Quá trình tiến hóa tư tưởng của Francis Fukuyama về trật tự chính trị được cô đọng lại trong 2 cuốn sách mang tựa đề “Nguồn gốc Trật tự Chính trị” và “Trật tự Chính trị và Suy tàn Chính trị”.

Trong thời khắc trước khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, một nhà nghiên cứu trẻ tại viện RAND (Mỹ) viết một tiểu luận đầy tranh cãi với tựa đề Sự cáo chung của lịch sử. Trong đó, tác giả cho rằng Chiến tranh lạnh kết thúc với thắng lợi không thể chối cãi của dân chủ tự do, và dù vẫn còn đâu đó những dư chấn xung đột, xã hội loài người đã tìm thấy hình thái tổ chức nhà nước ưu việt nhất. Với sự tan rã của Liên Xô và khối Đông Âu vào đầu thập niên 1990, Sự cáo chung của lịch sử đưa tác giả trở thành một trong những ngọn cờ tiên phong của chủ nghĩa dân chủ tự do. Tác giả đó là Francis Fukuyama.


Nhưng hơn 20 năm sau, lời tiên tri của Fukuyama không còn thuyết phục như ban đầu. Xuyên suốt trong giai đoạn này, các nước phương Tây chững lại, và liên tiếp rơi vào những cuộc khủng hoảng trầm trọng – từ Đại Suy thoái toàn cầu năm 2008, khủng hoảng nợ công ở Liên minh Châu Âu (EU), Anh rời khỏi EU (Brexit), cho tới gần đây nhất là Covid-19. Nước Mỹ - đại diện cho dân chủ tự do và là hệ thống mà Fukuyama nhắc tới trong Sự cáo chung của lịch sử - rơi vào những vũng lầy do chính họ tạo ra, từ cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan, Iraq, chia rẽ xã hội sâu sắc; một nền chính trị mâu thuẫn và trì trệ; và sức ảnh hưởng quốc tế đi xuống. Việc Donald Trump trúng cử Tổng thống vào năm 2016, cùng với tất cả những bất ổn xuất hiện sau đó, là dấu hiệu mà nhiều người xem là sự khởi đầu cho quá trình suy tàn của nước Mỹ. “Đối thủ” của dân chủ tự do - các hình thái nhà nước chuyên chế - ngược lại, trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đặc biệt là với sự trỗi dậy của Trung Quốc từ đầu thế kỷ 21.

Đối diện với những biến đổi lớn đó, Fukuyama hệ thống hóa lại những tư tưởng của mình về trật tự chính trị một cách toàn diện. Không nỗ lực đề cao chủ nghĩa dân chủ tự do như năm 1989, Fukuyama tập trung diễn giải sự hình thành, phát triển, và suy bại của những thành tố quan trọng nhất cho một xã hội thịnh vượng: nhà nước mạnh, chính phủ có trách nhiệm giải trình, và hệ thống pháp quyền. Quá trình tiến hóa tư tưởng của ông được cô đọng lại trong bộ sách đồ sộ gồm 2 cuốn mang tựa đề Nguồn gốc Trật tự Chính trị và Trật tự Chính trị và Suy tàn Chính trị.

Trong cuốn đầu tiên, Fukuyama đưa người đọc đến với vùng Melanesia, Thái Bình Dương, nơi xã hội vẫn còn những đặc tính tàn dư của chế độ bộ lạc, dù áp dụng mô hình dân chủ nghị viện của Anh kể từ khi độc lập vào những năm 1970. Mang hình thức của chính thể hiện đại, nhưng ở vùng này, chính trị vẫn xoay quanh các “Ông lớn” – người đại diện quyền lợi cho bộ lạc của mình, thay vì cho quyền lợi chung của quốc gia. Từ câu chuyện này, ông viện dẫn các nghiên cứu khảo cổ học, sinh học tiến hóa, và nhân học để diễn giải hai đặc tính cơ bản của loài người: chọn lọc huyết thống và tính vị tha tương hỗ. Hay nói đơn giản, loài người có xu hướng ưu ái người thân và bạn bè mà họ có ân tình.

Từ xuất phát điểm này, Fukuyama giải thích sự phát triển chính trị của xã hội loài người từ thời tiền sử cho tới trước Cách mạng Pháp, thông qua sự hình thành của nhà nước, trách nhiệm giải trình, và pháp quyền. Đây tất nhiên là một nhiệm vụ khổng lồ, vốn rất dễ bị rơi vào bẫy đơn giản hóa hay tuyến tính hóa lịch sử theo định kiến của người viết. Nhưng Fukuyama hoàn thành nó một cách xuất sắc, khiến Nguồn gốc Trật tự Chính trị không chỉ là một cuốn sách dày đặc trích dẫn khoa học, mà đầy ắp những câu chuyện và diễn giải thú vị về lịch sử, chính trị, xã hội của bốn nền văn minh lớn: Trung Quốc, Ấn Độ, phương Tây, và Hồi giáo. Fukuyama chỉ ra trong suốt lịch sử loài người, ba yếu tố này xuất hiện độc lập hoặc kết hợp với nhau như thế nào trong các nền văn minh kể trên. Ví dụ, Trung Quốc là nơi xây dựng nhà nước hiện đại từ rất lâu trước khi chúng xuất hiện ở châu Âu, nhưng lại không đi kèm với chế độ pháp quyền hay trách nhiệm giải trình. Ngược lại, Ấn Độ và đa phần thế giới Hồi giáo phát triển pháp quyền từ rất sớm, nhưng chưa bao giờ có được một nhà nước mạnh hay trách nhiệm giải trình hiệu quả. Fukuyama cho rằng cả ba thành tố này chỉ xuất hiện đồng thời tại một số khu vực của châu Âu vào cuối thế kỷ 18.

Dù thể chế chính trị loài người có phát triển đến đâu, thách thức lớn nhất của chúng vẫn là phải vượt qua được ràng buộc từ huyết thống và vị tha tương hỗ, vốn luôn tìm cách làm yếu đi – hay theo ngôn ngữ của Fukuyama là “thân tộc hóa” hay “bộ lạc hóa” – bộ máy nhà nước. Các đế chế trong lịch sử tìm cách thoát ra khỏi xu hướng này bằng nhiều cách, từ việc sử dụng thái giám ở Trung Quốc hay nô lệ quân sự ở Trung Đông. Trung Quốc là nơi tiên phong trong việc tuyển dụng quan chức dựa trên năng lực thông qua chế độ khoa cử. Châu Âu thoát ra được vòng xoáy của thân tộc nhờ vào uy quyền của Giáo hội, vốn tìm cách làm suy yếu dòng tộc để bảo vệ lợi ích của tôn giáo. Chính vì thế, khi Châu Âu bắt đầu hiện đại hóa, sức ép “thân tộc hóa” của là ít hơn nhiều so với các nền văn minh khác.

Trật tự Chính trị và Suy tàn Chính trị bắt đầu từ thời điểm ba thành tố của thể chế chính trị hiện đại giao thoa từ Cách mạng Pháp. Tương tự cuốn trước, Fukuyama cho thấy khả năng siêu phàm trong việc tổng hợp và phân tích dữ liệu liên ngành để diễn giải con đường phát triển chính trị trong thế giới hiện đại, từ lý do vì sao hệ thống chính trị ở các nước Nam Âu dễ rơi vào cạm bẫy thân hữu, cho tới bộ máy quan liêu của Mỹ được hình thành như thế nào trong tương quan với Anh, Pháp, và Đức.

Bên cạnh những phân tích về nguồn gốc, ở cuốn tiếp theo, Fukuyama còn cảnh báo nguy cơ “suy tàn chính trị” ở các thể chế dân chủ tưởng như rất bền vững. Ông cho rằng một xã hội thịnh vượng sẽ chững lại và tha hóa nếu thiếu đi những cú “sốc” tạo động lực cho nó tiếp tục phát triển. Đó là những gì đã xảy ra với nước Mỹ. Ngủ quên trong nền hòa bình và điều kiện thuận lợi lâu dài từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chính trị Mỹ biến thành hệ thống của “tòa án và đảng phái”, nơi năng lực hành chính không được ưu tiên. Thêm vào đó, giới tinh hoa – danh gia vọng tộc, các tập đoàn lớn, trường đại học nổi tiếng – tận dụng vị thế và thông tin để biến hoạt động của nhà nước thành có lợi cho mình – theo quá trình “tái thân tộc hóa” như Fukuyama đề ra ở tập một – thay vì hướng đến lợi ích chung. Kết quả là một xã hội ngày càng chia rẽ, đi xuống, và suy bại. Việc Fukuyama đưa ra nhận định này vào năm 2014, trước khi cơn địa chấn Donald Trump làm rung chuyển nước Mỹ, cho thấy tầm nhìn đi trước thời đại của mình.

Hai cuốn sách của ông cung cấp góc nhìn tổng thể trong tiến hóa chính trị của loài người, với vai trò của gene sinh học, tư tưởng, thể chế trong việc hình thành hay làm suy bại trật tự chính trị. Mang nhiều yếu tố của sinh học tiến hóa và sử học, nhưng bộ tác phẩm của Fukuyama không mang tính quyết định luận. Ông cho rằng lịch sử và địa lý – dù có sức ảnh hưởng lớn – không phải là định mệnh của các dân tộc như quan điểm của Lý Quang Diệu. Các thể chế quốc gia thành công hay thất bại – như những gì chúng ta đang chứng kiến trong cuộc chiến chống Covid-19 – còn phụ thuộc nhiều vào lãnh đạo và vào lựa chọn chính trị của mỗi quốc gia. Nhờ vậy, bộ sách này làm sáng tỏ nhiều câu hỏi thực tiễn cho những nhà kiến quốc thời hiện đại để làm sao đưa quốc gia mình “hướng đến Đan Mạch” – một phép ẩn dụ của Fukuyama về một xã hội kiểu mẫu, dân chủ, công bằng, và thịnh vượng.

* Đây là tiêu đề một tác phẩm quan trọng của Samuel Huntington, thầy giáo và là người có ảnh hưởng lớn đến quan điểm về trật tự chính trị của Francis Fukuyama.