FCV được thiết kế dựa trên hai mục tiêu chính là tăng cường hợp tác giữa ngân hàng và các công ty Fintech và thúc đẩy phổ cập tài chính tại Việt Nam, đưa các dịch vụ tài chính – ngân hàng đến gần hơn với các doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là những đối tượng khách hàng ở khu vực nông thôn, xa xôi, hẻo lánh.
Các công ty Fintech trong và ngoài nước khi tham gia chương trình
FCV sẽ có cơ hội được ươm mầm, phát triển các ý tưởng, giải pháp sáng
tạo, đột phá và khác biệt dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến, tập
trung vào 5 lĩnh vực: thanh toán; cho vay ngân hàng; công nghệ chuỗi
khối - Blockchain; giao diện lập trình ứng dụng mở - open API và định
danh khách hàng điện tử e-ID/e-KYC.
Theo đó, 15
dự án tốt nhất sẽ được lựa chọn vào vòng chung kết để tiếp tục được
tham gia chương trình ươm tạo và được hướng dẫn cố vấn trong hai tháng
để hoàn thiện các mô hình kinh doanh. Dự án được lựa chọn cũng được tham
dự “phiên thi tài chung kết” để trình diễn các giải pháp công nghệ tài
chính trước các tổ chức và cá nhân trong ngành ngân hàng, các chuyên gia
tài chính, các nhà đầu tư. Các giải pháp tốt nhất sẽ được trình diễn
thử nghiệm các sản phẩm dịch vụ tại sự kiện Fintech Quốc gia Việt Nam
2018.
Fintech đang hút đầu tư
Ở Việt Nam, lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) đang bắt đầu thu hút được một lượng vốn đầu tư lớn với sự tham gia của nhiều công ty, doanh nghiệp start-up cung ứng các dịch vụ và giải pháp ở nhiều mảng nghiệp vụ khác nhau. Khác với hoạt động của các ngân hàng truyền thống là cung cấp tổng thể các dịch vụ tài chính ngân hàng cho khách hàng, các doanh nghiệp Fintech hiện nay lại có xu hướng chia nhỏ các dịch vụ tài chính - ngân hàng và chuyên sâu vào một hoặc một số dịch vụ nhất định như thanh toán, quản lý tài chính, huy động vốn, cho vay.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - ông Nguyễn Kim Anh - cho biết, hiện có khoảng trên 70 công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech. 1/3 trong số này hiện đang hoạt động trong mảng thanh toán, cung cấp cho người tiêu dùng các phương thức thanh toán trực tuyến hoặc các giải pháp thanh toán kỹ thuật số như ví điện tử, cổng thanh toán trực tuyến, thanh toán di động...
Tuy nhiên, theo ông Kim Anh, Việt Nam mới chỉ có hành lang pháp lý cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực thanh toán; trong khi khuôn khổ pháp lý, quản lý đối với các hoạt động, mảng nghiệp vụ khác như cho vay, huy động vốn... cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện. Bên cạnh đó, lĩnh vực Fintech ở Việt Nam đang phát triển ở dưới mức tiềm năng do hệ sinh thái Fintech còn thiếu liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể tham gia, đó là cơ quan quản lý, các định chế tài chính và các doanh nghiệp Fintech.
“Vì vậy, cuộc thi FCV sẽ khuyến khích đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính, tạo ra một sân chơi lành mạnh và tạo điều kiện cho các công ty Fintech trong nước có cơ hội cọ xát với các doanh nghiệp Fintech quốc tế, tiếp thu thêm kinh nghiệm và sự tư vấn, góp ý từ các chuyên gia tài chính hàng đầu khu vực và trên thế giới, cũng như tiếp cận với các nhà đầu tư tiềm năng” - ông Kim Anh nói.