Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) có nêu các giải pháp phát triển khoa học - công nghệ. Để hiện thực hóa các giải pháp, cần nắm rõ hơn thực trạng.
Ông Trịnh Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TP HCM, thừa nhận dù đang được TP quan tâm nhưng hiện nay, công tác quản lý nhà nước về KH-CN vẫn chưa được các quận, huyện triển khai mạnh, thậm chí có nơi chưa thực hiện. Do đó, hoạt động KH-CN tại các quận, huyện vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Phát triển KH-CN cấp cơ sở là một trong những biện pháp nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế và khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp (DN). Hiện nay, các đề tài nghiên cứu vẫn chỉ tập trung vào khối viện nghiên cứu, trường ĐH..., trong khi khối DN tham gia rất hạn chế, khá thụ động trong việc xây dựng các đề án nghiên cứu phục vụ sản xuất của cơ sở, hầu hết chỉ mua lại công nghệ có sẵn. Số lượng DN trích lập Quỹ Phát triển KH-CN vô cùng ít ỏi, chủ yếu tập trung ở khối DN nhà nước.
“Nhất thiết phải có quy định bắt buộc DN nhà nước thành lập Quỹ Phát triển KH-CN và trích tối thiểu 5% lợi nhuận trước thuế hằng năm để đưa vào quỹ này. Bên cạnh đó, tăng mức hỗ trợ của nhà nước cho DN trong các dự án sản xuất thử nghiệm từ mức 30% hiện nay lên 40%. Như vậy mới khuyến khích được các DN đầu tư đổi mới công nghệ” - ông Tâm đề xuất.
PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP), cho biết: “Cơ chế, chính sách liên tục thay đổi khiến việc thu hút và hỗ trợ DN gặp nhiều khó khăn. Theo Luật Đầu tư (mới) và Luật DN (mới), mỗi DN muốn đầu tư vào SHTP phải có 2 giấy phép. Trong đó, SHTP chỉ được cấp giấy phép đầu tư. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2015, SHTP chưa được ủy quyền cấp giấy phép đánh giá tác động môi trường mà giao phần việc này cho Sở Tài nguyên và Môi trường. Việc không còn thực hiện theo cơ chế một cửa như trước đây (tất cả giấy phép do SHTP cấp) khiến DN phải “xin” nhiều nơi, nhiều lần, mất nhiều thời gian, công sức. Hầu hết các DN đều mong muốn sớm hoàn thiện các văn bản pháp luật và chính sách để yên tâm đầu tư, sản xuất - kinh doanh”.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Phó Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung TP HCM, nêu thực tế các dự án đầu tư xây dựng tại Công viên Phần mềm Quang Trung tiếp tục bị chậm triển khai do khó khăn về thủ tục hành chính cũng như tìm kiếm khách hàng. Nhiều dự án chưa nhận đủ vốn ngân sách để hoàn thành dứt điểm xây dựng hạ tầng. Từ đó, khó thu hút các nhà đầu tư mới cũng như thực hiện đúng cam kết về hạ tầng với các nhà đầu tư cũ. Vì thế, mong muốn TP bố trí đủ vốn để hoàn thành dứt điểm xây dựng hạ tầng, thực hiện đúng cam kết với các nhà đầu tư.
Ưu tiên đầu tư KH-CN
Tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức, chỉ đạo, thực hiện để KH-CN và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển kinh tế tri thức. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, chính sách tài chính để tạo bước phát triển đột phá cho KH-CN; ưu tiên đầu tư cho KH-CN so với các lĩnh vực khác; xác định danh mục sản phẩm chủ yếu để đặt hàng với các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu; gắn kết nghiên cứu, đào tạo với sản xuất - kinh doanh, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng các đề án KH-CN có giá trị ứng dụng thực tiễn. Thực hiện thật tốt chính sách đối với đội ngũ cán bộ KH-CN, nhất là các chuyên gia giỏi... |
Theo Người lao động