Mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của đất nước được Triều Tiên đặt trên cơ sở tăng cường năng lực KH&CN, đặc biệt là công nghệ cao.

Phòng thí nghiệm Thực tế số được trường Đại học Pyongyang thành lập để hỗ trợ nghiên cứu vật lý, hóa học và nhiều thí nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác. Nguồn: VRScout
Phòng thí nghiệm Thực tế số được trường Đại học Pyongyang thành lập để hỗ trợ nghiên cứu vật lý, hóa học và nhiều thí nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác. Nguồn: VRScout

Các nhà khoa học từ khắp nơi trên đất nước Triều Tiên tham dự Hội chợ thương mại quốc tế mùa xuân Pyongyang như nơi lý tưởng để thúc đẩy việc đưa những thành tựu công nghệ tiên tiến nhất và mới nhất trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm điện tử, máy móc, vật liệu xây dựng, vận tải y tế công cộng, công nghiệp nhẹ, thực phẩm và thậm chí cả ngành công nghiệp tiêu dùng.

Năm nay, nhiều quốc gia mạnh về công nghệ đã cử phái đoàn tới hội chợ, bao gồm Trung Quốc, Đức, Ý và Iran. Dù tình trạng bị cô lập trong một thời gian dài, các thông tin từ hội chợ cho thấy các nghiên cứu khoa học và nỗ lực phát triển công nghệ tiên tiến đã được thúc đẩy một cách mạnh mẽ ở Triều Tiên. Có được điều này là do nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un với tham vọng thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển nhanh thông qua việc áp dụng các công nghệ tiên tiến.

Thúc đẩy kinh tế bằng công nghệ

Tại một diễn đàn vào năm 2017, Kang Ho-je – giám đốc Viện Nghiên cứu KH&CN Triều Tiên cho biết Chính phủ Triều Tiên đã hỗ trợ cho cộng đồng khoa học thông qua việc xây dựng nhiều cơ sở vật chất dành riêng cho họ sử dụng, đồng thời cho phép các viện nghiên cứu trong những lĩnh vực khoa học tiên tiến như công nghệ nano tham gia vào các nghiên cứu với các nhà khoa học quốc tế. Ông Byun còn hé lộ thêm, Triều Tiên đang khuyến khích thương mại hóa các kết quả nghiên cứu ở các viện nghiên cứu và các trường đại học, và có vẻ như bắt đầu xuất hiện việc chuyển giao công nghệ từ lĩnh vực quốc phòng ra bên ngoài.

Theo Viện KH và CNTT Hàn Quốc (KISTI), số lượng các công bố quốc tế của các nhà khoa học Triều Tiên từ năm 2012 đến năm 2016 đã tăng trưởng một cách bền vững. Trong suốt thời kỳ này, các nhà khoa học Triều Tiên đã xuất bản tổng cộng 396 công trình. Vào năm 2012, khi Kim Jong-Un lên nắm quyền, số lượng công bố đã tăng lên gấp ba lần năm trước. Viện KISTI nhận xét, số lượng các công trình của Triều Tiên thông qua hợp tác quốc tế cũng tăng lên. Giữa năm 2012 đến 2016, có 60 công bố độc lập do Triều Tiên thực hiện và 336 là có sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế.

Một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học là cơ quan tuyên truyền nhà nước Ariang – Meari, Cơ quan thông tin KH&CN trung ương Triều Tiên đã có Key 1.0 - một chương trình mới cho phép những người sử dụng có thể kiểm tra được các công nghệ mới do nhiều quốc gia khác phát triển, chủ yếu là công nghệ mới phát triển sau năm 2017 và các tạp chí khoa học toàn cầu sau năm 2016. Điều này cho thấy những mong muốn không trở thành kẻ tụt hậu trên sân khấu công nghệ toàn cầu của Triều Tiên.

Tập trung vào tự động hóa

Giữa các công nghệ tiên tiến, Triều Tiên đang tập trung vào công nghệ tự động hóa, được áp dụng cả cho mục tiêu quân sự lẫn quốc phòng. Một trong những dấu hiệu đó là việc DPRK Today – một trang tuyên truyền của nhà nước Triều Tiên, đưa một video clip về giải bóng đá robot dành cho sinh viên đại học trong thời điểm cả thế giới sôi lên vì World Cup tại Nga. Theo clip này, một nhóm sinh viên trường Đại học Công nghệ Kim Chaek giành ngôi vô địch sau khi giành thắng lợi 5-1 trong trận chung kết với trường Đại học Công nghiệp than Pyongsong, đội tuyển trường Đại học Công nghiệp nhẹ Han Duk Su Pyongyang xếp thứ ba.

Việc tổ chức một giải bóng đá robot như vậy cho thấy, việc nghiên cứu các công nghệ tự động hóa đang được tiến hành một cách rộng rãi trong các viện nghiên cứu và trường đại học của Triều Tiên, chứ không phải một vài nhóm nghiên cứu do chính phủ chỉ đạo trực tiếp.

Vậy những sinh viên này học những gì và họ đã tiến bao xa? Theo bản tin của trường đại học hàng đầu Kim Il Sung, trường đại học này đang nghiên cứu về cách đo đạc khoảng cách và nhận biết chướng ngại vật khi các robot tự di chuyển. Cụ thể, nó nghiên cứu các thiết bị hình ảnh chuyển động, laser đo khoảng cách và các máy móc có khả năng kết hợp thông tin hình ảnh và thông tin khoảng cách. Họ triển khai các hướng nghiên cứu này với nhận thức các công nghệ tự động hóa là xu hướng toàn cầu.

“Phát triển các công nghệ tự động đòi hỏi trình độ cao trong hiểu biết về trí tuệ nhân tạo để tăng thêm kiến thức về cơ học, điện tử, mạng không dây, khoa học máy tính. Hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới phát triển và ứng dụng các loại công nghệ tự động khác nhau vào đời sống hằng ngày, bao gồm việc ứng dụng trong du lịch và công nghiệp”, bản tin này viết.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, việc phát triển các công nghệ tự động này của Triều Tiên cũng chưa hẳn mang tín hiệu tốt bởi họ có thể ứng dụng các công nghệ này vào quốc phòng như phát triển máy bay trinh sát không người lái hơn là vào du lịch, công nghiệp.

Thời gian gần đây, nhà lãnh đạo Kim Jong Un liên tiếp nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quá trình phát triển và ứng dụng thành tựu KH&CN trong các bài phát biểu của mình. Ví dụ vào tháng 5/2016, Kim Jong Un đã nêu rõ vai trò của công nghệ cao trong “phát triển kinh tế đất nước” còn trước đó, tháng 11/2015, ông “đặt hàng” các quan chức quân sự phát triển nghiên cứu “một cách chiến lược” công nghệ tự động hóa không chỉ cho máy bay trinh sát không người lái mà còn thúc đẩy tiềm năng lưỡng dụng của công nghệ này trong những lĩnh vực khác.

Do đó dù có vì mục tiêu gì, tăng cường năng lực quốc phòng hay thúc đẩy nền kinh tế thì Triều Tiên đã xác định một cách rõ rệt việc nâng cao các năng lực của mình trong công nghệ tự động hóa.

Dù Triều Tiên có chiến lược tăng cường phát triển kinh tế bằng việc áp dụng các thành tựu KH&CN thì cũng khó có thể thực hiện được mục tiêu này bởi việc Triều Tiên thực thi chính sách “Byungjin” - chính sách phát triển song song kinh tế và quốc phòng, nhưng về thực chất họ dành nhiều nguồn lực vào phát triển những công nghệ liên quan đến quốc phòng, theo GS Choi Hyun-kyu – nhà khoa học Hàn Quốc