Chuyên gia về kỹ thuật số Karl-Heinz Land.
Thưa ông Land, xin nói ngắn gọn: trong tương lai chúng ta sẽ làm việc như thế nào?
Trong vòng 15 đến 20 năm tới sẽ có khoảng một nửa loại công việc mà chúng ta quen biết, sẽ biến mất. Và trong ba đến bốn thập kỷ tới sẽ có một số người quanh quẩn ngồi nhà đảm đương các vị trí “danh dự” hay đại loại như vậy. Khi đó người ta làm việc không phải vì mục đích kiếm tiền để sinh sống mà để cho cuộc sống có ý nghĩa.
Phải chăng đây là một bước nhảy vọt trong một khoảng thời gian ngắn ngủi?
Các chuyên gia cho rằng, những thay đổi trong ba trăm năm gần đây có lẽ còn ít hơn những thay đổi trong ba chục năm tới. Điều này sẽ đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của chúng ta. Thế giới lao động sẽ xoay chuyển hoàn toàn từ phải sang trái.
Thưa ông, chúng ta sẽ sớm nhận thấy những thay đổi này sẽ diễn ra ở những ngành nghề nào?
Trước tiên chúng ta sẽ chứng kiến sự cáo chung của các trợ lý (Assistenten). Chỉ vài năm nữa các nhà quản lý sẽ suy nghĩ, cân nhắc, có thực sự cần trợ lý nữa hay không. Các sếp tới đây có thể dựa vào Alexa, Siri hay Cortana… Tiếp đến người làm nghề tư vấn thuế và kế toán cũng chỉ tồn tại từ năm đến mười năm nữa. Sau đó nhóm nghề này sẽ không còn tồn tại, vì số hóa, hòa mạng và tự động hóa với loại công việc này dễ dàng nhất.
Điều tương tự sẽ diễn ra xung quanh việc tự động hóa đi lại. Lái xe taxi, xe buýt và xe tải sẽ buộc phải bỏ nghề, khi mà việc lái xe có máy móc điều khiển. Đi cùng với nó là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực Logistic. Xe tải tự động hóa sẽ tự lái và nhờ có trí tuệ nhân tạo nó sẽ vạch ra một tuyến đường bảo đảm chạy nhanh nhất, ngắn nhất và hiệu quả nhất – vậy thì cần gì phải có chuyên gia về Logistik nữa? Bạn thấy đấy những thay đổi này tạo ra phản ứng dây chuyền.
Chỉ vài năm nữa các nhà quản lý sẽ suy nghĩ, cân nhắc, có thực sự cần trợ lý nữa hay không. Nguồn: The pinsta.com
Nhưng mà cũng có những nghề không dễ gì có thể số hóa được...
Đương nhiên. Tôi nghĩ loại công việc đòi hỏi nhiều năng động sáng tạo thì mười hoặc hai mươi năm nữa vẫn tiếp tục tồn tại trong một thời gian dài nữa, chẳng hạn như thợ thủ công. Khi đối diện với những tình huống không định chuẩn, phải xử lý linh hoạt, sáng tạo và độc lập thì các con robot chưa đạt được các khả năng đó.
Như vậy có nghĩa là các nghề sẽ chết với tốc độ khác nhau?
Đúng vậy. Có những nghề ở thời kỳ đầu chỉ khoảng 40% công việc được tự động hóa, nhưng hai chục năm sau đó có lẽ sẽ tăng lên từ 60 đến 80%. Một việc có thể chia thành nhiều công đoạn, những công đoạn này dần dần được trao cho trí tuệ nhân tạo đảm đương.
Hiện nay người ta đang nói nhiều về những thay đổi trong nghề điều dưỡng. Ở một số nơi robot điều dưỡng đã được đưa vào vận hành. Theo ông ở đây sẽ diễn ra một sự thay thế nhanh chóng?
Những người chăm sóc người bệnh trong các bệnh viện, người già ở nhà dưỡng lão, những nghề liên quan đến nuôi dạy trẻ em – những nghề liên quan đến con người trước mắt vẫn tiếp tục tồn tại. Đây là những công việc không thể không có sự giao tiếp với con người.
Trong việc chăm sóc người bệnh, người già chắc chắn có nhiều việc robot có thể làm được thí dụ như tắm rửa – trong khi đó các điều dưỡng viên sẽ dành nhiều thì giờ hơn để trò chuyện trực tiếp với các cụ hoặc bệnh nhân. Có những công việc không thể không có sự giao thiếp của con người. Đối với các nhà giáo cũng sẽ tương tự như vậy. Robot có thể đảm nhận phần lớn công việc truyền đạt kiến thức. Nhưng khi học về các quan hệ xã hội thì không thể dùng robot.
Có nghĩa là tuy nghề thầy giáo không biến mất nhưng sẽ có những biến đổi to lớn một phần công việc của thầy cô sẽ do trí tuệ nhân tạo đảm nhận?
Chính xác. Hệ thống giáo dục sẽ thay đổi cơ bản. Giáo dục 4.0 sẽ là một sự pha trộn lành mạnh giữa học tập – online và offline - học với robot và với con người. Có nghĩa là bỏ lối truyền thụ kiến thức và dạy về năng lực phương pháp và năng lực xã hội.
Thưa ông thái độ của người lao động trước sự thay đổi khắc nghiệt này như thế nào?
Để không bị số hóa cuốn đi điều quan trọng nhất với người lao động là phải chủ động tìm hiểu, học hỏi các công nghệ mới và sẵn sàng bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề nghiệp của mình.
Người lao động không nhất thiết phải hiểu tường tận, chi tiết về mọi sự đổi mới, nhưng vấn đề là họ cần quan tâm thường xuyên đến tác động của công nghệ số vào lĩnh vực công việc của mình như thế nào và nó có thể mang lại lợi ích thiết thực gì cho công việc của họ.
Xim cảm ơn ông!
Karl-Heinz Land là chuyên gia về kỹ thuật số và là người sáng lập Tư vấn chiến lược và đổi mới neuland (Strategie- und Transformationsberatung neuland). Năm 2006 được giải thưởng Technology Pioneer Award“ tại World Economic Forum (WEF) ở Davos. Và là đồng tác giả cuốn sách “Digitaler Darwinismus – cuộc tấn công thầm lặng vào mô hình kinh doanh và thương hiệu của bạn”. |