Việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động R&D, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ sẽ chỉ hiệu quả khi đi kèm với nó là những chính sách, cơ chế hỗ trợ hợp lý và thiết thực. Đó cũng là cách thức mà Bộ KH&CN thực hiện kể từ năm 2019 với mục tiêu không để câu “Lấy doanh nghiệp làm trung tâm” thành khẩu hiệu.

Nếu cách đây vài năm, câu chuyện đầu tư cho khoa học mới chỉ xuất hiện một cách đơn lẻ ở một vài doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, tập đoàn Mỹ Lan hay gốm sứ Minh Long, công ty Vắc xin và sinh phẩm số 1 Vabiotech… thì trong năm 2018, đã được rộng mở ra với nhiều doanh nghiệp mới, thông qua việc thành lập các viện nghiên cứu, các quỹ đầu tư tư nhân, điển hình như Phenikaa, VinGroup… “Đấy là những tín hiệu rất mừng, nhưng đòi hỏi chúng ta cũng phải có những chính sách thực sự để doanh nghiệp chú trọng đầu tư vào KH&CN”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị Triển khai công tác ngành KH&CN năm 2019 vào sáng ngày 21/1/2019.

Phenikaa, một doanh nghiệp có nhiều hoạt động đầu tư cho đổi mới công nghệ đã thành lập hai viện nghiên cứu PRATI và TIAS trong năm 2018. Ảnh: Hảo Linh
Phenikaa, một doanh nghiệp có nhiều hoạt động đầu tư cho đổi mới công nghệ đã thành lập hai viện nghiên cứu PRATI và TIAS trong năm 2018. Ảnh: Hảo Linh

Cơ chế đã có nhưng chưa đủ

Là vấn đề đã theo đuổi nhiều năm, việc xây dựng văn bản chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN, đổi mới sáng tạo đã được Bộ KH&CN thực hiện cùng với các hoạt động cụ thể khác như lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF), đồng thời tạo ra những chương trình ở quy mô quốc gia như Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước… nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận, làm chủ và áp dụng công nghệ mới. Tuy nhiên, sự hiệu quả cả về mặt “lý thuyết” lẫn “thực hành” của chính sách vẫn chưa được như kỳ vọng, thể hiện ở nhiều khía cạnh như: số doanh nghiệp được thụ hưởng ưu đãi vay vốn nhà nước để đầu tư đổi mới công nghệ còn hạn chế vì đến hết năm 2018, Quỹ NATIF mới trong giai đoạn triển khai thực hiện 3 đề tài và 1 dự án cấp bộ; phần nhiều doanh nghiệp còn chưa mặn mà tham gia các chương trình quốc gia do còn e ngại các thủ tục hành chính nhiêu khê và e ngại rắc rối trong xử lý tài sản phát sinh sau dự án; ít doanh nghiệp lập quỹ phát triển KH&CN và nếu có thì khả năng sử dụng vốn chưa cao, ví dụ theo thống kê đến tháng 5/2017 của Sở KH&CN TP.HCM, trong số 113 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố lập quỹ thì mới có 80 doanh nghiệp sử dụng hơn 1/4 tổng số kinh phí của các quỹ này (theo Báo SGGP.

Nguyên nhân của vấn đề này đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu trong hội nghị triển khai: “Chúng ta đã nói rất nhiều về lấy doanh nghiệp là trung tâm, nhưng tất cả các cơ chế của chúng ta hầu như vẫn còn chưa đủ - tôi nói có rồi nhưng chưa đủ - để các doanh nghiệp tự nguyện xông vào đầu tư cho KH&CN”. Phó Thủ tướng phân tích, một trong những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm là thuế, ví dụ với thuế thu nhập doanh nghiệp, ở nước ngoài có những mức quy định khi doanh nghiệp đầu tư bao nhiêu phần trăm doanh thu vào hoạt động nghiên cứu triển khai thì họ sẽ được hưởng mức thuế thu nhập thấp hơn còn “chúng ta chưa có điều đó”. Do đó, con đường nâng cao chất lượng sản phẩm và chinh phục thị trường bằng những ứng dụng KH&CN của doanh nghiệp Việt Nam tuy đã được khơi thông nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Mặt khác, theo góc nhìn của Phó Thủ tướng thì việc triển khai các chương trình quốc gia của Bộ KH&CN như một cách làm tốt để thúc đẩy hiệu quả các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN nhưng vẫn còn tồn tại những điểm “bất cập rất lớn và yếu” chưa dễ khắc phục. “Chúng ta có rất nhiều chương trình nhưng chưa có chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam có hàm lượng KH&CN tiếp cận được thị trường trong nước và thế giới”, ông nhận xét.

Chúng ta phải tiếp tục có cơ chế làm sao để doanh nghiệp thực sự là trung tâm của đổi mới sáng tạo. Để có nhiều doanh nghiệp và viện nghiên cứu tư nhân chủ động đầu tư vào nghiên cứu, sao cho các công bố quốc tế - nhất là những phát minh, sở hữu công nghiệp – chủ yếu phải từ khối này - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Vấn đề chính sách có nhưng “hầu như vẫn còn chưa đủ” mà Phó Thủ tướng đề cập tới cũng là điều các doanh nghiệp băn khoăn, đặc biệt nỗi băn khoăn đó càng lớn khi “doanh nghiệp Việt Nam không chỉ hội nhập trong thế giới phẳng như cách đây hơn 10 năm chúng ta gia nhập WTO mà trong thời đại tăng tốc 4.0” như lưu ý của bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam chất lượng cao tại hội nghị triển khai công tác ngành KH&CN. Bà nêu một trong những mục tiêu mà một trong hai năm trở lại đây Hội doanh nghiệp Việt Nam chất lượng cao hướng tới là tìm hiểu và lập các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn để hướng dẫn doanh nghiệp trong nước áp dụng trước khi xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế như Mỹ, bà mong có sự đồng hành của Bộ KH&CN trong việc hướng dẫn để các doanh nghiệp áp dụng theo cách “không đối phó, không chạy theo như một thành tích mà để nó tác động thực sự vào quy trình sản xuất, khuyến khích họ đầu tư vào KH&CN, đổi mới sáng tạo”.

Những đổi mới từ cách nhìn

Yêu cầu phải đổi mới từ quan điểm xây dựng chính sách với doanh nghiệp đã được Bộ KH&CN xác định như một trong những vấn đề trọng tâm trong hoạt động KH&CN năm 2019. Trong cuộc họp báo thường kỳ quý 1/2019 của Bộ KH&CN, ông Lê Xuân Định, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính đã đưa ra năm lĩnh vực mà Bộ KH&CN tập trung thực hiện để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN: 1. Khơi thông các nguồn lực, tăng cường huy động nguồn lực xã hội, đầu tư cho KH&CN và ĐMST, nhất là từ doanh nghiệp; 2. Triển khai các giải pháp để tiếp thu và làm chủ công nghệ cốt lõi của cuộc CMCN lần thứ 4; 3. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST quốc gia, liên kết chặt chẽ với cộng đồng quốc tế vì đây là cách đưa nhanh nhất kết quả của nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào cuộc sống; 4. Rà soát, tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia theo hướng coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia; 5. Đổi mới tăng trưởng các mô hình kinh tế trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao, thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

Theo ông Lê Xuân Định, để doanh nghiệp thực sự quan tâm, coi đầu tư cho đổi mới công nghệ là nhu cầu thiết yếu, Bộ KH&CN sẽ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về phát huy quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp trên cơ sở hướng đi mở ngay từ Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021: giao cho Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành thông tư hướng dẫn nội dung chi và quản lý quỹ với định hướng cho phép doanh nghiệp tự chủ, tự quyết định sử dụng quỹ trong các nội dung về đổi mới sáng tạo và đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Từ trước đến nay, việc trích lập doanh thu để lập quỹ KH&CN ở doanh nghiệp dựa trên cách hiểu hết sức sai lầm, coi việc sử dụng quỹ như “việc dùng cái tiền ấy vào thực hiện các đề tài nghiên cứu chứ không phải để đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp”, do đó việc “thiết kế lại” quỹ với cách hiểu mới sẽ đem lại cơ hội cho doanh nghiệp chi tiêu “đúng người đúng việc”.

Trong năm 2019, Bộ KH&CN sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy định doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là đối tượng được nhận hỗ trợ ngân sách của nhà nước và thông qua Quỹ Đổi mới KH&CN quốc gia; bổ sung các hoạt động tài trợ, cho vay ưu đãi hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh vay cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để ươm tạo công nghệ, phát triển ý tưởng, mô hình kinh doanh theo cơ chế hỗ trợ trực tiếp để có điều kiện đưa các ý tưởng, công nghệ xuất sắc thành sản phẩm ra thị trường.

Bên cạnh đó, để các chương trình KH&CN quốc gia phát huy hiệu quả theo theo hướng coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia, Bộ KH&CN sẽ sửa đổi các quy định để hướng tới vai trò chủ đạo trong thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt, liên quan đến phát triển công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ là doanh nghiệp còn “hệ thống nghiên cứu của chúng ta sẽ đi theo và hỗ trợ trong vai trò là những nhà tư vấn, kết nối để đem đến những công nghệ mới nhất, tư vấn những điều kiện triển khai phù hợp nhất”, theo ông Lê Xuân Định.

Bộ KH&CN sẽ trình chính phủ kế hoạch tái cơ cấu và xây dựng nội dung giai đoạn 2021-2030 cho 3 chương trình quốc gia trong năm 2019: chương trình sản phẩm quốc gia, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao với “đổi mới quan trọng là xây dựng một tiêu chí hoàn chỉnh để xác định đâu là sản phẩm quốc gia, và khi sản phẩm quốc gia được xác định, sẽ được ưu tiên, hoàn thiện để tạo ra một chuỗi quy trình liên kết trong sản xuất, kinh doanh, phân phối và tiếp cận thị trường”, ông Lê Xuân Định nhấn mạnh đến tính hiệu quả của việc tái cơ cấu này. Không chỉ có ba chương trình trên mà “tất cả chương trình quốc gia khác sẽ được xây dựng lại với các quy định thông thoáng hơn để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận được các nhiệm vụ KH&CN”, ông Định cho biết thêm.

Những vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư cho KH&CN mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu sẽ được Bộ KH&CN cùng với các bộ ngành liên quan tháo gỡ trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm quốc tế, điều kiện luật pháp Việt Nam quy định và định hướng phát triển của đất nước, ví dụ như chính sách khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học… Ông Lê Xuân Định cho rằng, một trong những định hướng quan trọng là sửa đổi thuế, “ngoài các ưu đãi thuế trực tiếp như áp dụng mức 10% với các hoạt động liên quan đến sản phẩm và kết quả kinh doanh từ các hoạt động KH&CN, ứng dụng công nghệ cao, thuế suất ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thì sẽ có thêm tỷ lệ phần trăm ưu đãi trong thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp khi đầu tư cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ”.


Vinatex: Đầu tư vào KH&CN để giữ lợi thế cạnh tranh


Trong bối cảnh hội nhập dưới sự ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0, ngành dệt may được đánh giá là ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới năm 2016, có nguy cơ 85% lực lượng lao động ngành dệt may bị ảnh hưởng nếu những ứng dụng về công nghệ thông tin, robot hóa… được áp dụng. Với VN, điều đó tương đương với 2,2 triệu lao động, tương đương 8% lao động ngành công nghiệp cả nước.

Hiện nay tất cả các mô hình quản lý sản xuất cũ là những mô hình sử dụng nhiều lao động không thể xử lý được vấn đề năng lực cạnh tranh của dệt may Việt Nam. 5 năm trở lại đây, chúng tôi đã nhận thấy nguy cơ này từ chính những nhà đặt hàng như Mỹ, châu Âu với nhiều yêu cầu mới, không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến cả các tiêu chuẩn bên ngoài như sản xuất sạch, sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội… Do đó, chúng tôi cho rằng cần phải đầu tư vào KH&CN và trang thiết bị kịp thời giữ lợi thế cạnh tranh.

Xét về góc độ áp dụng KHCN trong đầu tư sản xuất, chúng tôi đã áp dụng công nghệ mới ở cả mô hình sản xuất sợi, sản xuất dệt nhuộm… Mô hình nhà máy sợi theo công nghệ mới giảm 70% người lao động, giảm 20% năng lượng điện. Nếu trước đây 1 vạn cọc sợi dùng 100 lao động thì ở nhà máy mới, 1 vạn cọc sợi chỉ dùng 25 đến 30 lao động. Đặc biệt là công nghệ sử dụng điện than gần đây, nhà máy dệt nhuộm giảm 35% lao động, giảm 50% lượng nước sử dụng, 50% năng lượng tiêu hao (gồm cả điện than để chạy gia hơi). Với ngành may, xu thế hiện nay là sử dụng robot và các thiết bị tự động cho các khâu kỹ thuật khó, và các bước công việc có hoạt động lặp đi lặp lại. hiện nay, việc sử dụng robot trên toàn bộ khâu trải vải và cắt vải giảm 80% lao động (trước đây chúng ta cắt bằng tay) và đặc biệt là tiết kiệm được 3% nguyên liệu – tiết kiệm 3% nguyên liệu với ngành dệt may có giá trị rất nhiều, lao động không giải quyết được bao nhiêu so với nguyên liệu. Trong công đoạn khó mà trước đây rất cần đến công nhân tay nghề thì bằng các robot chuyên dụng như vào túi, tra tay, vào vai, kể cả cổ áo veston, tự động làm giảm lao động nhưng quan trọng hơn là tăng chất lượng sản phẩm và giảm sự phụ thuộc vào lao động tay nghề cao.

(Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường)