Là một nền kinh tế rất mở và độ mở ngày càng rộng hơn, Việt Nam đang có những cơ hội lớn, đồng thời cũng chịu những tác động ngày càng sâu rộng hơn của thị trường bên ngoài.
Thế giới chưa bao giờ thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng như thời gian vừa qua, đặc biệt nhờ sự phát triển vũ bão của một số công nghệ mới. Thế giới cũng chứng kiến những biến chuyển bất ngờ gần như không ai tiên đoán được, như cuộc “chiến tranh thương mại” Mỹ-Trung từ tháng 3/2018. Cuộc chiến đó càng ngày càng bộc lộ rõ là một cuộc cạnh tranh hay đối đầu chiến lược tổng thể giữa hai quốc gia lớn nhất để xác lập vị thế thống lĩnh toàn cầu của mình. Từ đấy, cách thức quan hệ giữa các quốc gia đã ngày càng trở nên phức tạp và đa chiều hơn. Người ta không chỉ quan tâm chủ yếu đến quan hệ thương mại hay đầu tư, mà còn hết sức chú trọng khả năng làm chủ công nghệ thông qua sáng tạo, mua bán công nghệ, mua bán hay chiếm đoạt tài sản vật chất và trí tuệ của nhau, thực hiện chiến lược tạo thêm ảnh hưởng của nước mình lên các nước khác….
Việt Nam cũng đã dần thay đổi cách tiếp cận vấn đề của mình, theo hướng hội nhập toàn diện hơn. Trước đây, chúng ta tập trung cao vào hội nhập “kinh tế quốc tế”, nhưng càng ngày chúng ta càng thấm rõ hơn rằng ngay phạm trù “kinh tế” ngày nay cũng rộng mở hơn nhiều so với các hoạt động truyền thống về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, xuất khẩu lao động hay đầu tư tiền vốn giữa các nước. Có rất nhiều nhân tố mới và tác động của chúng có thể đến từ nhiều hướng.
Những nỗ lực đáng ghi nhận của hội nhập
Nếu nhìn vào kết quả của hội nhập qua các con số như tăng trưởng xuất nhập khẩu, GDP hay FDI thì có thể nói năm 2018 là một năm thành công của Việt Nam. Xuất khẩu tăng 16% và xuất siêu đạt mức kỷ lục (thặng dư 7,2 tỷ USD), đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tăng cao (hơn 30.8 tỷ USD đăng ký trong 11 tháng đầu năm, giải ngân đạt khoảng 53.6%). Tăng trưởng GDP năm 2018 theo công bố là 7.08%, mức tăng cao nhất trong vòng 8 năm qua và vượt kỳ vọng ban đầu 6.7%.Tuy nhiên cần lưu ý sự phát triển của Việt Nam hiện vẫn đang dựa rất nhiều vào các nguồn lực từ nước ngoài, ví dụ FDI chiếm tới trên 50% sản lượng công nghiệp và 70% kim ngạch xuất khẩu, đóng góp gần 20% tỷ trọng GDP và chiếm khoảng 23% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong khi đó, khu vực FDI hầu hết vẫn sử dụng lao động giá rẻ và gần như không có chuyển giao công nghệ.
Việt Nam đang chuẩn bị bước sang giai đoạn hội nhập mới, thể hiện qua việc Quốc hội thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP (tháng 10/2018) và chính phủ đang gắng sức thúc đẩy Liên minh châu Âu sớm thông qua Hiệp định thương mại tự do EVFTA. Khác với các FTA trước, hai hiệp định “thế hệ mới” này đặt ra một số cam kết mới và những đòi hỏi cao hơn hẳn về mọi mặt, đặc biệt là yêu cầu về cải cách thể chế. Việc quyết tâm thúc đẩy và thực hiện CPTPP và EVFTA cho thấy Việt Nam đang thực sự mong muốn thay đổi quá trình phát triển và hội nhập từ lượng sang chất.
Trong năm 2018, Việt Nam đã ít nhiều tận dụng được vài cơ hội do sự xung đột thương mại Mỹ-Trung mang lại. Khi Mỹ đánh thuế cao một số mặt hàng của Trung Quốc như đồ gỗ thì Việt Nam tranh thủ tăng cường xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ. Một loạt công ty thủy sản, rau quả đi vào công nghệ, chuyển sang cách làm theo những yêu cầu về sinh thái, hữu cơ, cố gắng kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất cho đến lúc xuất khẩu. Việt Nam đang cố gắng cải thiện năng lực, vị thế bằng cách giảm và từ bỏ dần cách cạnh tranh chỉ bằng giá thấp, chuyển dần sang cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất kinh doanh tốt hơn.
Trong những thành tựu xuất khẩu của năm 2018 thì gạo là mặt hàng đặc biệt đáng chú ý. Lần đầu tiên bình quân giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao hơn so với một số đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan (công bố của bộ NN&PTNT vào tháng 3/2018). Trước đây, Việt Nam thường thua kém Thái Lan về cả chất lượng và giá cả, nhưng bước vượt lên này chứng tỏ cố gắng rất lớn của việc tái cơ cấu ngành hàng gạo. Một số vùng trồng lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tập trung sản xuất những giống gạo không nhằm sản lượng cao mà nhằm đạt chất lượng tốt để xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU hay Mỹ, thay vì ham những thị trường giá rẻ nhưng dễ vào như trước. Tháng 5/2018, Bộ NN - PTNT ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia Gạo Việt Nam/Vietnam Rice nhằm quảng bá sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hạt gạo. Tháng 10/2018, Chính phủ sửa đổi Nghị định 109 cũ để ‘cởi trói’ cho xuất khẩu gạo, bằng việc xóa bỏ các quy chế bắt buộc về kho chứa tối thiểu 5,000 tấn và cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn/giờ, cũng như đơn giản hóa thủ tục hải quan cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Mặc dù nhiều chuyên gia vẫn trăn trở rằng năm 2018, Việt Nam tăng trưởng cao nhưng chưa thấy những động lực mới xuất hiện, song những tín hiệu ban đầu qua một vài ví dụ như trên đã cho thấy một sự khởi động theo chiều hướng tốt. Chính những điều đó có thể tạo nền tảng để sau này trở thành những động lực thực sự cho tăng trưởng của Việt Nam.
Đổi mới sáng tạo từ phía Chính phủ
Từ năm 2016 đến nay, nhà nước ta đã liên tục thúc đẩy và có nhiều hoạt động nhằm dẫn dắt nền kinh tế chuyển sang phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo (ĐMST), nhất là thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện các hoạt động ĐMST. Năm 2018 ghi nhận Việt Nam có nhiều hoạt động quốc tế và trong nước, đưa ra những thông điệp mạnh mẽ về khát vọng và định hướng phát triển khoa học công nghệ và ĐMST.
Tuy nhiên, để có một nền kinh tế ĐMST, đầu tiên chính phủ phải tiên phong trong một số mặt. Bên cạnh những chủ trương chính sách khuyến khích ngày càng rõ ràng hơn, thì chính phủ điện tử (CPĐT) dường như là dấu ấn ĐMST trong lĩnh vực công tốt nhất của Việt Nam năm nay. Tháng 8/2018, Ủy ban quốc gia về CPĐT được thành lập do đích thân Thủ tướng làm chủ tịch và đang ráo riết kết nối, tinh chỉnh các hoạt động dịch vụ công trực tuyến; hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực, hệ thống một cửa quốc gia… .
Tuy vậy, số lượng các bộ ban ngành được kết nối cũng như các thủ tục hành chính được triển khai trên các hệ thống điện tử chỉ ở mức khoảng trên dưới 50% so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016 – 2020. Gần 5 năm kể từ khi Nghị quyết 19 và hơn 2 năm kể từ khi Nghị quyết 35 được ban hành, Chính phủ đã tập trung cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD) và đã có những chuyển biến nhất định. Nếu Việt Nam thiết lập được những hệ thống kết nối minh bạch như CPĐT thì mục tiêu cắt bỏ 50% số điều kiện kinh doanh sẽ có thể thực hiện được đúng tiến độ và thực chất; đồng thời giúp chống tham nhũng, tăng cường năng lực quản trị của nhà nước, tăng năng lực của cán bộ công chức trong công việc và cải thiện quan hệ của nhà nước với doanh nghiệp và người dân.
Những phép thử cho phía doanh nghiệp
Hội nhập là một trong những nhân tố thúc đẩy ĐMST trong nước, đồng thời cũng mở ra cánh cửa để Việt Nam đo lường được rõ ràng hơn vị trí của mình trên thế giới cũng như sự chuyển biến của mình trong dòng chảy quốc tế. Có những thay đổi theo hướng tích cực hơn, như năm 2018 Việt Nam có 7 sản phẩm xuất khẩu đứng vào Top 5 thế giới đều từ nông-lâm-ngư nghiệp, chứng minh phần nào rằng nông nghiệp theo nghĩa rộng vẫn là một ngành nước ta có thế mạnh, và từ đấy có thể tập trung tiếp tục đầu tư vào nông nghiệp bằng những ứng dụng ĐMST để ngành này bật lên mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, có những ngành khi hội nhập sẽ vất vả hơn và cơ hội có thể sẽ nhỏ hơn trước, ví dụ như dệt may. Bây giờ chúng ta vẫn thấy còn cơ hội cho ngành may, nhưng nếu cứ kéo dài kiểu may gia công như hiện nay thì tương lai ngành này sẽ không còn lợi thế nữa.
Lúa gạo và dệt may là hai ví dụ cho những tác động, rủi ro tiềm tàng và cách thức phản ứng giữa hội nhập và ĐMST.
Ngành lúa gạo nước ta đang thay đổi bởi nó đã chạm đến điểm nghẽn mà nếu không thay đổi thì sẽ không thể phát triển được nữa. Bao nhiêu năm, lúa gạo bị chi phối bởi yêu cầu về số lượng - chính sách duy trì 3,8 triệu ha đất trồng lúa, trồng 2-3 vụ lúa một năm để lấy sản lượng càng nhiều càng tốt, nhằm bảo đảm an ninh lương thực và thành tích xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới về lượng.
Nhưng khi những thị trường truyền thống trở nên khó cạnh tranh hơn, khi nước láng giềng Campuchia tiến thẳng sang châu Âu xuất khẩu gạo với chất lượng và giá cả cao hơn hẳn Việt Nam, thì chúng ta “tỉnh ngủ”.
Kể cả tại thị trường trong nước, khi người tiêu dùng ở một số nơi quay sang ăn gạo Thái Lan, gạo Sóc Miên, Sa Mơ của Campuchia, thì người làm gạo nhận ra rằng ngay cả cung cấp cho gần 100 triệu đồng bào của mình cũng phải làm hàng cho tử tế. Chính những cú hích đó khiến cho nhiều người làm gạo ở Việt Nam thức tỉnh. Từ đó người ta bắt đầu thay đổi và tự tìm đến các nhà công nghệ để hợp tác tìm giải pháp giúp đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng cao hơn. Chính đòi hỏi của thị trường dẫn đến sự thay đổi cách tiếp cận của ngành, trùng hợp với thời kỳ nhà nước bắt đầu thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp nên ngành hàng lúa gạo đã có lực đẩy cho sự chuyển mình từ lượng sang chất. Nỗ lực trước hết từ bản thân người kinh doanh và nông dân là vô cùng đáng quý.
Bối cảnh ngành may mặc lại khác. Bên cạnh những cơ hội về mở rộng thị trường, việc hội nhập đang tạo ra những rủi ro tiềm tàng lớn. Năm 2018, dệt may là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 2 với trị giá ước tăng 16,6% so với năm trước, trong đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành hàng này, chiếm tỷ trọng 45%, theo sau là EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, trong sản phẩm may mặc của Việt Nam thì 48% nguyên phụ liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc, nên nếu căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục đẩy lên cao hơn thì xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ phải chịu thuế rất cao. Nhìn vào hiệp định CPTPP có hiệu lực từ năm 2019, chúng ta cũng sẽ thấy rõ nếu ngành may mặc không thay đổi sản xuất theo hướng tạo được giá trị gia tăng cao hơn, đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ, thì rất khó nắm bắt được cơ hội.
Đến nay mới chỉ có một số ít doanh nghiệp dệt may chuyển mình sang tự động hóa, còn dường như số lớn doanh nghiệp trong ngành vẫn đang khá ngập ngừng trong việc ĐMST bởi họ vẫn xuất khẩu được, cạnh tranh được bằng giá rẻ.
Việt Nam phải có sự chủ động chuẩn bị thị trường đối với mọi ngành hàng, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh, thì giá trị và vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu mới có thể ngày càng nâng cao.
Thể chế và minh bạch
Khi nói đến hệ thống ĐMST quốc gia, một số nhà nghiên cứu khoa học và hoạch định chính sách thường coi “văn hóa và giáo dục” là yếu tố căn bản, nhưng phía doanh nghiệp và công chúng lại nói nhiều hơn đến “thể chế và minh bạch”. Nói cho cùng, cả hai yếu tố này đều quan trọng, đều liên quan cũng như bổ trợ cho nhau. Nhưng tại sao có sự khác biệt trong kỳ vọng như thế? Bởi lẽ sự xuống cấp của văn hóa và giáo dục ở Việt Nam hiện nay nói cho cùng cũng là do thể chế. Người ta thường nói “thể chế nào thì doanh nghiệp ấy”, và nếu nhìn vào tất cả các lĩnh vực thì đều có thể thấy điều tương tự: thể chế nào thì nền giáo dục ấy, thể chế nào thì văn hóa ấy, thể chế nào thì con người ấy.
Một thể chế như thế nào sẽ khuyến khích sự ĐMST và những ý tưởng táo bạo về công nghệ để tạo thành sự đột phá? Một thể chế như thế nào sẽ khuyến khích những con người lương thiện và cần cù tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao? Vì sao trong hơn 2 năm qua, có không ít các startup Việt chuyển sang Singapore để khởi nghiệp? Những câu hỏi đó thực sự rất đáng quan tâm. Từ kinh nghiệm của các nước khác và những trở ngại ở nước ta hiện nay, có thể thấy rất rõ ràng rằng nếu không có một hệ thống thể chế hiện đại, khoa học, nghiêm minh và minh bạch thì Việt Nam sẽ rất khó có thể phát triển, hội nhập và ĐMST tốt hơn được. |