Tôi từng làm Giám đốc Chiến lược và Marketing của Shell ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nên tôi được trải nghiệm rằng hãng đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo ở các trường đại học. Tôi cũng có nhiều dịp tham quan và thuyết trình về chiến lược tại Trung tâm R&D của Shell ở Pháp - nơi thực hiện những dự án R&D quan trọng của tập đoàn - để hiểu thêm điều này.
Tuy đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng R&D nội bộ (in-house R&D), Shell cũng nhận thức rằng những phát minh đột phá thường đến từ các ý tưởng bên ngoài vốn không bị trói buộc bởi những tư duy truyền thống từ bên trong (out-of-the-box thinking).
Bên trong Trung tâm công nghệ của Shell tại Hamburg - một trong rất nhiều trung tâm R&D của hãng này trên khắp thế giới. Ảnh: Shell
Do đó, họ chủ trương khuyến khích đầu tư và hợp tác với các trường đại học để thực hiện những dự án R&D. Rất nhiều phát minh đột phá về công nghệ của Shell đến từ các dự án hợp tác như vậy, trong đó sản phẩm nhựa đường của hãng đứng đầu thế giới.
Tại Việt Nam, nhiều người nói về quan hệ giữa nhà khoa học và doanh nghiệp. Nhưng nếu chỉ nói thì mối quan hệ ấy chưa thể tạo ra các tài sản trí tuệ. Chúng ta cần có các cơ chế khuyến khích để doanh nghiệp có lợi khi làm việc này. Khoản đầu tư này của doanh nghiệp cần được công nhận là chi phí hợp lý, được miễn thuế. Khi đầu tư vào các phòng thí nghiệm trong trường đại học, doanh nghiệp cũng được sử dụng cơ sở nghiên cứu miễn phí trong thời gian xác định.
Qua đó, doanh nghiệp cũng được kết hợp với nguồn lực chất xám của nhà khoa học, sinh viên để thực hiện các đề án nghiên cứu theo nhu cầu phát triển sản phẩm và quy trình sản xuất. Kết quả những nghiên cứu đó là đồng sở hữu của doanh nghiệp và các nhà khoa học theo hợp đồng đặt hàng nghiên cứu. Nếu kết quả nghiên cứu được thương mại hóa thì tài sản hữu trí tuệ sẽ được chia sẻ cho những người đồng sở hữu. Khi có khuyến khích bằng cơ chế như vậy, những doanh nghiệp lớn có thể dành ra hàng triệu USD cho hoạt động này.
Đây cũng là nền tảng để phát triển trường đại học và phát triển tri thức, vì học mà không có thực hành, không có đề án nghiên cứu thì các trường đại học chỉ dừng lại ở kiến thức hàn lâm và lý thuyết. Lâu nay, kiến thức dạy trong trường đại học vốn không có tính thực tiễn và lạc hậu vì thiếu một phương tiện có thể kết nối thị trường với trường học.
Tôi ấp ủ kế hoạch đề nghị với Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng những điều trên, nhưng chưa có cơ hội trình bày. Tôi nghĩ, đây sẽ trở thành động lực phát triển cho thành phố với điều kiện thành phố làm việc được với Nhà nước để tạo ra những cơ chế, tức là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới sáng tạo và khai thác được chất xám của các trường đại học. Như vậy, Nhà nước không phải đầu tư và trên thực tế cũng không đủ tiền để chi cho các doanh nghiệp nghiên cứu. Cách khuyến khích việc kết nối giữa doanh nghiệp với các trường đại học như vậy sẽ tháo gỡ được vấn đề và tạo ra được tác động tích cực đối với xã hội.