Sau các tuyên bố của Mỹ, Hàn Quốc và Ấn Độ, đến lượt châu Âu cam kết ủng hộ cho các doanh nghiệp sản xuất chip nội địa để tránh phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.

Các quốc gia đều muốn thúc đẩy nền sản xuất chip

Chuỗi cung cấp bán dẫn, những khối cơ bản góp phần vào việc tạo ra nền tảng cho nền kinh tế số, đã rơi vào cảnh bị gián đoạn vì Covid-19 và vì mô hình sản xuất quá phụ thuộc vào nhiều quốc gia ở châu Á khi chiếm tới 75% nền sản xuất bán dẫn toàn cầu. Vào tháng 1/2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu tăng lên 13,2%, đạt 40 tỉ USD tuy nhiên hầu hết các công ty đều phàn nàn về những thiếu hụt ngăn cản họ thực hiện theo lịch trình sản xuất đã định.

Đây là lý do khiến tại Mỹ, các nhà lập pháp và ngành công nghiệp kêu gọi Tổng thống Biden đầu tư vào ngành sản xuất bán dẫn để ngăn ngừa tình trạng này. Họ đề nghị ông Biden “cần tham gia hỗ trợ với các mức đầu tư khác nhau” trên một gói các chính sách để giúp Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc và tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ, tăng cường an ninh quốc gia. Họ cũng lưu ý “chính quyền Trung Quốc đã lên kế hoạch hết sức quyết đoán để tái định hướng và giành quyền chi phối chuỗi cung cấp bán dẫn, rót hơn 150 tỉ USD vào các hỗ trợ ngành sản xuất bán dẫn và đầu tư 1,4 nghìn tỉ vào nỗ lực đưa Trung Quốc trở thành cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới”. Ngay lập tức trong cuộc họp tại Nhà Trắng với các nhà sản xuất bán dẫn như Google, AT&T, Dell Technologies, Intel Corp., Ford Motor Co. và General Motors (GM), Tổng thống Biden nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ Mỹ “Trung Quốc và phần còn lại của thế giới không chờ đợi vào sự may rủi và không có lý do nào để người Mỹ chờ đợi” và cho biết, Kế hoạch việc làm Mỹ với đề xuất 2,25 nghìn tỉ cũng là cơ hội để ông trông chờ vào khoản 50 tỉ USD – được tính đến để rót vào các sáng kiến bán dẫn.

Bên cạnh đó, theo Reuters, một nhóm các nghị sĩ Mỹ đang đề xuất đầu tư 52 tỉ để thúc đẩy ngành sản xuất chip và nghiên cứu trong vòng năm năm. Nguồn đầu tư cho chip bán dẫn được chờ đợi thông qua như một phần trong gói đầu tư hơn 110 tỉ USD về nghiên cứu và phát triển công nghệ tiên tiến của Mỹ nhằm cạnh tranh hơn với Trung Quốc.Những người ủng hộ tài trợ nhắc nhở, Mỹ từng chiếm 37% thị phần thế giới về sản xuất bán dẫn và vi điện tử vào những năm 1990 nhưng hiện tại chỉ chiếm 12%.

Không chỉ có Mỹ mà còn có quốc gia khác là Ấn Độ cũng muốn tập trung vào khuyến khích ngành công nghiệp bán dẫn: Chính phủ Ấn Độ đã đề xuất một gói khuyến khích trị giá 1 tỉ USD cho từng công ty bán dẫn xây dựng những bộ phận sản xuất ngay tại đất nước để phục vụ ngành công nghiệp sản xuất điện thoại di động và tăng cường chuỗi cung ứng điện tử. Hướng đến mục tiêu đưa Ấn Độ vào vị trí nhà sản xuất điện thoại lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, Chiến lược “Make in India” sẽ được hậu thuẫn bằng các công ty sản xuất chip này. Mặt khác, họ cũng muốn trở thành nhà cung cấp tin cậy cho ngành công nghiệp điện tử và viễn thông của thế giới.

Bên cạnh đó Hàn Quốc với 451 tỉ USD cho mục tiêu trở thành cường quốc sản xuất bán dẫn trong thập kỷ tới. Nguồn đầu tư này đến từ các gói hỗ trợ của chính phủ, thuế… và các doanh nghiệp tư nhân, trong đó nổi bật là Samsung Electronics và SK Hynix Inc. Samsung cho biết sẽ đầu tư 171 nghìn tỉ won (151 tỉ USD) đến năm 2030 vào hệ thống System LSI& Foundry của họ còn SK Hynix sẽ đầu tư 97 tỉ USD để mở rộng các nhà máy hiện có – thêm vào cam kết đầu tư 106 tỉ USD vào xây dựng bốn nhà máy mới. Điểm đáng chú ý trong kế hoạch của chính phủ là đào tạo 36.000 chuyên gia bán dẫn, đầu tư 1,5 nghìn tỉ won (1,3 tỉ USD) vào R&D chip và thân thiện hóa các thủ tục, quy định pháp luật liên quan đến chip.

EU đã lập một liên minh để thúc đẩy sản xuất bán dẫn.

Hình thành liên minh sản xuất bán dẫn của EU

Châu Âu hiện đang sẵn sàng cam kết đầu tư những khoản đáng kể để mở rộng ngành công nghiệp sản xuất bán dẫn, theo tuyên bố của ủy viên Hội đồng châu Âu Thierry Breton. Sau những gì xảy ra vào năm 2020, họ muốn có được quyền chủ động trong lĩnh vực sản xuất này, tránh việc thiếu chip đối với ngành ô tô và điện tử. Sau phiên họp với ASML, một nhà cung cấp thiết bị của Hà Lan, ông Breton cho rằng châu Âu cần mở rộng năng lực sản xuất của mình với các chip kích thước trung bình trước khi đạt được mục tiêu tăng gấp đôi việc cung cấp sản lượng bán dẫn toàn cầu của EU và sản xuất các chip có kích cỡ 2 nano met vào năm 2030.

EU cũng đã loan báo một liên minh bán dẫn mới để thúc đẩy việc sản xuất ở châu lục và đảo ngược những gì mà ông Breton miêu tả như người làm thuê ngoài “ngây thơ” trong thiết kế và sản xuất ở vài thập kỷ gần đây. Trong những năm 1990, EU đã được tính vào một phần trong nền sản xuất bán dẫn toàn cầu nhưng phần lớn công đoạn đã được chuyển tới châu Á, bao gồm những tên tuổi như Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.

Liên minh sản xuất bán dẫn do EU sẽ được hình thành và nhận tài trợ theo hình thức đồng tài trợ của các quốc gia thành viên EU và các công ty tham gia, để thúc đẩy sản xuất bán dẫn, linh kiện thiết yếu trong các ngành tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, an toàn kết nối và quốc phòng. Liên minh này sẽ bao gồm các ông lớn như ASML, Infineon, STM, và NXP. Tuy đến giờ vẫn còn chưa rõ có bao nhiêu tiền được rót cho liên minh này nhưng đã có ít nhất 22 quốc gia cam kết đóng góp kinh phí, trong đó có Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha... Theo ước đoán thì có thể là nguồn đầu tư tư EU sẽ đến từ Quỹ phục hồi coronavirus 800 tỉ euro, trong đó 20% sẽ dành cho phát triển công nghệ.

Với khoản đầu tư này, EU sẽ tránh khỏi trường hợp bị gián đoạn chuỗi cung cấp chip như xảy ra vào năm ngoái. “Chúng tôi không đứng ở nơi chúng tôi chết dần chết mòn vì những nhà làm chip nước ngoài mà chúng tôi sẵn sàng ở nơi chúng tôi có thể đặt cơ hội cho họ bằng việc đầu tư vào chính châu lục của mình và tăng cường sự đảm bảo của việc cung cấp chip”, Breton đề cập đến ý nghĩa của việc đầu tư cho bán dẫn. “Hy vọng là chúng tôi sẽ có thể chuyển động một cách nhanh hơn, và khi tôi nói nhanh hơn thì tôi muốn đề cập đến quỹ thời gian vài tháng chứ không phải vài năm”.

GlobalFoundries, một công ty sản xuất bán dẫn lớn bậc nhất châu Âu có nhà máy đặt tại Dresden, Đức, nói: “Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với EU, Chính phủ Đức và các tổ chức công lập khác ở châu Âu để tăng cường sức mạnh ngành bán dẫn”.

Trên con đường này, EU còn gặp Intel, ông lớn công nghệ Mỹ. Intel đã cam kết hỗ trợ EU đạt được ước mơ về chủ quyền bán dẫn với tổng đầu tư 7 tỉ USD. Từ năm 1989, công ty này đã rót 15 tỉ USD vào R&D và nâng cao năng lực sản xuất của họ ở châu Âu. Hiện họ cũng đang rót 20 tỉ USD vào hai nhà máy lớn ở Mỹ cũng với mục tiêu chủ động hơn trong sản xuất chip bán dẫn.

Hiện EU chỉ chiếm 10% thị trường bán dẫn thế giới trong khi những năm 1990 dẫn đầu với 44%. Theo thông tin từ Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn quốc tế thì Trung Quốc đang nắm ¼ thị trường toàn cầu, tiếp đến là Đài Loan 21%, Hàn Quốc 19%, Nhật Bản 13% và về tổng số thì khoảng 80% thị trường toàn cầu hiện giờ nằm trong tay châu Á.

Nguồn: sciencebusiness.net, digital-strategy.ec.europa.eu