Theo đó, bao gồm:Sản xuất hoặc nhân giống, chế biến nhằm mục đích nhân giống, chào hàng, bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường khác, xuất - nhập khẩu, lưu giữ để thực hiện các hành vi trên.
Ngoài ra, chủ bằng có quyền ngăn cấm người khác có hành vi xâm phạm quyền (khai thác, sử dụng mà không được phép của chủ bằng; sử dụng tên trùng hoặc tương tự tên giống đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài hoặc loài liên quan gần gũi với giống được bảo hộ; sử dụng giống được bảo hộ mà không trả tiền đền bù); quyền thừa kế, kế thừa, chuyển giao.
Dưới đây là quy trình thủ tục cấp bằng BHGCT:
Nộp đơn đăng ký
Đơn đăng ký BHGCT mới được nộp theo một trong 3 cách: Trực tiếp, gửi qua bưu điện, thông qua đại diện. Cán bộ văn phòng BHGCT mới thẩm định hình thức đơn. Nếu không có thiếu sót, đơn được công bố trên website của văn phòng (pvpo.mard.gov.vn) hoặc tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Nếu kết quả khảo nghiệm cho thấy giống đảm bảo các điều kiện thì giống đó được công nhận và quyền tác giả được xác lập.
Tổ chức, cá nhân chọn tạo, phát hiện, phát triển giống cây trồng hoặc đầu tư cho việc chọn tạo, phát hiện, phát triển giống được hưởng quyền nộp đơn là các tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc: Là công dân các nước thành viên Công ước quốc tế về BHGCT mới (UPOV); không mang quốc tịch các nước thành viên UPOV nhưng có địa chỉ thường trú tại Việt Nam hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam; không thuộc các nước thành viên UPOV nhưng là công dân các quốc gia có thỏa thuận với Việt Nam về BHGCT.
Đơn đăng ký gồm: Tờ khai đăng ký BHGCT, tờ khai kỹ thuật, ảnh chụp giống đăng ký, bản sao chứng từ nộp phí thẩm định; giấy tờ khác (nếu có).
Công bố đơn và bảo hộ tạm thời
Việc công bố đơn (trên website của Văn phòng BHGCT mới hoặc tạp chí NN&PTNT) được thực hiện trong vòng 15 ngày kể từ ngày hoàn tất thẩm định hình thức đơn nhằm nhận phản hồi của bất cứ ai có ý kiến liên quan đến việc cấp hoặc từ chối cấp bằng BHGCT. Nội dung công bố gồm tên tác giả, tên giống, số đơn, ngày nộp đơn...
Việc thẩm định giống cây trồng có thể mất nhiều năm - từ lúc nhận đơn tới lúc cấp bằng. Vì vậy, trong quá trình thẩm định, giống đăng ký sẽ được bảo hộ tạm thời.
Thẩm định đơn
Sau khi đơn được công bố, các cán bộ thẩm định sẽ tiến hành thẩm định đơn. Theo đó, các giống đăng ký phải được khảo nghiệm kỹ thuật về tính khác biệt, tính mới, tính đồng nhất và tính ổn định (khảo nghiệm DUS). Có 2 phương pháp khảo nghiệm kỹ thuật: Khảo nghiệm bởi cơ quan có thẩm quyền được Bộ NN&PTNT chỉ định (hiện Trung tâm Khảo nghiệm giống và sản phẩm cây trồng quốc gia là cơ quan đầu mối thực hiện); khảo nghiệm tác giả (tác giả tiến hành dưới sự giám sát của cán bộ thẩm định thuộc cơ quan có thẩm quyền).
Thời gian khảo nghiệm kỹ thuật thường là 2 chu kỳ sinh trưởng (2 vụ khảo nghiệm trong cùng một điều kiện). Nếu sau một vụ đã có kết quả chắc chắn về tính khác biệt và tính đồng nhất của giống thì có thể không cần thực hiện vụ thứ hai.
Ngoài khảo nghiệm kỹ thuật, cơ quan thẩm định có thể áp dụng thẩm định tài liệu, nghĩa là sử dụng kết quả khảo nghiệm kỹ thuật đã có để thẩm định. Kết quả khảo nghiệm này có thể do tác giả cung cấp hoặc do Văn phòng BHGCT mới trao đổi với các quốc gia thành viên UPOV.
Cấp bằng bảo hộ
Sau khi thẩm định, nếu giống đăng ký đảm bảo được các điều kiện quy định, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT sẽ ra quyết định cấp bằng BHGCT mới. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày đăng công bố quyết định, nếu không có ý kiến phản đối, cục sẽ chính thức cấp bằng bảo hộ và tác giả giống cây trồng sẽ được hưởng quyền tác giả. Bằng bảo hộ có giá trị trên lãnh thổ Việt Nam, có hiệu lực trong 25 năm với cây thân gỗ và cây leo thân gỗ, 20 năm đối với các cây trồng khác.
Trong thời hạn hiệu lực, bằng có thể bị đình chỉ (nếu giống không còn đồng nhất, ổn định như khi được cấp bằng; chủ bằng không nộp phí duy trì hiệu lực hoặc không cung cấp thông tin, vật liệu giống cho việc duy trì, không đổi tên giống theo yêu cầu) hoặc bị hủy bỏ (nếu đơn đăng ký bảo hộ do người không có quyền đứng tên, giống không đáp ứng điều kiện tính mới hoặc tính khác biệt, không đồng nhất hoặc không ổn định tại thời điểm cấp bằng).
Các khoản phí, lệ phí BHGCT (cho mỗi giống)
Phí thẩm định đơn: 2 triệu đồng/đơn khi nộp đơn đăng ký bảo hộ. Nếu thẩm định lại đơn thì mức phí bằng 50% mức nộp lần đầu. Phí và lệ phí cấp bằng bảo hộ: Phí khảo nghiệm DUS là 8,3 triệu đồng đối với giống cây hằng vụ, 11 triệu đồng đối với giống cây hằng năm, 24 triệu đồng đối với giống cây lâu năm. Nếu tác giả tự khảo nghiệm thì nộp phí bằng 50% các mức trên.
Phí duy trì hiệu lực bảo hộ bằng: Nộp theo 5 giai đoạn gồm từ năm thứ nhất đến năm thứ ba, từ năm thứ tư đến năm thứ sáu, từ năm thứ bảy đến năm thứ chín, từ năm thứ mười đến năm thứ mười lăm với mức phí lần lượt là 3-5-7-10-15 triệu đồng. |