“Xôi lạc tivi” có lẽ cụm từ ‘nóng’ nhất trong những ngày đầu tiên diễn ra các trận đấu bóng đá của đội Olympic Việt Nam tại Asiad, thời điểm Đài Tiếng nói Việt Nam chưa mua được bản quyền phát sóng giải đấu.

‘Nóng’ bởi khi không có kênh chính thức phát sóng, người hâm mộ lại sôi sục với bóng đá, ‘Xôi lạc’ là nơi ‘phát lậu’ trận đấu cho người xem trong nước. Có những thời điểm, số người xem lên đến con số vài triệu trên kênh youtube và các website khác. Và đương nhiên tất cả đều là ‘xem lậu’ – đều là vi phạm bản quyền.

Câu chuyện ‘Xôi lạc TV’ là ví dụ rõ nhất cho vấn đề vi phạm bản quyền trên môi trường số ở Việt Nam. Và cũng chính trong câu chuyện này, điểm yếu về thực thi bản quyền thể hiện rõ nhất: biết vi phạm diễn ra ‘sờ sờ’ ngay đấy, nhưng rốt cuộc, việc xử lý vi phạm vẫn không được thực thi.

Bùng nổ công nghệ số và gia tăng vi phạm bản quyền

Trong 10 năm qua, kinh tế số đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn các thị trường kinh doanh. Năm 2007, số người sử dụng Internet ở Việt Nam là 17.718.112 người, đến năm 2017 đã tăng lên 64 triệu người, tức là xấp xỉ 67% dân số, đạt mức tăng trưởng là 261% và đưa Việt Nam trở thành nước thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử dụng Internet đông nhất. Xu hướng truy cập Internet của người Việt Nam là bằng điện thoại thông minh, chiếm 72% và có 50% người dùng sử dụng máy tính. Bên cạnh đó, ước tính tổng số thuê bao của cả nước vào năm 2016 là 8 triệu thuê bao, thể hiện mức tăng trưởng 3725% đối với 210 thuê bao vào năm 2005.

Nhưng đi kèm với bùng nổ công nghệ và tốc độ số hóa nội dung, xâm phạm bản quyền cũng bùng nổ theo. Năm 2018, trong bảng xếp hạng Chỉ số sở hữu trí tuệ quốc tế hằng năm lần thứ 6, Việt Nam đạt 13.19/40 điểm, xếp thứ 40/50 nền kinh tế được đánh giá. Tổng điểm của Việt Nam tăng từ 30% trên tổng điểm có thể đạt được (10,34 trên thang điểm 35) trong lần đánh giá thứ 5 lên 33% (13,19 trên thang điểm 40) trong lần đánh giá thứ 6.


Tuy nhiên, các chỉ số liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan đều ở mức điểm thấp. Giữa hai lần đánh giá, nhóm quyền tác giả và quyền liên quan không được cải thiện hơn. Tổng điểm đánh giá quyền tác giả, quyền liên quan của Việt Nam là 1.28/7, xếp 50/50 trong bảng xếp hạng, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực được khảo sát như Philippines (1.78), Thái Lan (2.28).

Hành vi vi phạm bản quyền phổ biến gồm: tải các nội dung trực tiếp từ các trang web; trao đổi đồng đẳng (P2P – mạng đồng đẳng, không có máy chủ máy khách, mỗi nút mạng trong mạng lưới đều có vai trò ngang hàng, có thể phân phối và tiếp nhận các nội dung từ cùng mạng); liên kết trang web, sử dụng công cụ tìm kiếm; sử dụng kỹ thuật streaming trên phương tiện truyền thông xã hội mạng. Việc tải âm nhạc không có bản quyền qua trang web và ứng dụng dành cho thiết bị di động đang tăng lên và việc phân luồng cũng là một vấn đề.

Các trang web, ứng dụng vi phạm bản quyền tạo ra doanh thu thông qua quảng cáo hoặc qua đăng ký trả phí cho dịch vụ cao cấp. Sự xuất hiện của các trang web, ứng dụng này ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà sản xuất sản phẩm sáng tạo, đồng thời, các ngành xuất bản băng, đĩa, sách truyền thống không thể đảm bảo khả năng cạnh tranh với các nhà cung cấp trên Internet trong việc phân phối tác phẩm.

Yếu trong thực thi bảo vệ Bản quyền

Không hẳn Việt Nam không có những tiến bộ về bảo vệ bản quyền. Đánh giá một cách tổng thể, hệ thống pháp lý có những điểm mạnh: Đã có khung pháp lý và thực thi cơ bản để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các biện pháp phạt trong phạm vi thương mại; Có chiến lược quốc gia phát triển quyền sở hữu trí tuệ; Có sự tham gia vào các hiệp định quốc tế về bảo vệ sở hữu trí tuệ. Nhưng hiệu lực thực thi vẫn là điểm hạn chế cốt tử: pháp luật vẫn cơ bản nằm trên giấy.

Còn thực tế, quá trình thực thi bảo đảm quyền vẫn rất yếu, các biện pháp phạt không đủ mạnh và tốc độ xử lý các vụ việc vẫn chậm. Xử lý hành chính vẫn là con đường chủ đạo – khác với các nước phát triển: nơi xử lý dân sự, thông qua tòa án là biện pháp chính. Và hạn chế nằm ngay trong các cơ quan hành chính, khi các cơ quan quản lý hành chính hoạt động kém hiệu quả, rời rạc, thiếu liên kết, chưa đáp ứng được yêu cầu thực thi trên môi trường trực tuyến.

Hiện nay trong quản lý và thực thi quyền tác giả, có rất nhiều cơ quan, đơn vị quản lý hành chính tham gia, không thống nhất và chồng lấn phạm vi thẩm quyền.

Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý về quyền tác giả, quyền liên quan trong cả nước. Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý các chương trình truyền hình. Tham gia hỗ trợ cho hoạt động của Cục Bản quyền tác giả là các tổ chức quản lý tập thể, bao gồm: Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, Hiệp hội Bảo vệ Quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam.

Quá trình xử lý vi phạm vẫn còn chậm và rườm rà, chỉ được thực hiện từng trường hợp cụ thể khi có khiếu nại hành chính chứ chưa trở thành một hệ thống xử lí và ngăn ngừa. Việc đăng ký tên miền Việt Nam hiện nay tại Trung tâm Internet Việt Nam theo quy định của Thông tư 24/2015/TT-BTTTT không bắt buộc phải cung cấp các thông tin liên hệ và đăng ký của chủ sở hữu website, khiến cho việc truy tìm và xử lý chủ sở hữu website trở nên khó khăn.

Tất cả các sản phẩm như sách, điện ảnh, âm nhạc đều có thể dễ dàng bị phân phối trái phép, miễn phí trên mạng Internet mà không có bất cứ sự can thiệp nào từ phía các cơ quan quản lý. Để bảo vệ quyền lợi của mình, các nhà xuất bản, các đài truyền hình sở hữu hợp pháp các sản phẩm buộc phải tự thực hiện các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Điển hình là trường hợp Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam đã phải ngừng phát sóng UEFA Champion League, UEFA Europa League trên dịch vụ truyền hình của VTVCap và VTV tháng 5/2017 do hàng loạt các website, trang tin điện tử đã vi phạm bản quyền, đăng tải những đoạn clip được cắt ghép từ các trận đấu thuộc hai giải bóng đá trên.

Với những điểm yếu nêu trên, tăng cường hiệu quả xử lý vi phạm bản quyền rõ ràng là yêu cầu bức thiết. Tuy nhiên, cần những hướng đi mới, thay vì dựa vào các giải pháp hành chính đơn thuần như hiện nay.

(Xem tiếp kỳ sau)