Gần đây Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển các viện nghiên cứu ứng dụng thành các doanh nghiệp KH&CN. Các tổ chức nghiên cứu cơ bản hoặc cung cấp dịch vụ công cộng phi lợi nhuận vẫn có sự hỗ trợ của Nhà nước, vẫn là đơn vị sự nghiệp hoặc nghiên cứu phi lợi nhuận.
Thực hiện cơ chế mới, hầu hết các viện đã xây dựng bộ phận thị trường, các nhà khoa học đã tìm đến các doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu đổi mới công nghệ và xúc tiến hợp đồng. Các viện đều có các đơn vị phát triển công nghệ để phục vụ giải quyết các yêu cầu của sản xuất.
Khuyến khích phát triển các tổ chức trung gian
Trung Quốc rất quan tâm việc phát triển hệ thống các tổ chức trung gian, môi giới nhằm tạo quan hệ, kết nối cung - cầu. Hệ thống các cơ quan trung gian này bao gồm các đơn vị sự nghiệp của nhà nước; các đơn vị thuộc các tổ chức nghề nghiệp, các hiệp hội; các tổ chức tư nhân.
Các tổ chức tư nhân hoặc trực thuộc các tổ chức nghề nghiệp, hiệp hội hoạt động theo phương thức tự hạch toán, được nhà nước tạo điều kiện hoạt động, ưu đãi về thuế.
Các đơn vị sự nghiệp của nhà nước trong lĩnh vực trung gian, môi giới chuyển giao công nghệ bao gồm các trung tâm thông tin, tư vấn, đào tạo, môi giới chuyển giao công nghệ, các sàn giao dịch công nghệ, các trung tâm phát triển sức sản xuất,... Các cơ quan này có những mô hình tổ chức với mức độ thâm nhập thị trường khác nhau, hoạt động theo phương thức sự nghiệp có thu, hạch toán một phần, được nhà nước cấp kinh phí hoạt động thường xuyên và các hoạt động nhà nước yêu cầu hoặc đặt hàng theo kế hoạch được duyệt hằng năm. Phần thu từ các dịch vụ được chi cho đầu tư phát triển, chi trả thêm lương cán bộ... Các đơn vị này được nhà nước đầu tư rất lớn về cơ sở hạ tầng.
Hiện nay, Trung Quốc có khoảng 60.000 trung tâm thông tin, tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ với khoảng trên 1,2 triệu cán bộ, thực hiện nhiệm vụ gắn kết giữa các tổ chức KH&CN với các doanh nghiệp. Cán bộ làm công tác trung gian, môi giới được Nhà nước Trung Quốc chú ý đào tạo.
Một sàn giao dịch công nghệ ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Internet
Ban hành chính sách hỗ trợ phát triển KH&CN
Trung Quốc đã thành lập Quỹ phát triển công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quỹ có 2 nguồn vốn chính: Từ Bộ Tài chính và từ Ngân hàng Nhà nước. Quỹ chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp ở giai đoạn sản xuất thử nghiệm. Trung Quốc khuyến khích thành lập các Quỹ đầu tư mạo hiểm (chủ yếu của các nhà đầu tư nước ngoài) để đầu tư vào các dự án công nghệ có triển vọng. Trung Quốc đã thành lập Quỹ phát triển sáng chế để đầu tư nghiên cửu, hoàn thiện sáng chế.
Trung Quốc xác định chủ thể của sáng tạo, đổi mới công nghệ là các doanh nghiệp. Do vậy đã có rất nhiều giải pháp khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ. Doanh nghiệp nào nếu dành lợi nhuận trước thuế để mua công nghệ thì sẽ được nhà nước miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần kinh phí đó. Hằng năm, doanh nghiệp được trích 5% doanh thu (không tính thuế) để nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Xây dựng mô hình thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN
Trung tâm dịch vụ KH&CN thuộc Hiệp hội Thị trường công nghệ: Trung tâm làm dịch vụ môi giới, tư vấn chuyển giao công nghệ, hoạt động trên nguyên tắc tự hạch toán. Một số hoạt động chủ yếu của Trung tâm là: xây dựng hệ thống thông tin về các viện NC&PT; kết nối cung cầu, lựa chọn công nghệ, ký kết hợp đồng công nghệ; tổ chức các hội thảo, tọa đàm, triển lãm công nghệ. Đây là mô hình một trung tâm nhỏ, giống như các trung tâm thông tin KH&CN, trung tâm dịch vụ tư vấn KH&CN ở Việt Nam.
Sàn giao dịch công nghệ Thượng Hải: Sàn giao dịch được Bộ KH&CN Trung Quốc và UBND thành phố Thượng Hải thành lập năm 1993. Đây là một đon vị công ích, phi lợi nhuận của nhà nước, hoạt động theo mô hình tương tự như một đơn vị sự nghiệp có thu ở Việt Nam. Tôn chỉ hoạt động là: thúc đẩy trao đổi công nghệ cao và mới đủ các ngành nghề cho tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phương châm hoạt động là: tìm vốn cho kỹ thuật; tìm kỹ thuật cho người có vốn; tìm thị trường cho sản phẩm và tìm sản phẩm cho thị trường.
Sàn giao dịch phục vụ theo chế độ hội viên. Hội viên là các đơn vị có tư cách pháp nhân, phải đăng ký tham gia, nộp hội phí và phải có khả năng và nhu cầu về thông tin. Các hoạt động chủ yếu của Sàn giao dịch này bao gồm: tổ chức các triển lãm, hội chợ, hội nghị, hội thảo; dịch vụ nhân lực KHCN; tư vấn quản lý; tập huấn, đào tạo: cung cấp thông tin KH&CN; giải quyết vấn đề của các doanh nghiệp.
Trung tâm Sức sản xuất Quảng Đông: Trung tâm thuộc Sở KH&CN tỉnh Quảng Đông được thành lập năm 1994. Đây cũng là một đơn vị công ích, phi lợi nhuận của Nhà nước (hoạt động theo mô hình tương tự như một đơn vị sự nghiệp có thu ở Việt Nam) nhằm cung cấp các dịch vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trung tâm có nhiệm vụ thúc đẩy tiến bộ công nghệ và năng lực đổi mới của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải thiện sự phát triển của chúng. Đồng thời cung cấp các dịch vụ đa dạng và tổng thể trong các lĩnh vực thông tin công nghệ, nuôi dưỡng (ươm tạo) công nghệ cao, giao dịch sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, tư vấn quản lý, công nghiệp công nghệ thông tin, trao đổi và hợp tác quốc tế,...
Trung tâm tập trung vào việc đưa kỹ thuật tiến bộ vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng hệ thống đổi mới (sáng tạo) của tỉnh; phát triển công nghệ cao và mới; cải tạo các ngành nghề truyền thống.
Phương thức và kinh phí hoạt động của Trung tâm này là một mô hình thúc đẩy phát triển công nghệ toàn diện, có thể nói là mô hình ươm tạo doanh nghiệp KH&CN.