Hầu hết rừng thứ sinh đều không tồn tại đủ lâu để cung cấp nơi cư trú cho nhiều loài động, thực vật. Vì vậy, các quốc gia cần có chính sách hợp lý trong dài hạn để khôi phục và bảo tồn rừng.

Thác Catarata La Fortuna chảy qua một khu rừng gần thị trấn La Fortuna và Volcan Arenal (Costa Rica). Nguồn: © Kevin/Fotolia.

Thác Catarata La Fortuna chảy qua một khu rừng gần thị trấn La Fortuna và Volcan Arenal (Costa Rica). Nguồn: © Kevin/Fotolia.

Mới đây, trong bài viết khoa học mang tên The ephemerality of secondary forests in southern Costa Rica (sự đoản mệnh của rừng thứ sinh ở miền Nam Costa Rica), các tác giả cho biết: rừng thứ sinh (hình thành nhờ sự tái sinh tự nhiên trên đất rừng đã mất do hoạt động nông nghiệp, cháy rừng hoặc khai thác cạn kiệt) thường chỉ có tuổi thọ trung bình khoảng 20 năm. Trên thực tế, lợi ích mà rừng mang lại thường phụ thuộc vào vòng đời của nó. Do đó, quãng thời gian 20 năm là chưa đủ để rừng thứ sinh có thể thỏa mãn các nhiệm vụ như hấp thụ carbon trong không khí và kiến tạo môi trường sống cho các loài sinh vật.

Để đưa ra kết luận trên, nhà thực vật học Missouri Leighton Reid – tác giả chính của nghiên cứu – cùng các cộng sự đã thu thập và phân tích hàng ngàn bức ảnh chụp rừng thứ sinh (tại Costa Rica) từ trên cao trong giai đoạn 1947 – 2014. Kết quả cho thấy, những cánh rừng thường chỉ phát triển được khoảng 20 năm, trước khi bị xóa xổ cho mục đích khác, điển hình là hoạt động nông nghiệp. Theo thống kê, có tới 85% diện tích rừng thứ sinh bị xóa sổ trước 54 tuổi.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy, các khu rừng ven sông và những mảng rừng có diện tích lớn hơn (bị phân chia bởi hoạt động của con người) thường ít có khả năng được tái trồng hơn so với các khu vực rừng thứ sinh khác. Chính vì vậy, nhóm của Reid kỳ vọng rằng nghiên cứu này sẽ thúc đẩy các quốc gia nỗ lực phục hồi và bảo tồn rừng mạnh mẽ hơn. “Hiện tại, nhiều quốc gia đã và đang thực hiện những cam kết khôi phục rừng trên quy mô lớn mà thiếu đi tầm nhìn dài hạn. Đây chính là cơ hội mà các nước tiên tiến không nên bỏ lỡ, để hoàn thành mục tiêu khôi phục hàng triệu ha rừng trăm tuổi vào năm 2020, thay vì chỉ trồng rừng mới”, ông nói thêm

Costa Rica được xem là một trường hợp nghiên cứu điển hình và khá thú vị bởi đất nước này đang nỗ lực thực hiện cam kết phục hồi rừng quy mô lớn (Thách thức Bonn), đồng thời đề ra chính sách chi trả cho các dịch vụ liên quan đến hệ sinh thái. Ngoài ra, dữ liệu về rừng thứ sinh ở đây cũng rất sẵn và thường được lưu lại trong một khoảng thời gian dài với độ phân giải cao. Vì thế, nghiên cứu của nhóm Reid được xem là có quy mô dài nhất (thực hiện trong 67 năm), và những bức ảnh cũng có độ phân giải thuộc loại cao nhất (10 Mega Pixel). Trước đó đã từng có hai nghiên cứu khác, nhưng chỉ lấy dữ liệu từ năm 1985 và sử dụng những bức ảnh có độ phân giải thấp hơn.

Nguồn:https://www.sciencedaily.com/releases/2018/10/181002102900.htm