Đó là ý kiến của nhà nghiên cứu về dịch bệnh Fabian Leendertz, người đã sang Trung Quốc điều tra cội nguồn COVID-19 trong cuộc trả lời phỏng vấn trên báo Tuần Kinh tế.

Theo ông, cơ hội virus thoát khỏi phòng thí nghiệm có cao không?

Việc virus thoát khởi phòng thí nghiệm có thể do nhân viên bị lây nhiễm mà không biết, từ đó mang virus ra ngoài. Nhưng việc tiếp xúc tự nhiên của con người với các nguồn trong tự nhiên như với các loại dơi, các vật nuôi, các loại dã thú trong các trang trại mà không có sự bảo vệ, thì khả năng lây nhiễm rất lớn. Chúng tôi cần có nhiều dữ liệu hơn và sớm tiến hành giai đoạn hai của cuộc điều tra.

Đi tìm dấu vết virus. Fabian Leendertz (phải) tìm những con vật bị lây nhiễm
ở Bờ Biển Ngà.

Ví dụ việc dơi truyền virus sang người có thường hay xảy ra để qua đó xảy ra đại dịch?

Đại dịch bắt nguồn từ thế giới động vật hoàn toàn không có gì mới. Ngay cả bệnh sởi cũng bắt nguồn từ động vật, HIV từ con tinh tinh. Từ khi con người sống quần tụ ngày càng đông đúc hơn và định cư thì không xảy ra đại dịch mới là chuyện lạ.

Tại sao lại như vậy, thưa ông?

Chúng ta đã trải dài và rộng khắp một mạng lưới của con người, đâu đâu cũng có đường xá, sân bay. Cái đó là cần thiết nhưng cũng nguy hiểm. Qua đó chúng ta có dịp tiếp cận nhiều hơn với các loài sống trong tự nhiên, đồng thời cũng là ổ chứa virus. Đông người thì sẽ săn bắt, tiêu thụ nhiều loài động vật hơn. Đây là điều nguy hiểm mà ít ai lường hết được. Vấn đề đặt ra là, chúng ta phải làm gì để giảm nguy cơ bị đại dịch như thế này?

Vậy ông sẽ bắt đầu từ đâu?

Đầu tiên là vấn đề nhận thức: chúng ta chỉ có thể thực hiện các biện pháp đáp trả một khi chúng ta tạm hiểu được về cái hệ thống đó. Do đó trong dự án nghiên cứu của mình chúng tôi xem xét mối quan hệ giữa người và con vật ở những vùng mà hạ tầng cơ sở y tế còn nhiều yếu kém. Tôi có hai cơ sở thí nghiệm thực địa, một ở Bờ Biển Ngà, một ở Congo ở trong rừng sâu. Mỗi khi thấy xác một con khỉ đột, chúng tôi thấy rất phấn kích. Chúng tôi tìm cách để làm rõ về nguyên nhân cái chết của nó?

Điều đó có gì quan trọng, thưa ông?

Người vượn có quan hệ họ hàng gần gũi nhất với con người, cái gì làm cho nó ốm thì cũng quan trọng với chúng ta. Với những người làm nghiên cứu như chúng tôi thì nó đại để như những con chuột thí nghiệm tự nhiên. Hơn nữa chúng lại sinh sống trong một môi trường với nhiều loại vi sinh vật - trong số đó có thể ẩn chứa các loại virus sát thủ với con người. Vì thế chúng tôi mới phải lấy mẫu phân, nước tiểu của chúng để phân tích. Nếu các con vật đó bị chết chúng tôi cũng làm xét nghiệm tử thi, tất nhiên thực hiện các biện pháp bảo hộ cần thiết, đương nhiên luôn mặc đồ bảo hộ.

Các vị có thể đọc được gì từ các loại mẫu đó?

Chúng tôi giải trình tự gene tất cả những gì mà chúng tôi thu thập được từ cái xác những con vật mà chúng tôi phát hiện. Thí dụ qua đó chúng tôi đã phát hiện được một loại mầm bệnh than mới - còn gọi là bệnh đậu mùa ở khỉ, bệnh này có thể lây sang người. Với công nghệ này chúng tôi có thể chẩn đoán những biến thể mới ở những mầm bệnh đã biết.

Như vậy có nghĩa là thông qua phân tích - DNA có thể tìm thấy những bệnh dịch mới trong động vật trước khi chúng có thể lây lan sang người?

Đối với chúng tôi các dữ liệu thu được đều rất có ý nghĩa: đó là loài vật nào? Ở đâu? Có liên quan gì với con người? Chúng tôi muốn làm sáng tỏ mọi chuyện đó. Vấn đề đặt ra là: Có thể làm điều đó trên diện rộng, một cách bao quát, được không? Điều này vô cùng khó. Không phải các bệnh viện ở trong rừng đều có thiết bị để giải trình tự gene. Ví thử SARS-CoV-2 ở châu Phi lây sang người, thì chúng ta có thể chẩn đoán được virus lần đầu tiên, khi nó lan sang đến Đức.

COVID-19 là một lời cảnh tỉnh đối với cộng đồng thế giới để cải thiện cấu trúc. Kể từ đó, chúng ta đã làm được bao nhiêu?

Chúng tôi được chuẩn bị tốt hơn so với cách đây hai năm. Nhưng chúng ta phải mở rộng hạ tầng cơ sở y tế cho tới các vùng tiếp giáp với các nước ở vùng nhiệt đới. Chúng ta giúp các nước đó về trang bị kỹ thuật và đào tạo nhân lực tại chỗ để họ phát hiện các triệu chứng lạ chưa từng thấy và báo cáo với cơ quan chức năng. Nếu chúng ta không làm được điều đó, không tăng cường được các cấu trúc ở các khu vực yếu kém về kinh tế thì chúng ta không bao giờ chặn đứng được các dịch bệnh nhỏ trước khi chúng phát triển thành đại dịch.

Liệu có nguy cơ một đại dịch tương tự như corona sẽ sớm tái phát?

Xin đừng nghĩ dịch bệnh tiếp theo sẽ diễn ra y như COVID-19. Hãy nghĩ đến HIV: con virus lây lan thầm lặng mà không ai hay biết, và gây biết bao thiệt hại cho xã hội. Đối với tôi đó mới là một đại dịch thực sự tồi tệ nhưng nó đã lẩn khuất trong dư luận xã hội. Liệu rồi đây sẽ có một đại dịch mới hay không - chúng ta có thể phải tính đến chuyện đó.