Cứ bốn bệnh truyền nhiễm mới ở người thì ba trong số đó có nguồn gốc từ động vật. Mối đe dọa này ngày càng lớn khi con người xâm lấn môi trường sống của các loài động vật hoang dã, cũng như tiếp xúc thường xuyên hơn với chúng trong quá trình săn bắt và buôn bán trái phép.
Các bệnh lây truyền từ động vật sang người, hay còn gọi là bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, xuất hiện một cách phổ biến trên toàn thế giới. Chúng có thể do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc nấm gây ra. Người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng từ nhẹ, nặng cho đến tử vong.
Mầm bệnh từ các loài động vật có thể lây nhiễm sang người. Ảnh: Boldsky.
Việc tiếp xúc trực tiếp với động vật là con đường dễ dàng nhất để dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, chẳng hạn như qua hành động vuốt ve, cầm nắm và bị động vật cắn hoặc cào. Những người làm việc trong ngành chăn nuôi hoặc trong các ngành chăm sóc động vật (ví dụ như vườn thú hoặc bể cá) dễ bị phơi nhiễm với các bệnh lây truyền từ động vật hơn vì họ thường xuyên tiếp xúc với chúng. Vật nuôi trong nhà cũng có thể là nguồn lây bệnh trực tiếp, tương tự như các động vật hoang dã tiếp xúc với thợ săn.
Những người dành nhiều thời gian ở nơi động vật sinh sống có thể tiếp xúc gián tiếp với các tác nhân gây bệnh truyền từ động vật, thông qua việc tiếp xúc với nước hoặc chạm vào các bề mặt mà động vật nhiễm bệnh đã chạm vào trước đó. Một số mầm bệnh có nguồn gốc từ động vật thậm chí có thể làm ô nhiễm không khí mà chúng ta hít thở.
“Ví dụ, Hantavirus là một họ virus lây lan nhờ động vật gặm nhấm, rất hiếm khi thông qua tiếp xúc trực tiếp. Thay vào đó, chúng thường lây lan qua sol khí (aerosol) có nguồn gốc từ phân của loài gặm nhấm bị nhiễm bệnh”, Barbara Han, nhà sinh thái học về bệnh truyền nhiễm tại Viện Nghiên cứu Hệ sinh thái Cary ở New York (Mỹ), cho biết. “Những người quét dọn chuồng trại chăn nuôi của họ trong một thời gian dài có thể hít phải các mầm bệnh lơ lửng trong không khí bắt nguồn từ phân chuột”.
Dịch bệnh cũng có thể lây truyền thông qua các loài trung gian sống ký sinh trên cơ thể con vật. Ví dụ, bọ ve truyền mầm bệnh qua đường máu – chẳng hạn như vi khuẩn gây bệnh Lyme – từ động vật bị nhiễm bệnh sang các loài động vật khác và con người. Trong khi đó, bọ chét là động vật trung gian làm lan truyền vi khuẩn gây ra bệnh dịch hạch.
Con người cũng có thể mắc các bệnh truyền nhiễm từ động vật thông qua việc tiêu thụ thực phẩm bẩn. Nếu ăn thịt và trứng chưa nấu chín, uống sữa tươi chưa tiệt trùng hoặc ăn các sản phẩm bị nhiễm phân động vật chưa được rửa sạch, chúng ta có thể mắc các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây ra.
Các chuyên gia ước tính khoảng 60% các bệnh truyền nhiễm đã biết ở người có thể do động vật làm lây lan, và cứ bốn bệnh mới xuất hiện ở người thì ba trong số đó có nguồn gốc từ động vật, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).
Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang tích cực hợp tác với các quốc gia và tổ chức phi chính phủ trên khắp thế giới để xác định và quản lý các mối đe dọa toàn cầu, bao gồm những căn bệnh truyền từ động vật sang người. Một số bệnh phổ biến có thể kể đến như cúm động vật [trong đó virus cúm loại A gây ra bệnh nặng nhất], nhiễm khuẩn Salmonella, virus Tây sông Nile, virus Zika, Ebola, dịch hạch, Covid-19 [có thể bắt nguồn từ dơi nhưng giới khoa học chưa rõ bằng cách nào virus lây sang người], bệnh dại, bệnh Brucella, bệnh lyme,…
Các bệnh truyền nhiễm từ động vật đang là một mối quan tâm lớn về sức khỏe cộng đồng vì hai lý do chính: (1) Tỷ lệ người mắc các bệnh có nguồn gốc từ động vật gần đây đang có xu hướng gia tăng; và (2) rất khó để dự đoán nơi dịch bệnh sẽ xuất hiện.
“Một trong những nguyên nhân làm gia tăng các bệnh truyền nhiễm từ động vật là do con người đang xâm lấn môi trường sống của chúng [ví dụ hoạt động khai thác gỗ trong rừng], tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự tiếp xúc giữa con người và động vật hoang dã”, Han cho biết.
Việc gây áp lực lên môi trường thông qua hoạt động săn bắt, buôn bán động vật hoang dã và phát triển kinh tế khiến hệ sinh thái mất cân bằng và các loài động vật khó tồn tại hơn. “Các con vật buộc phải đi xa để tìm kiếm thức ăn hoặc bạn tình, và trong tình trạng căng thẳng triền miên này, những con vật đó dễ mắc bệnh và có nhiều khả năng lây bệnh cho con người”, Han nói.
Một lý do khác khiến các bệnh truyền nhiễm từ động vật gia tăng là con người hiện nay kết nối với nhau nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi để dịch bệnh lây lan nhanh chóng trong cộng đồng. “Ngay cả những nơi tương đối xa xôi, hẻo lánh cũng được kết nối nhiều hơn so với trước đây”, Han nhận định.
“Ý nghĩ cho rằng động vật có thể mang những loại virus nguy hiểm và tồn tại với chúng theo thời gian, sau đó làm lây lan sang người rất dễ khiến con người trở nên sợ hãi”, Han nói. “Nó có thể gây ra tác động lớn về mặt tâm lý, về nỗi sợ hãi của chúng ta đối với môi trường tự nhiên và thái độ của chúng ta đối với động vật hoang dã. Nhưng trên thực tế, nguy cơ xuất hiện và lây lan một loại bệnh truyền nhiễm mới bắt nguồn từ động vật thực sự khá thấp”.
Hơn nữa, các cá nhân và nhà khoa học có thể thực hiện những biện pháp cụ thể để giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm và tác động của các bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Ở cấp độ cá nhân, vệ sinh tốt là giải pháp cần được ưu tiên. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ khuyến cáo bạn nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sau khi ở gần động vật hoặc những nơi có động vật sinh sống, ngay cả khi bạn chưa chạm vào con vật. Đối với vật nuôi, hãy tiêm phòng cho chó và mèo của bạn, cũng như vệ sinh cho chúng cẩn thận. Tránh ôm các loài thú cưng thuộc động vật bò sát hoặc chim, bởi vì những động vật này có nhiều khả năng lây lan mầm bệnh hơn.
“Xét đến khía cạnh nghiên cứu khoa học về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người, tôi nghĩ chúng ta có thể làm được rất nhiều điều”, Han nói. “Nhìn chung, các nhà khoa học cần tìm ra cách để con người có thể chung sống bền vững với những người hàng xóm hoang dã của chúng ta. Để làm được điều này, chúng ta cần tìm hiểu thêm về các loài động vật trong môi trường sống của chúng, chẳng hạn như chúng đi đâu, ăn gì và làm gì”.
“Nếu bạn không hiểu biết về các loài động vật ở nơi bạn sinh sống, bạn sẽ không biết những mầm bệnh tiềm ẩn mà chúng có thể lây truyền cho bạn”, Han chia sẻ. “Sự hiểu biết kỹ lưỡng hơn về hệ sinh thái có thể giúp các nhà khoa học đưa ra những cách tốt hơn để dự đoán và ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm từ động vật xuất hiện. Chúng ta có thể thu được rất nhiều lợi ích từ việc đầu tư vào nghiên cứu cơ bản liên quan đến vấn đề này”.