Nhiều dự án điện gió đang gấp rút hoàn thành thi công để kịp thời hạn hưởng ưu đãi từ cơ chế giá điện cố định (FIT) trước ngày 1/11/2021. Tuy nhiên, COVID-19 đã gây gián đoạn chuỗi cung ứng, hạn chế di chuyển nhân công, ảnh hưởng nghiêm trọng tiến độ thi công các dự án.
Cơ chế giá điện cố định (FIT) là các mức giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ nhằm giảm tải cho lưới điện, giúp năng lượng tái tạo cạnh tranh được với mức giá của năng lượng hóa thạch, thúc đẩy đầu tư năng lượng sạch, giảm phát thải và tạo ra việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg, mức giá FIT cho điện gió được áp dụng ở mức 8,5 Cent/kWh đối với tất cả các dự án vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021.
Tính tới hết tháng 8/2021, chính sách này đã khuyến khích khối lượng đầu tư khổng lồ với hơn 140 dự án điện gió ký hợp đồng mua bán điện với đơn vị vận hành lưới điện quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Nhà máy điện gió Ninh Thuận.
Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam đã gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành điện gió, có thể kể đến như: gián đoạn chuỗi cung ứng trang thiết bị điện gió, nhân công không thể di chuyển tới công trường dự án để làm việc và thực hiện công tác nghiệm thu, hạn chế di chuyển đối với chuyên gia nước ngoài…
Theo kết quả khảo sát của Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC), đến hết tháng 8/2021, ước tính có tới 4.000MW dự án điện gió trên bờ tại Việt Nam có nguy cơ lỡ hạn chót hưởng ưu đãi từ cơ chế giá FIT.
Dựa trên giá trị trung bình của quốc tế và Việt Nam, 4.000MW điện gió tương đương với 6,7 tỷ USD vốn đầu tư, bao gồm 6,51 tỷ USD chi phí tài sản cố định và 151 triệu USD chi phí vận hành trong 25 năm vòng đời của các dự án điện gió. Những dự án điện gió này có thể tạo ra xấp xỉ 21.000 việc làm cho các nhóm dân cư ven biển, và thúc đẩy nền kinh tế xanh ở Việt Nam. Phần lớn những khoản đầu tư và việc làm này sẽ được hiện thực hóa ở địa phương và trải dài trong chuỗi cung ứng, từ các hoạt động vận tải, xây lắp đến vận hành và bảo dưỡng.
GWEC kêu gọi Chính phủ Việt Nam lùi thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm 6 tháng, tới hết tháng 4/2022, để tạo điều kiện cho các dự án điện gió đã có sự chuẩn bị, đầu tư ở một mức độ nhất định nhưng không thể hoàn thành thi công đúng kế hoạch do những tác động của đại dịch COVID-19.
Toàn cảnh công trườngDự án Nhà máy điện gió Ea Nam (huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk)
Biện pháp này phù hợp với thông lệ quốc tế về cứu trợ trong đại dịch cho ngành điện gió. Ví dụ, vào tháng 5/2020, Mỹ đã gia hạn một năm cho các dự án điện gió để hoàn thành và hưởng ưu đãi tín dụng thuế. Hay tháng 6/2020, Ấn Độ đã gia hạn vận hành thương mại thêm 2,5 tháng đối với các dự án năng lượng tái tạo để giảm thiểu tác động của các biện pháp phong tỏa kéo dài từ tháng Tư đến tháng Sáu.
“Tại Việt Nam, rất cần các biện pháp hỗ trợ tương tự để tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp điện gió trên bờ còn non trẻ, đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19,” ông Ben Blackwell, Chủ tịch GWEC, cho biết.
Quyết định lùi thời hạn áp dụng FIT sẽ không chỉ đảm bảo tính khả thi của các dự án điện gió trên bờ, mà còn khuyến khích đầu tư vào ngành điện gió ngoài khơi trong tương lai: nhiều nhà đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi thế hệ đầu tiên ở Việt Nam đang theo dõi rủi ro của các dự án điện gió trên bờ. Vì vậy, những khó khăn do COVID-19 không chỉ ảnh hưởng 4.000MW điện gió trên bờ và các khoản đầu tư hiện nay, mà còn tác động tới tương lai ngành điện gió ngoài khơi đang ở giai đoạn đầu phát triển. Điều này có hàm ý chính sách quan trọng, bởi điện gió ngoài khơi là một giải pháp năng lượng mang tính bền vững, đáng tin cậy, mang tính bản địa với giá cả hợp lý cho Việt Nam.
Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) là một tổ chức quốc tế đại diện cho ngành năng lượng gió, bao gồm hơn 1.500 doanh nghiệp và tổ chức thành viên ở hơn 80 quốc gia, trong đó, nhiều thành viên là những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió. |
Nguồn:
Global Wind Energy Council, Media Climate Net