Các vệ tinh định vị viễn thông xác định; có nghĩa là khi xác định vị trí nào đó trên Trái đất, sẽ có các lưới tọa độ. Tọa độ này được xác định bằng các vệ tinh định vị. Hiện nay, nhiều nước cũng phát triển hệ thống định vị vệ tinh. Ở Việt Nam, người có nhu cầu hay các nhà khoa học lâu nay quen dùng hệ thống GPS của Mỹ, nhưng nay có Glonass nghĩa là sẽ có thêm sản phẩm để lựa chọn” - PGS Chung cho biết.
Tức là khi Glonass vào Việt Nam, sẽ có thêm sản phẩm cạnh tranh với GPS của Mỹ và người dùng có thể tận dụng từng ưu điểm của mỗi hệ thống khác nhau. Người tiêu dùng sẽ hưởng lợi khi có nhiều sản phẩm cạnh tranh trên thị trường. Thậm chí, có thể phát triển ứng dụng từ hệ thống vệ tinh này. “Họ muốn Việt Nam dần dần sẽ sử dụng hệ thống vệ tinh Glonass để định vị các điểm như GPS và sau này có thể còn đưa vào cả điện thoại di động…” - TS Chung chia sẻ.
Theo ông Chung, người dùng sắp tới có thể sử dụng cả hai hệ thống định vị cùng một lúc nhằm bổ sung cho nhau để có thể định vị chính xác hơn.
Ông Vũ Anh Tuân - Phó Giám đốc Trung tâm Vệ tinh quốc gia - cho biết, hiện phía Nga đang thương lượng với Bộ Thông tin và Truyền thông để đặt các trạm chỉnh sửa tín hiệu của hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu Glonass (tương tự hệ thống GPS của Mỹ) tại Việt Nam.
Thêm sự lựa chọn
Theo ông Tuân, về mặt chuyên môn, việc Nga đặt trạm gần như là vật chuẩn để các vệ tinh khác căn theo chỉnh giờ. Với Việt Nam về lợi ích tức thời thì không có, nhưng về lâu dài còn phụ thuộc vào việc họ cho mình xâm nhập công nghệ đến đâu. Còn việc Nga chỉ đơn thuần đặt trạm tại Việt Nam mà mình không được phép vào, không được phép tìm hiểu thì không có lợi ích gì thêm.
“Đây là một cơ hội đối với Việt Nam, nhưng nó có thể được hiện thực hóa thế nào thì còn phụ thuộc vào mức độ Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đàm phán với phía Nga. Hiện Trung tâm Vệ tinh quốc gia đã đề xuất ý kiến với bộ” - ông Tuân cho biết.
GS Nguyễn Văn Ngọ - Chủ tịch danh dự của Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam - cho rằng đây không phải là hệ thống duy nhất mà còn có Galileo của châu Âu, GPS của Mỹ và gần đây là hệ thống định vị Bắc đẩu của Trung Quốc.
“Qua tìm hiểu, tôi thấy rằng Glonass vào Việt Nam thuần túy mang ý nghĩa về kinh tế, nên hoàn toàn có thể hoan nghênh. Trên thực tế, Glonass sẽ cạnh tranh với GPS của Mỹ và với cơ chế cạnh tranh thì người dùng có thêm sự lựa chọn” - GS Ngọ đồng quan điểm với nhiều nhà khoa học trước đó.
Phía Văn phòng Chính phủ Nga cho rằng, Nga sẵn sàng xây dựng tại Việt Nam các trạm mặt đất của hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu Glonass của Nga và chia sẻ các thông tin thu thập được trong khuôn khổ hợp tác song phương.
Theo đó, Chính phủ Nga đã thông qua các dự thảo luật về việc phê chuẩn các thỏa thuận song phươngvới Việt Nam, làm nền tảng cho việc phát triển quan hệ song phương trong lĩnh vực không gian vũ trụ.
Từng đến thăm hệ thống Glonass của Nga, TS Chung cho biết nhược điểm của hệ thống này là thiết bị hơi cồng kềnh, nên để chiếm được thị phần cũng cần phải có thời gian. “Cần phải có quá trình, chứ không thể ép người ta sử dụng ngay lập tức được” - ông Chung nói.
Để sử dụng được Glonass, Việt Nam không cần phải chuẩn bị về cơ sở hạ tầng gì thêm, bởi đơn thuần là họ bán thiết bị và người dùng có thể sử dụng song song với các hệ thống định vị đang có.