Sau vòng trình bày của 12 đội thi với đa dạng thành phần: học sinh, sinh viên, người khuyết tật… bà Marianne Oehlers, Trưởng Văn phòng Hợp tác Chương trình, UNICEF tại TP. HCM nắm chặt tay họ và bảo: “Chúng ta thực sự đã tìm thấy một thế hệ không giới hạn rồi”...
Giới hạn là bầu trời
Chiều 16.12, buổi thi thuyết trình của 12 đội, tìm ra từ hơn 50 hồ sơ tham dự chương trình “Thế hệ không giới hạn - Generation Unlimited” - một chương trình triển khai toàn cầu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc đã thực sự thổi bay đi những nghi ngại ban đầu. 12 đội thi, không chỉ vững vàng về ý tưởng, thành thạo các công cụ khởi nghiệp hiện đại và còn dư sức đi đường dài sau vòng ươm tạo sắp diễn ra…
Mở màn chương trình, là bốn cô học sinh cấp 3, lên kể chuyện: “Đêm qua đội bóng đá của chúng ta đã vô địch Đông Nam Á, lần thứ ba. Đây là lần thứ ba, chứ không phải lần thứ hai sau 10 năm trước đâu, nhưng ai cũng quên mất, là đội bóng đá nữ cũng đã từng vô địch Đông Nam Á mà… Do đó, bình đẳng giới thực sự là một chuyện cần được thực hiện nhiều hơn ở nước mình.
Chúng tôi học được từ các nghiên cứu trên thế giới rằng, lứa tuổi dễ tiếp cận về bình đẳng giới nhất chính là các em bé gái từ 4 đến 8 tuổi, và cách tiếp cận quan trọng nhất cho độ tuổi này chính là thông qua các câu chuyện kể. Vậy nên nhóm chúng tôi tên là Folktale - những câu chuyện kể đêm khuya - với mong muốn tạo ra và lan tỏa các câu chuyện cho các bé gái nhỏ, để các em trở thành những người phụ nữ mạnh mẽ hơn trong xã hội sau này…
Đâu cứ phải công chúa là phải chờ hoàng tử tới cứu, đâu cứ phải con gái là không được chơi siêu nhân. Những chuyện kể nên có là chuyện cô gái nhỏ có thể trở thành thủ thư, để mang sách đến cho mọi người. Hay là chuyện kể hàng đêm của các cô bé cá tính không theo kiểu Tấm cứ khóc mỗi lần không làm được việc…”.
Họ đứng đó, trẻ trung, hồn nhiên và cực kỳ sắc bén, đầy ắp đam mê. Giám khảo nhìn nhau, thật là… lợi hại, khi mà các cô gái trẻ này chưa kịp 18 tuổi, đã tự đứng dậy, giải quyết vấn đề của thế hệ mình…
Niềm tự hào cuộc sống
Lại có một nhóm khác, lên trình bày cùng tranh vẽ những vườn rau nhiều sắc màu. Nhóm của họ, có một bạn nữ tên là Hậu, sinh ra đã chỉ toàn nhìn thấy màn đêm. Khẩu hiệu hành động của họ, nghe thì đơn giản nhưng lại tràn đầy niềm tin cuộc sống: “Không phải bất hạnh đâu - chỉ là bất tiện thôi”.
Hậu kể câu chuyện của mình: “Em ở thành phố, đi học trường khiếm thị, thầy cô giảng gì thì biết cái đó. Em có học về con gà, về cây ổi, nhưng không biết nó như thế nào cả. Cái này gọi là khái niệm ngôn ngữ rỗng, vì nói một thứ mà mình không biết, không có thể tưởng tượng ra được. Vậy nên nhóm chúng em chỉ muốn làm một việc đơn giản thôi: tổ chức các buổi đi đến nông trại cho các bạn tiểu học khiếm thị ở thành phố. Ở đó các bạn sẽ được nghe giới thiệu về nông trại, được tận tay sờ vào những lá rau, được ôm những thân cây và nghe bác nông dân kể chuyện làm sao để trồng ra rau, ra cây. Ở đó, các bạn còn được ra thăm chỗ nuôi lợn, được sờ vào con lợn, con gà thực sự. Sau đó mình cũng có thể xin một ít hạt giống rau về để các bạn tự trồng. Vậy không chỉ là giúp các bạn hiểu và trân trọng thành quả của nhà nông mà còn đưa các bạn đến với những cung bậc mới của tưởng tượng, làm phong phú cuộc sống cho mình…”.
Tôi hỏi Hậu, vậy các đồng đội của em nghĩ sao về ý tưởng này? Các đồng đội nhanh chóng trả lời thay: cam kết 100% theo đuổi dự án này, vì thấy mình có ích và học được rất nhiều điều từ câu chuyện trẻ em khiếm thị đi thăm vườn rau…
Nhóm của Hậu, tự chọn cái tên cho mình, là “Niềm tự hào cuộc sống”. Hậu không có sự tự ti của một cô gái mù, mà tràn ngập năng lượng tươi mới, niềm tin vào sự thành công mà mình sẽ đạt được.
Và sức bật của những chiến binh kim cương
Tôi cứ nghĩ, họ là những người bị bệnh lùn. Hóa ra không phải, Tiến, và những người bạn trong cộng đồng mang tên “Chiến binh kim cương” của mình, mắc một chứng bệnh lạ: xương thủy tinh. Xương của các bạn, từ khi sinh ra và lớn lên, luôn dễ dàng bị vỡ, bị gãy với mọi tác động. Các bạn di chuyển khó khăn, học tập khó khăn vì thường xuyên phải… bó bột và nằm một chỗ. Vì vậy thân hình của các bạn cũng không phát triển.
Tiến nói rằng, trong cộng đồng xương thủy tinh của mình, có một châm ngôn sống: “Chúng ta đừng mong rằng cuộc sống sẽ luôn bình yên, mà hãy mong rằng chúng ta có đủ sức khỏe tinh thần và cơ thể để vượt qua mọi sóng gió cuộc đời”. Và trong hành trình vượt qua sóng gió này, họ không đơn độc, vì đã có đồng đội là nhóm sinh viên trường y khoa TP.HCM đồng hành. Họ chọn công việc của dự án mình sẽ làm, là bắt đầu với cộng đồng những người xương thủy tinh ở quận 12, và trao cho họ công cụ học tập mới là STEM (khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học) với cách tiếp cận dành riêng cho đối tượng khác biệt này.
“Các bạn chỉ gặp chút vấn đề về xương thôi, còn trí thông minh của các bạn chắc chắn không thua kém bất kỳ ai. Vậy nên nếu các bạn được tạo điều kiện học tốt hơn, phát triển trí não tốt hơn, nghĩa là mở ra thêm cơ hội chứng minh năng lực và khả năng đóng góp cho cuộc sống của mình” - một thành viên nhóm cho hay.
Và khi mọi người đồng loạt đứng dậy vỗ tay, thì Tiến hiểu rằng mình và những chiến binh kim cương chưa bao giờ bị bỏ quên bên lề xã hội…
Biến điều không thể thành có thể
12 dự án, là 12 câu chuyện đẹp lung linh và đầy ắp cảm xúc, tràn ngập năng lượng của những người trẻ trung, và chia sẻ mong muốn được tạo ra những tác động trong xã hội. Đó có thể là chuyện của những người muốn kết nối cộng đồng người khiếm thính với các cơ hội việc làm, đó có thể là chuyện của những cử nhân công nghệ thông tin muốn xây dựng một cơ sở dữ liệu trường học có các trang thiết bị thân thiện với người khuyết tật, có các ngành học tốt cho người ít có khả năng vận đồng và cả thông tin về nhà trọ gần các trường đại học nữa, đó còn là chuyện của những người trẻ muốn mang thêm những cơ hội mới, lựa chọn nghề nghiệp mới cho con em những người giữ rừng ở sâu trong rừng ngập mặn Cần Giờ…
Câu chuyện của họ, giống như hình ảnh của sân khấu chương trình: biến những điều không thể thành có thể bằng chính sức mạnh tiềm tàng của người trẻ.
Hơn 100 con người trẻ, mặc áo có dòng chữ “Thế hệ không giới hạn”, đứng cùng nhau, hát cùng nhau, cười và khóc cùng nhau với những thông điệp đẹp đẽ về cuộc sống. Chỉ có 6 đội được chọn đi tiếp, nhưng những giới hạn mà họ đã phá vỡ, là minh chứng sống động nhất của một câu chuyện vì sao khởi nghiệp tác động xã hội là một mảnh ghép đẹp đẽ và yêu thương nhất của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt.
Thế hệ không giới hạn là chương trình nhằm kêu gọi những người trẻ tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận sáng tạo các giải pháp nhằm tăng cường kỹ năng nghề nghiệp và đào tạo cho thanh thiếu niên, cũng như tăng quyền cho họ để giải quyết những vấn đề có ảnh hưởng đến họ. Cuộc thi này là một phần trong sáng kiến toàn cầu mang tên “Thế hệ Không giới hạn” – Generation Unlimited của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc Unicef. |