủ trương của ĐHBK Hà Nội. “Đây là nhu cầu xuất phát từ lợi ích của hai phía, là “cái bắt tay chiến lược” cho sự phát triển của trường trong tương lai” - PGS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng ĐHBK Hà Nội - nhấn mạnh.

Ông cho biết trường mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp để thúc đẩy gắn kết đào tạo với sản xuất, nghiên cứu khoa học với chuyển giao công nghệ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp. Hoạt động thực tiễn tại doanh nghiệp cũng là kinh nghiệm quý để đổi mới mô hình quản trị của trường trong xu thế phát triến tự chủ đại học.

Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp đã ra đời từ “cái bắt tay” với ĐHBK Hà Nội, như đề tài về gia cường bề mặt ống thủy tinh của Viện Tiên tiến KH&CN đã ứng dụng tại Công ty Ralaco, nghiên cứu thiết bị pha dịch lọc tự động để điều trị thận nhân tạo của Viện Điện tử - Viễn thông được thử nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai...

Việc đào tạo gắn với nhu cầu xã hội cũng là kết quả “cái bắt tay” với doanh nghiệp, như chương trình Tài năng Samsung góp phần cung cấp kiến thức chuyên sâu và cơ hội nghề nghiệp cho các tài năng trẻ, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập...

Hình thành các nhóm đặt hàng

Trước thách thức về đổi mới giáo dục đại học và tự chủ đại học, Hiệu trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định: “ĐHBK Hà Nội cần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp cũng như học hỏi các kinh nghiệm từ họ để đổi mới mô hình quản trị”.

Về vấn đề hợp tác, bà Phạm Thị Hồng Hạnh - nguyên Tổng Giám đốc Công ty bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn - nói: “Trường và doanh nghiệp cần kết nối trong nghiên cứu chuyên sâu, hình thành các nhóm đặt hàng. Với nghiên cứu tốt, doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư chuyển giao công nghệ”.

PGS Hoàng Minh Sơn cũng cho biết, trường sẽ đẩy mạnh giao lưu, trao đổi giữa hai bên thông qua các hội thảo chuyên đề để giải quyết những vấn đề thực tiễn trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ”.