Được truyền cảm hứng từ thành công của Tiến trình Bologna, Bộ Giáo dục của các quốc gia Đông Nam Á đã cùng tụ hội vào cuối tháng Bảy vừa qua để đặt những bước khởi đầu cho một không gian giáo dục đại học chung ở khu vực này.

Các sinh viên Đông Nam Á trong chương trình trao đổi sinh viên tại một trường đại học ở Thái Lan. Ảnh: Shutterstock
Các sinh viên Đông Nam Á trong chương trình trao đổi sinh viên tại một trường đại học ở Thái Lan. Ảnh: Shutterstock

Mùa hè năm 1999, bên trong Đại học Bologna (Ý) - ngôi trường lâu đời nhất còn hoạt động ở châu Âu, các Bộ trưởng Bộ Giáo dục của 29 quốc gia (trong đó có 16 quốc gia thành viên EU) đã cùng nhau ký kết Tuyên bố Bologna, mở ra tham vọng cải cách giáo dục đại học tại châu lục này.

Tuyên bố là tài liệu hướng dẫn chính để thực hiện Tiến trình Bologna (Bologna Process), gồm một loạt các cuộc họp và các thỏa thuận xuyên quốc gia nhằm tiến hành các cải cách cần thiết, hướng đến tạo nên Khu vực Giáo dục đại học châu Âu (European Higher Education Area) vào năm 2010. Hiểu một cách đơn giản, khu vực giáo dục chung này là một không gian giáo dục đại học thống nhất, các quốc gia xây dựng một hệ thống giáo dục phổ thông (12 lớp) và đại học (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ), khung văn bằng (EQF) thống nhất. Tiến trình còn bao gồm việc xây dựng hệ thống chuyển đổi và tích lũy tín chỉ châu Âu (ECTS) - tiêu chuẩn để so sánh năng lực và thành tích của sinh viên trên toàn EU cũng như các nước khác tham gia sáng kiến này.

Nhờ Tiến trình Bologna, có thể so sánh các trường đại học theo một thang thống nhất, xóa nhòa sự khác biệt giữa quy trình đào tạo ở các quốc gia, tăng tính liên kết giữa các trường đại học trong khu vực. Một sinh viên tốt nghiệp bằng cử nhân ở Tây Ban Nha có thể vào học thạc sĩ ở Đức. Đến nay, đã có 48 quốc gia tham gia Tiến trình Bologna, hầu hết là các nước châu Âu.

Tiến trình Bologna không chỉ đưa nền giáo dục đại học trên toàn châu Âu trở nên tương thích, tăng tính cạnh tranh và thu hút thêm nhiều sinh viên và nhà nghiên cứu mà còn là minh chứng sống động cho thấy ý tưởng về một không gian chung xóa nhòa ranh giới giáo dục giữa các quốc gia không phải là một ảo tưởng xa vời.

Được truyền cảm hứng từ thành công của Tiến trình Bologna, Bộ Giáo dục của các quốc gia Đông Nam Á đã tụ hội vào cuối tháng Bảy vừa qua để họp bàn việc xây dựng một không gian giáo dục đại học chung. Lộ trình “sẽ tạo sự hài hòa và quốc tế hóa giáo dục đại học ASEAN, đặc biệt tăng cường kết nối giữa con người với con người, xây dựng cộng đồng ASEAN”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Văn Phúc cho biết tại lễ công bố lộ trình Không gian giáo dục đại học ASEAN 2025 và kế hoạch thực hiện lộ trình này.

Ông Libing Wang, trưởng bộ phận đổi mới giáo dục và phát triển kỹ năng tại UNESCO Bangkok, lưu ý rằng không gian giáo dục chung là rất cần thiết nếu muốn hội nhập kinh tế khu vực. Nó cũng giúp “gia tăng tính minh bạch và khả năng so sánh về trình độ giữa các nền giáo dục”. Vì lẽ đó, việc hoàn thiện một tài liệu hướng dẫn xây dựng không gian giáo dục chung sẽ là “thành tựu quan trọng của ngành giáo dục,” như lời của Tổng thư ký Hiệp hội ASEAN Lim Jock Hoi.

Một chương trình nghị sự đầy tham vọng

Về cơ bản, Không gian giáo dục đại học ASEAN hướng đến thúc đẩy sự dịch chuyển của sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu và thực tập sinh qua lại trong khu vực; phát triển các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung và hệ thống tín chỉ giáo dục đại học thống nhất.

Tuy nhiên Không gian giáo dục đại học ASEAN không phải là một phiên bản sao chép hoàn toàn của Tiến trình Bologna, các chuyên gia giáo dục trong khu vực đã đề xuất những phương thức mới để thích ứng với những thay đổi của giáo dục đại học kể từ sau đại dịch - chẳng hạn như hợp tác học tập trực tuyến xuyên biên giới, học bổng mang thương hiệu ASEAN, và xây dựng hệ thống chuyển đổi tín chỉ giữa ASEAN và EU.

Hiện tại, thỏa thuận chung mới chỉ công nhận sáu lĩnh vực (kỹ thuật, điều dưỡng, kiến trúc, y học, nha khoa và du lịch). Ông Libing Wang gợi ý các chuyên gia nên bổ sung thêm nhiều lĩnh vực hơn để các nhà nghiên cứu, sinh viên ở các ngành nghề khác cũng có cơ hội học tập và làm việc ở nhiều quốc gia trong khu vực.

Thậm chí, ông dự kiến, nếu có thể tập hợp nguồn tài trợ bằng cách “quy tụ các nguồn lực từ những tổ chức cấp học bổng hiện có trong khu vực, cả nhà nước và tư nhân”, một phiên bản ASEAN của các chương trình trao đổi sinh viên như Erasmus+ và Erasmus Mundus của Liên minh châu Âu sẽ ra đời!

Đây là một chương trình nghị sự đầy tham vọng, bởi nếu muốn có một thỏa thuận tiêu chuẩn chung về bằng cấp trong khu vực, các chuyên gia phải tìm cách cải thiện độ chênh lớn về trình độ giáo dục giữa các nước. “Lộ trình dự kiến sẽ hình thành nên một không gian giáo dục đại học chung vào năm 2025, nhưng thực chất 2025 chỉ là điểm khởi đầu,” ông Roger Chao Jr - người đứng đầu bộ phận giáo dục, thanh niên và thể thao của Ban Thư ký ASEAN tại Jakarta - thừa nhận. Ông cho rằng, các nước phải đề ra các ưu tiên và đảm bảo hiện thực hóa các mục tiêu đúng thời hạn, “nếu không, chúng ta sẽ rơi vào tình cảnh xôi hỏng bỏng không”.

Đó cũng là điều mà ông Philip Masterson, cán bộ phụ trách Trung tâm Đào tạo khu vực của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO-RIHED) tại Bangkok, đã tiên liệu. “Giáo dục đại học đang thay đổi với tốc độ nhanh chóng, điều này khiến chúng ta khó mà lập kế hoạch với tầm nhìn 5 năm, 10 năm”. “Chúng tôi muốn tất cả các đối tác cùng tham gia để xác định kế hoạch cùng nhau,” ông nói và nhấn mạnh rằng “việc này sẽ mất nhiều thời gian - năm 2025 sẽ không phải là cột mốc kết thúc.”

Cần niềm tin và sự đồng lòng

Các chuyên gia hoàn toàn có cơ sở khi tỏ ra thận trọng trước tham vọng về một không gian giáo dục đại học chung ASEAN. Trên thực tế, các nước trong khu vực từ lâu đã có ý định hợp tác với nhau để tăng cường sự trao đổi tri thức giữa sinh viên các nước và công nhận chứng chỉ lẫn nhau. “Những cuộc thảo luận về hợp tác giáo dục đại học hay thậm chí là không gian giáo dục chung ở Đông Nam Á đã rục rịch bắt đầu từ năm 2007. Nhưng lúc bấy giờ nền giáo dục đại học trong khu vực vẫn chưa đủ ‘trưởng thành’ để triển khai các sáng kiến hợp tác và quốc tế hóa,” ông Roger Chao Jr nhớ lại.

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng tin vui là các quốc gia Đông Nam Á sẽ không đi một mình. Từ năm 2015, EU đã tài trợ cho chương trình SHARE (Hỗ trợ Giáo dục Đại học trong Khu vực ASEAN) để giúp xây dựng năng lực giáo dục đại học và tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế - dựa trên bài học kinh nghiệm mà họ rút ra từ quá trình thực hiện Tiến trình Bologna.

Thông qua chương trình SHARE, EU “đã giúp các tổ chức, các bên liên quan đến giáo dục đại học, và đặc biệt là sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu giữa các nước có nhiều cơ hội hợp tác và gắn kết với nhau hơn,” ông Chao khẳng định.

Là người đã chứng kiến từng bước lột xác của nền giáo dục Đông Nam Á, ông Masterson bày tỏ sự đồng tình: “Nếu có dịp nhìn lại nền giáo dục trong khu vực cách đây 5, 10 năm, bạn sẽ vẫn thấy sự hiện diện của những tổ chức giáo dục quen thuộc. Nhưng chúng tôi lúc bấy giờ không nhất thiết phải quan tâm đến khía cạnh hợp tác, mức độ tin cậy mà giờ đây chúng tôi đang tập trung gây dựng.” Ông lý giải thêm rằng đại dịch đã “hình thành nên mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa chúng tôi”.

Giáo dục đại học đang thay đổi nhanh chóng. Không quốc gia nào muốn lặp lại sự gián đoạn học tập và tình cảnh hỗn loạn mà họ từng trải qua khi đại dịch bùng phát. Nhờ đó, các quốc gia đều đồng lòng thay đổi, cùng tham gia vào lộ trình phát triển không gian giáo dục đại học chung. Tất nhiên, đạt tới mục tiêu đó vào năm 2025 là điều bất khả, nhưng các nước vẫn có thể hoàn thành kế hoạch bước đầu trong hai năm tới “nếu có sự tham gia đồng lòng của tất cả các tổ chức khu vực và ngoài khu vực,” ông Wesley Teter - cố vấn cấp cao của UNESCO, Bangkok - hào hứng.

Thách thức về nguồn lực tài chính

Theo kế hoạch được công bố mới đây, đại diện Ban Thư ký ASEAN, SEAMEO-RIHED và Quỹ ASEAN sẽ cùng dẫn dắt lộ trình và kế hoạch thực hiện sáng kiến trong hai năm tới. Bộ Giáo dục và Đào tạo của các nước, Mạng lưới Các trường đại học ASEAN (AUN) sẽ tham gia thực hiện. Các tổ chức lớn khác như UNESCO, Hội đồng Anh, Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) và Nuffic của Hà Lan sẽ đồng hành hỗ trợ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chương trình SHARE của EU kết thúc vào tháng 12 năm nay, một số chuyên gia đặt câu hỏi về nguồn vốn để thực hiện lộ trình. “Chúng ta đang đối diện với một bài toán lớn về nguồn tài trợ, vì ASEAN không vận hành giống như EU,” ông Chao bày tỏ nỗi băn khoăn, bởi quỹ hoạt động của EU là do các thành viên EU cùng đóng góp. “Chúng tôi cần tiền và khoản hỗ trợ từ các quốc gia thành viên. Bằng cách nào đó, chúng tôi muốn đảm bảo rằng các sáng kiến giáo dục sẽ được duy trì nhờ sự dẫn dắt của một quốc gia thành viên hay sự đồng lòng của cả tập thể.”

Nếu không có tiền tài trợ, “người học, nhà nghiên cứu sẽ khó dịch chuyển giữa các nước vì họ cần học bổng để trang trải,” ông Teter nhấn mạnh. “Nếu không có tiền, người học sẽ là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các đơn vị lớn sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình quốc tế hóa vì họ có nguồn lực và họ thấu hiểu giá trị của việc giao lưu tri thức xuyên biên giới, nhưng sinh viên tại các trường đại học hạng trung và những trường khác thì lại không thể tham gia các chương trình trao đổi, từ đó bỏ lỡ rất nhiều cơ hội quý giá.” Nói cách khác, không gian giáo dục chung sẽ trở nên vô nghĩa nếu không phải ai cũng có cơ hội tiếp cận nó. “Chẳng khác nào chúng ta đang tạo ra một mạng lưới dành cho các cơ sở giáo dục ưu tú, tinh hoa”.

Ông Choltis Dhirathiti, Giám đốc điều hành AUN, cũng có những nghi ngại về vấn đề kinh phí. “Chúng tôi cần được đầu tư, bố trí ngân sách; nếu không thì lộ trình này chẳng thể đi đến đâu. Tuy vậy, chúng tôi cũng cần tìm ra mô hình tài trợ phù hợp, bởi vì chúng tôi không thể chỉ dựa vào nguồn tiền của chính phủ”. Ông cho rằng, trong tương lai, các chuyên gia nên tìm kiếm các cách tài trợ khác, bao gồm cả thông qua hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp trong khu vực - đó sẽ là phương thức hợp lý nhằm duy trì hoạt động của không gian chung.